20 năm ngầm hóa lưới điện TP.HCM
Hàng loạt tuyến đường ở TP.HCM vốn chằng chịt dây điện, cáp viễn thông đã được ngầm hóa và thay vào đó là các tuyến phố rực rỡ cờ đỏ sao vàng.
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, hàng loạt tuyến phố ở TP.HCM trở nên khang trang, sạch đẹp hơn bao giờ hết. Thành quả đó có sự nỗ lực của điện lực TP.HCM trong việc cải thiện diện mạo đô thị - công tác ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông đã được triển khai mạnh mẽ từ năm 2010.
Ngầm hóa lưới điện, người dân phấn khởi
Có mặt tại đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận những ngày cận lễ 30-4 mới cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” của cả con đường. Tuyến đường này vốn chằng chịt dây điện, cáp viễn thông mà nay đã được ngầm hóa toàn bộ, vỉa hè thông thoáng, người dân an tâm thụ hưởng. Không khí này cũng sôi động hơn khi đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp vừa được mở rộng, vừa được ngầm hóa toàn bộ lưới điện, cáp viễn thông khiến tuyến đường này trở nên đặc biệt hơn.

Toàn bộ lưới điện, cáp viễn thông trên đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp được ngầm hóa lưới điện, tuyến đường trở nên khang trang, sạch đẹp hơn. Ảnh: ĐT
Bà Nguyễn Thị Quý, sinh sống trên đường Huỳnh Văn Bánh, cho biết trước đây đường Huỳnh Văn Bánh nhỏ hẹp, dây điện viễn thông chằng chịt. Sau khi được ngầm hóa tuyến đường đẹp, tươi sáng và đặc biệt được đảm bảo an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ nên người dân ai nấy đều phấn khởi.
“Tôi mong rằng ngành điện TP.HCM và lãnh đạo TP có kế hoạch ngầm hóa lưới điện đồng bộ, với nhiều tuyến đường hơn nữa. Người dân ở đây ai cũng muốn dây điện, dây thông tin được hạ ngầm. Xa hơn, các tuyến đường hẻm cũng mong muốn được ngầm hóa để TP ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn” - bà Quý nói.
Bà Trần Thị Diệu Hiền, Chủ tịch UBND phường 11, quận Phú Nhuận, cho biết công tác PCCC, diện mạo đô thị được thay đổi khi năm tuyến đường huyết mạch của phường được ngầm hóa lưới điện toàn bộ. Người dân ai nấy cũng phấn khởi và thấy được lợi ích từ công tác ngầm hóa lưới điện.
Tương tự, ông Vương Hoài Nam, Chủ tịch UBND phường 5, quận Gò Vấp, cho biết hiện nay phường đã ngầm hóa hoàn toàn các tuyến đường chính, trong đó có đường Dương Quảng Hàm. Cáp dây điện lực, cáp quang được ngầm hóa thay vì dây treo trên cột điện và khi ngầm hóa người dân rất ủng hộ, xây dựng cảnh quan đô thị, tạo ra diện mạo đô thị khác biệt, hạ tầng sạch đẹp hơn.
Dự kiến đến hết năm 2025, TP.HCM sẽ ngầm hóa được hơn 1.500 km lưới điện trung thế, 2.500 km lưới điện hạ thế và gần 4.000 km cáp viễn thông. Hơn 70% lưới điện tại khu vực trung tâm TP sẽ được đưa xuống dưới lòng đất, mang lại diện mạo mới cho đô thị.
“Đường Dương Quảng Hàm là một công trình rất đặc biệt, thi công nhanh, người dân vô cùng ủng hộ - đây là công trình của TP chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với thành quả trên, địa phương mong muốn sẽ tăng cường mở rộng các con đường khác, kết hợp với ngầm hóa lưới điện, cáp viễn thông để mang lại hiệu quả đồng bộ” - ông Nam nói.
Hành trình 20 năm ngầm hóa lưới điện ở TP.HCM
Ông Bùi Hải Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), cho biết công tác ngầm hóa lưới điện giai đoạn 2010-2025 là một hành trình đầy nỗ lực và thành tựu. Từ những bước đi đầu tiên đầy khó khăn đến những kết quả ấn tượng hôm nay, dự án đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng sống và đặt nền móng cho một TP.HCM hiện đại, văn minh.
Ông Bùi Hải Thành cho biết những năm 2000, TP.HCM đối mặt với tình trạng hệ thống dây điện và cáp viễn thông trên cao chằng chịt, đặc biệt tại các khu vực trung tâm như các quận 1, 3 và 5. Những “mạng nhện” dây điện không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra nhiều nguy cơ về an toàn như chập điện, hỏa hoạn hay sự cố trong mùa mưa bão. Trước thực trạng này, UBND TP.HCM đã xác định ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông là một trong những ưu tiên để xây dựng đô thị hiện đại, văn minh.
Từ giai đoạn 2003-2005, TP.HCM đã thí điểm ngầm hóa lưới điện trên các tuyến đường Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi với khối lượng thực hiện là 9,2 km lưới trung thế và 9,5 km lưới hạ thế. Tuy nhiên, việc ngầm hóa này chưa triệt để do chỉ mới ngầm hóa lưới điện, chưa kết hợp được việc ngầm hóa dây thông tin và chiếu sáng nên tình trạng “mạng nhện” dây thông tin vẫn còn.
Đến năm 2009-2010, ngành điện TP.HCM triển khai thực hiện thí điểm năm công trình ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin tại các khu vực xung quanh Hội trường Thành ủy, chợ Bến Thành, các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn và Trương Định. Với khối lượng thực hiện gồm 9,23 km lưới trung thế và 46,57 km hạ thế đã được ngầm hóa.
Mỗi giai đoạn, điện lực TP.HCM càng có sự tăng tốc mạnh mẽ trong công tác ngầm hóa lưới điện, các dự án được chỉnh trang tích hợp với ngầm hóa. Giai đoạn 2016-2020, EVNHCMC có sự lớn mạnh trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại để giảm tác động thi công, giúp việc đào đường được rút ngắn thời gian. Đồng thời, sự phối hợp giữa ngành điện lực và các nhà mạng viễn thông được cải thiện, đảm bảo các tuyến cáp ngầm được bố trí khoa học, tránh chồng chéo.
Đến giai đoạn 2021-2025, TP.HCM tập trung hoàn thiện hệ thống lưới điện ngầm, đồng thời đặt nền móng cho các mục tiêu phát triển đô thị thông minh. Các dự án ngầm hóa không chỉ dừng lại ở khu vực trung tâm mà còn mở rộng ra các quận ngoại thành như Bình Tân, Tân Phú và TP Thủ Đức.
Nổi bất nhất trong giai đoạn này là sự tích hợp hạ tầng ngầm hóa với các dự án giao thông và đô thị lớn, như tuyến metro số 1, hay khu đô thị Sala. Các tuyến cáp ngầm được thiết kế để hỗ trợ hệ thống chiếu sáng thông minh, giám sát giao thông và kết nối mạng 5G, tạo nền tảng cho một đô thị hiện đại.