3 không khi ăn canh cua

Canh cua là món ăn dân dã, bổ dưỡng, đặc biệt được yêu thích trong mùa hè nhờ khả năng giải nhiệt, kích thích vị giác và hỗ trợ tiêu hóa.

Gần đây, tôi hay nấu canh cua, đóng hộp riêng để tủ lạnh hôm sau mang đi làm ăn. Xin bác sĩ tư vấn làm như vậy có hại không? (Mai Anh - Thanh Hóa)

Bác sĩ Đông y Trương Văn Quân - Bệnh viện Đa khoa Hậu Lộc (Thanh Hóa) tư vấn:

Theo y học cổ truyền, cua đồng có vị mặn, tính hàn, hơi độc, giúp liền gân, nối xương, chữa ứ huyết do chấn thương và trừ nhiệt tà. Y học hiện đại xác nhận cua đồng giàu canxi photphat, rất tốt cho trẻ em còi xương và người bị loãng xương. Ngoài ra, cua đồng chứa protein chất lượng cao, vitamin nhóm B, khoáng chất như kẽm, sắt, hỗ trợ tăng cường sức khỏe xương, cải thiện hệ miễn dịch và thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Canh cua nấu với rau xanh còn cung cấp chất xơ, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, nếu chế biến hoặc sử dụng không đúng cách, món ăn này có thể gây hại cho sức khỏe.

Lưu ý khi ăn canh cua. Ảnh: Nguyễn Hào.

Lưu ý khi ăn canh cua. Ảnh: Nguyễn Hào.

Ba điều cần tránh khi ăn canh cua

Thứ nhất, không mua cua xay sẵn

Nhiều người chọn cua xay sẵn để tiết kiệm thời gian, nhưng điều này tiềm ẩn nguy cơ. Cua xay sẵn có thể là cua chết, chứa axit amin histidine chuyển hóa thành histamine - chất độc gây ngộ độc với các triệu chứng như đau bụng, đau đầu, nôn mửa, thậm chí choáng váng. Cua chết càng lâu, lượng histamine càng tăng, gây nguy hiểm cho sức khỏe. Hãy chọn cua tươi sống, còn bò khỏe để đảm bảo chất lượng.

Thứ hai, không để canh cua qua đêm

Canh cua giàu đạm, nếu để qua đêm, dù bảo quản trong tủ lạnh, dễ bị biến chất, mất giá trị dinh dưỡng và sinh độc tố. Nhiều trường hợp ngộ độc đã được ghi nhận do ăn canh cua để từ ngày trước. Vì vậy, chỉ nên nấu vừa đủ ăn trong một bữa, tránh để thừa và tái sử dụng.

Thứ ba, không ăn cua sống

Cua đồng dễ chứa sán lá phổi và các ký sinh trùng nguy hiểm. Nếu ăn cua sống hoặc chưa nấu chín, nang ấu trùng có thể xâm nhập vào máu, di chuyển đến phổi, não, tủy sống, tim, gan, hoặc thận, gây co giật, bại liệt hoặc tổn thương nội tạng. Khi chế biến, cần làm sạch mai cua, loại bỏ các bộ phận có thể chứa ký sinh trùng như vắt, sán. Đồng thời, rửa tay sạch sau khi xử lý cua để tránh lây nhiễm.

Canh cua là món ăn bổ dưỡng, nhưng cần cẩn trọng trong khâu chọn nguyên liệu và chế biến. Người nội trợ cần lưu ý chọn cua tươi, nấu chín kỹ, ăn ngay trong ngày và vệ sinh sạch sẽ khi chuẩn bị.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/3-khong-khi-an-canh-cua-2416710.html
Zalo