20 năm xây dựng, trưởng thành vì mục tiêu phát triển bền vững

Trong 20 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa Việt Nam học đã chứng minh quá trình hội nhập và phát triển là tất yếu bằng những thành tựu về xây dựng đội ngũ, nghiên cứu khoa học và đào tạo lưu học sinh nước ngoài.

Lan tỏa tình yêu tiếng Việt, văn hóa Việt Nam đến bè bạn năm châu

Là đơn vị trực thuộc Trường Đại học Hà Nội, Khoa Việt Nam học có chức năng đào tạo với sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu gắn với sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu của Nhà trường. Sứ mạng của Trường Đại học Hà Nội là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thành thạo ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ theo xu thế hội nhập, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội và đất nước. Tầm nhìn của Trường được xác định, đến năm 2045 trở thành đại học đa ngành định hướng ứng dụng, có danh tiếng ở khu vực châu Á. Mục tiêu của trường là đào tạo người học trở thành công dân có trách nhiệm, đề cao bản sắc dân tộc và giá trị con người Việt Nam khi hội nhập thế giới...

Chính thức tuyển sinh, đào tạo cử nhân ngành Việt Nam học (tiếng Việt cho người nước ngoài), và từ năm 2004 là Ngành tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, Khoa Việt Nam học, tiền thân là Trung tâm tiếng Việt thực hành, đã có 35 năm kinh nghiệm trong giảng dạy tiếng Việt cho đối tượng người nước ngoài có nhu cầu học tiếng Việt và nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Thời gian qua, Khoa đã xây dựng được đội ngũ giảng viên mạnh về chất lượng, giỏi về chuyên môn và một chương trình đào tạo mang tính ứng dụng cao.

 Tập thể cán bộ giáo viên Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: HS

Tập thể cán bộ giáo viên Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: HS

Mục tiêu đào tạo trình độ đại học hình thức chính quy Ngành tiếng Việt và văn hóa Việt Nam của Trường Đại học Hà Nội theo định hướng ứng dụng, có kiến thức chuyên sâu về tiếng Việt và Việt ngữ học, về Việt Nam học (tự nhiên, xã hội, con người, văn hóa và văn học Việt Nam). Cử nhân Ngành tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam sử dụng thành thạo tiếng Việt, làm việc hiệu quả trong các lĩnh vực chuyên môn có sử dụng tiếng Việt; có năng lực tự chủ và thích ứng với môi trường làm việc đa ngôn ngữ, đa văn hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và những thay đổi nhanh chóng của thời đại khoa học công nghệ và toàn cầu hóa.

Khoa Việt Nam học hiện có 4 tổ bộ môn (Thực hành tiếng, Lý thuyết tiếng, Văn hóa văn minh, tiếng Việt chuyên ngành và hướng nghiệp); Ngành đào tạo đại học và sau đại học gồm Cử nhân Ngành tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Thạc sĩ Ngôn ngữ Việt Nam; với 25 giảng viên và chuyên viên. Theo sát phương châm tài sản quý nhất chính là con người, Khoa Việt Nam học coi đội ngũ cán bộ là một trong những tiêu chí tiên quyết bảo đảm chất lượng khi triển khai chương trình đào tạo. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng chuyên môn và năng lực giảng dạy, nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, giảng viên được đặt lên hàng đầu. Các giảng viên của Khoa có đủ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài; Mỗi cán bộ giáo viên đều là một đại sứ lan tỏa tình yêu tiếng Việt và văn hóa Việt Nam đến bè bạn năm châu.

Tiên phong và nhiệt huyết, Khoa Việt Nam học thường xuyên cử giảng viên làm chuyên gia tiếng Việt tới nhiều trường đại học danh tiếng tại Ba Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. Ngoài ra, giảng viên của Khoa tích cực tham gia diễn đàn khoa học trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm giảng dạy và kỹ năng nghiên cứu. Khoa đã và đang chủ động trong kế hoạch tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ. Việc xác định, đánh giá nhu cầu bồi dưỡng chuyên môn cũng như tổ chức các hoạt động để đáp ứng nhu cầu đó đã và đang được triển khai khoa học và hiệu quả.

Phát huy thế mạnh, hướng đến mục tiêu hội nhập và phát triển bền vững

Đào tạo người học từ trình độ đại học đến tiến sĩ thuộc các nhóm ngành III, V và VII, Trường Đại học Hà Nội nói chung và Khoa Việt Nam học nói riêng hàng năm tiếp nhận và đào tạo khoảng 400 sinh viên quốc tế đến từ hơn 30 quốc gia theo học hệ cử nhân chính quy Ngành tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam. Khoa cũng tiếp nhận và đào tạo khoảng 300 sinh viên theo học hệ ngắn hạn các khóa học tiếng Việt và tiếng Việt chuyên ngành.

Kể từ khi thành lập đến nay, Khoa Việt Nam học đã nhận được nhiều Bằng khen vì những đóng góp thiết thực cho nhà trường và xã hội vì mục tiêu lan tỏa ngôn ngữ, văn hóa Việt, góp phần vào quá trình hội nhập quốc tế; một số Danh hiệu, Bằng khen tiêu biểu mà Khoa Việt Nam học đã nhận được, gồm: 6 lần được nhận Danh hiệu thi đua; 6 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Để đạt được những danh hiệu trên, tập thể cán bộ giáo viên và sinh viên quốc tế đã, đang giảng dạy và học tập tại Khoa không ngừng cố gắng, chung tay, nỗ lực ở mọi hoạt động. Điển hình trong công tác nghiên cứu khoa học, Khoa Việt Nam học chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của giảng viên và sinh viên. Khoa Việt Nam học đã lập kế hoạch, lên danh mục hội nghị, hội thảo khoa học các cấp của cán bộ giáo viên và sinh viên với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú như Hội thảo quốc tế, Hội thảo khoa học giáo viên, Hội thảo khoa học sinh viên, Hội thảo chuyên đề, đề tài/nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở.

Khoa Việt Nam học đã nghiệm thu thành công 18 nhiệm vụ cấp cơ sở; khoảng trên 100 bài đăng trên tạp chí uy tín trong nước, 16 bài đăng trên tạp chí uy tín quốc tế. Các đề tài nghiên cứu của giảng viên trong Khoa đa dạng, bao quát các mảng kiến thức về lí luận ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy tiếng Việt, dịch thuật, văn hóa Việt Nam. Khoa còn thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học chuyên đề; các buổi trao đổi, sinh hoạt chuyên môn với nội dung tập trung vào đổi mới phương pháp giảng dạy, phát triển các kỹ năng của người học, ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy nhằm góp phần cải thiện chất lượng giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên quốc tế.

Góp phần khẳng định khát vọng của giáo dục đại học Việt Nam,Khoa đã tích cực kết nối, hợp tác với nhiều trường đại học và tổ chức Quốc tế trong nước và thế giới, ký kết nhiều dự án hợp tác, chương trình học bổng, chương trình trao đổi đào tạo giáo viên và hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập cho sinh viên ở cấp Khoa. Nhờ đó, giảng viên của Khoa có cơ hội trao đổi kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy với đồng nghiệp, giáo sư nước ngoài; sinh viên có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc và chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn với chuyên gia ngoài trường...

Với 20 năm xây dựng và phát triển, Khoa Việt Nam học không ngừng cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ, quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người học. Thời gian tới, thực hiện văn bản chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, Khoa sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh vốn có trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế để góp phần vào sự phát triển của Nhà trường và xã hội vì mục tiêu hội nhập, phát triển bền vững.

Hồng Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/20-nam-xay-dung-truong-thanh-vi-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-post394540.html
Zalo