Người có trình độ học vấn cao dễ bị stress

Stress là phản ứng sinh tồn của cơ thể trước các áp lực, có thể ăn mòn sức khỏe thể chất và tinh thần nếu không được nhận diện kịp thời.

Stress là phản ứng căng thẳng về cảm xúc và thể chất khi cơ thể đối mặt với áp lực từ môi trường bên trong hoặc bên ngoài.

Ở mức độ phù hợp, stress thúc đẩy ta hoàn thành công việc hiệu quả hơn, giúp chúng ta trở nên hoàn hảo và thích nghi hơn. Chỉ khi vượt quá ngưỡng chịu đựng, stress mới gây tổn hại sức khỏe.

Các dấu hiệu cần nhận biết sớm

Ở mỗi độ tuổi, stress có biểu hiện khác nhau.

- Trẻ dưới 3 tuổi: Rối loạn ăn/ngủ, dễ giật mình, chậm nói, hành vi hung hăng.

- Trẻ 3-6 tuổi: Đau đầu, tức ngực, giảm tập trung, hay cáu gắt.

- Người trưởng thành: Mất ngủ, huyết áp cao, khó tiêu, lo âu vô cớ, mất hứng thú tình dục.

- Người già: Mệt mỏi kéo dài, đi tiểu nhiều, trầm cảm sau nghỉ hưu hoặc mất người thân.

Đối tượng dễ bị stress nhất

Nguyên nhân gây stress thường tồn tại khắp nơi và được chia thành 2 nhóm: Bên trong (bệnh tật thể chất, lo lắng về tương lai) và bên ngoài (áp lực công việc, ô nhiễm tiếng ồn, xung đột gia đình...).

Trong đó, phụ nữ có nguy cơ bị stress cao gấp 2,7 lần nam giới. Người trong nhóm tuổi 21-40 và người có trình độ học vấn cao thường chịu áp lực lớn hơn cũng dễ bị stress hơn.

 Người có trình độ học vấn cao thường chịu áp lực lớn hơn cũng dễ bị stress hơn. Ảnh minh họa

Người có trình độ học vấn cao thường chịu áp lực lớn hơn cũng dễ bị stress hơn. Ảnh minh họa

Người có các yếu tố nguy cơ như tiền sử rối loạn tâm thần, thiếu kỹ năng ứng phó, ít hỗ trợ xã hội... cũng là đối tượng dễ bị stress.

Bên cạnh đó, người hướng ngoại, có lối sống năng động thường có nồng độ Interleukin 6 (chất gây viêm do stress) thấp hơn 30% so với người hướng nội. Điều này giải thích tại sao tích cực tham gia hoạt động xã hội là được xem là "vaccine" tự nhiên chống stress.

Khi stress kéo dài trên 2 tuần kèm triệu chứng như hoảng loạn, mất ngủ triền miên, hoặc suy nghĩ tự hại thì cần được can thiệp y tế ngay.

Một vài bài tập giúp giảm stress

Người bị stress cấp có thể thực hành một số thao tác như:

- Kỹ thuật thở 4-7-8: Hít vào 4 giây - Nín thở 7 giây - Thở ra 8 giây (lặp 5 lần).

- Ngắt kết nối: Tắt điện thoại 15 phút, tập trung vào một việc đơn giản (lau bàn, tưới cây).

- Chườm lạnh sau gáy: Kích hoạt dây thần kinh phế vị giúp giảm nhịp tim ngay lập tức.

Về lâu dài, để ngăn ngừa stress, cần tăng cường kết nối xã hội (người có 3 mối quan hệ thân thiết giảm 50% nguy cơ trầm cảm); thiết lập "vùng an toàn" cảm xúc (dành 30 phút/ngày cho hoạt động không mục đích như nghe nhạc, ngắm mây...); tiêu thụ các sản phẩm chống stress như thực phẩm giàu magie (chuối, hạnh nhân) và Omega-3 (cá hồi).

TS.BS Dương Minh Tâm

Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai

THANH THANH (Ghi)

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-co-trinh-do-hoc-van-cao-de-bi-stress-post857717.html
Zalo