3 chính sách giáo dục có hiệu lực trong tháng 5
Từ tháng 5-2025, 3 chính sách giáo dục quan trọng liên quan đến liên kết đào tạo, tuyển sinh đại học và hỗ trợ học sinh bán trú chính thức có hiệu lực.
Thông tư 06/2025 của Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non sẽ có hiệu lực từ ngày 5-5. Đây là chính sách giáo dục có nhiều sự thay đổi, thí sinh cần lưu ý
Nhiều điểm mới cần quan tâm

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: NGUYỆT NHI
Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là việc bỏ hình thức xét tuyển sớm.
Bắt đầu từ năm 2025, tất cả hình thức xét tuyển đều phải tuân theo lịch chung của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, nếu xét tuyển bằng kết quả học tập cấp THPT, các trường bắt buộc phải sử dụng kết quả học cả năm lớp 12, đồng thời quy định trọng số tối thiểu 25% của điểm xét tuyển từ kết quả này.
Các trường có nhiều phương thức tuyển sinh phải xây dựng quy tắc quy đổi điểm trúng tuyển tương đương giữa các phương thức và công bố công khai theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Điều này nhằm tránh chênh lệch quá lớn giữa các phương thức xét tuyển, đặc biệt là tình trạng điểm học bạ thấp hơn đáng kể so với điểm thi THPT. Quy tắc này phải được công bố cùng thời điểm với ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, giúp thí sinh có đủ thông tin để lựa chọn nguyện vọng.
Từ năm 2025, Bộ GD&ĐT bỏ giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển đối với mỗi ngành, chương trình đào tạo. Trước đây, mỗi ngành chỉ được sử dụng tối đa 4 tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đầu vào, quy chế yêu cầu tổ hợp xét tuyển phải có ít nhất 3 môn phù hợp, trong đó Toán hoặc Ngữ văn chiếm ít nhất 25% trọng số.
Bộ GD&ĐT cũng quy định các trường vẫn có thể quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm xét tuyển, nhưng trọng số điểm xét không được vượt quá 50%. Quy định này đảm bảo thí sinh có thể tận dụng lợi thế ngoại ngữ, nhưng không gây mất cân bằng so với các thí sinh khác.

Một giờ học của cô trò Trường THPT Hồ Thị Bị, huyện Hóc Môn. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Quy định về liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục
Thông tư 07/2025 quy định về liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài trình độ Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ có hiệu lực từ 5-5.
Thông tư nêu rõ việc tổ chức giảng dạy và học tập. Theo đó, người học theo học tập trung toàn thời gian tại cơ sở giáo dục Việt Nam hoặc tại cơ sở giáo dục đại học nước ngoài theo kế hoạch học tập ban hành trước khi bắt đầu khóa học. Việc tổ chức các lớp học trực tuyến phải tuân thủ quy định của Bộ GD&ĐT và của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến.
Việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ để người học đạt trình độ ngoại ngữ đầu vào trước khi giảng dạy chính khóa được triển khai trong thời gian tối đa 12 tháng tính từ thời điểm người học được xác nhận trúng tuyển có điều kiện khi chưa đạt trình độ ngoại ngữ đầu vào của chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tổ chức hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục đại học khác triển khai giảng dạy các môn học bắt buộc cho người học là công dân Việt Nam theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kế hoạch giảng dạy, phân công giảng viên, người hướng dẫn đồ án, khóa luận, đề án, luận văn và luận án, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý; tổ chức đăng ký học tập; tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá, công nhận hoàn thành môn học hoặc học phần; hướng dẫn, đánh giá và bảo vệ đồ án, khóa luận, đề án, luận văn, luận án; bảo lưu kết quả học tập...thực hiện theo quy định hiện hành của bên cấp bằng và thỏa thuận giữa hai bên.
Giảng viên đang giảng dạy chương trình đào tạo tương ứng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài chủ trì và chịu trách nhiệm tổ chức giảng dạy không ít hơn 25% tổng khối lượng của chương trình liên kết đào tạo.
Quy định mức hưởng chính sách đối với trẻ bán trú
Nghị định số 66/2025 quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách. Nghị định có hiệu lực thi hành 1-5.
Theo điều 6, mức hưởng chính sách được quy định như sau:
Trẻ em nhà trẻ bán trú sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa. Mỗi trẻ em nhà trẻ được hỗ trợ mỗi tháng là 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.
Đối với học sinh bán trú và học viên bán trú sẽ được hỗ trợ tiền ăn và tiền nhà ở, hỗ trợ gạo.
Theo đó, mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng là 936.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Bên cạnh đó, mỗi học sinh bán trú, học viên bán trú phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí chỗ ở trong trường học hoặc sinh lớp 1, lớp 2, học sinh khuyết tật có nhu cầu tự túc chỗ ở gần trường để người thân chăm sóc thì mỗi tháng được hỗ trợ 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.
Ngoài ra các em còn được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học....