2 vợ chồng hôn mê sâu, tổn thương đa tạng vì ngộ độc nấm rừng
Ngày 18/4, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về trường hợp ngộ độc nấm rừng của cặp vợ chồng ở Lai Châu.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, chiều 10/4, cặp vợ chồng này lên rừng hái nấm về ăn. Loại nấm này có màu trắng, đầu nấm hình tròn, thân dài. Sau khi ăn nấm được khoảng 12 giờ, cả hai vợ chồng đều xuất hiện các triệu chứng về tiêu hóa, bao gồm đau bụng, nôn nhiều...
Hai nạn nhân đã được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cấp cứu và được chẩn đoán ngộ độc nấm. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân không đỡ, kích thích vật vã, diễn biến nặng nên đã được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Người chồng hôn mê sâu đang được lọc máu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: BVCC.
BS. Nguyễn Mạnh Chiến, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tại trung tâm, hai bệnh nhân đều có biểu hiện hôn mê sâu. Các xét nghiệm thể hiện tình trạng tổn thương và suy đa cơ quan,... nguy cơ tử vong rất cao.
Hai bệnh nhân đã được các bác sĩ điều trị tích cực, thay huyết tương, lọc máu liên tục, dùng các thuốc giải độc, hồi sức,…
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), ở Việt Nam có nhiều loại nấm độc, tuy nhiên có thể xếp vào 2 nhóm. Thứ nhất là nhóm gây ngộ độc chậm, thứ 2 là nhóm gây ngộ độc nhanh.
Nhóm gây ngộ độc chậm là loại nấm gây ngộ độc biểu hiện muộn (quá 6 giờ sau ăn), nguy hiểm hơn cả và thường gây tử vong nhất.
Tình trạng ngộ độc diễn biến theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 với thời gian ủ bệnh kéo dài, xuất hiện triệu chứng muộn trong vòng ít nhất 6 giờ sau ăn, thường hàng chục giờ, khi biểu hiện thì luôn khởi đầu với những biểu hiện về tiêu hóa thường rất nặng (đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy cấp nhiều lần), giai đoạn này kéo dài 1-2 ngày.
Ở giai đoạn 2 (1-2 ngày kế tiếp), các biểu hiện tiêu hóa lắng dịu khiến bệnh nhân và thầy thuốc chưa có kinh nghiệm dễ hiểu nhầm là đã khỏi, tuy nhiên gan bắt đầu bị tổn thương.
Giai đoạn 3 (từ khoảng ngày từ 3 trở đi), biểu hiện viêm gan, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, vàng da, chảy máu, tinh thần kích thích đi vào hôn mê và tử vong.
Tỷ lệ tử vong của ngộ độc loại nấm này theo ước tính của Trung tâm Chống độc là khoảng 50%, bao gồm cả các ca tử vong tại tuyến trước và tại gia đình.
“Khi có biểu hiện ngộ độc, tức lá đã quá 6 giờ sau ăn thì nấm độc đã đi qua dạ dày và xuống ruột hết, thậm chí hấp thu phần lớn vào cơ thể. Các biện cấp cứu ban đầu sẽ không còn tác dụng”, BS. Trung Nguyên nhấn mạnh.
Còn với các loại nấm gây ngộ độc sớm thì thường gây ngộ độc trong vòng trước 6 giờ sau ăn. Nhóm này có nhiều loại nấm hơn, tuy nhiên tất cả trông màu sắc sặc sỡ hoặc màu sắc không hấp dẫn.
Tùy loài nấm cụ thể nhưng thường chỉ gây đau bụng nôn, tiêu chảy, có thể có triệu chứng thần kinh, tâm thần, tim mạch. Với năng lực của các bệnh viện tuyến huyện hiện nay thì có thể điều trị được các trường hợp ngộ độc này.
Làm gì khi ăn phải nấm độc?
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, khi không may ăn phải nấm nghi ngờ là nấm độc, tùy theo điều kiện tại chỗ, bệnh nhân có thể được thực hiện các biện pháp cấp cứu như gây nôn (mới ăn xong, bệnh nhân vẫn tỉnh táo).
Trong trường hợp bệnh nhân tiêu chảy, nôn nhiều có thể cho bệnh nhân uống các loại nước để bù nước, bù muối. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần được đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám, đánh giá và cấp cứu.
Với các loại nấm gây ngộ độc chậm, các biện pháp cấp cứu ban đầu gần như là không còn tác dụng. Chính vì vậy, tốt nhất bệnh nhân cần được cấp cứu và điều trị tích cực ngay tại bệnh viện, cơ sở y tế có điều kiện tốt về chống độc và cấp cứu hồi sức, vì việc điều trị vô cùng phức tạp, cần rất tích cực, nhiều nguồn lực, tốn kém.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cũng khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc nấm, người dân tuyệt đối không nên hái các loại nấm hoang dại để ăn (trừ mộc nhĩ), bởi việc phân biệt giữa nấm độc và không độc là rất khó, kể cả với chuyên gia cũng không phải là điều dễ dàng.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát đi cảnh báo liên quan đến tình trạng ngộ độc nấm và các dấu hiệu nhận diện nấm độc.
Một số loài nấm có thể có hàm lượng độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng (nấm non hay nấm trưởng thành), trong môi trường thổ nhưỡng khác nhau. Vì vậy, có thể gặp trường hợp ăn cùng 1 loại nấm nhưng có lúc bị ngộ độc, có lúc không.
Đối với nấm có họ hàng gần nhau thường rất khó phân biệt theo hình dạng, màu sắc bên ngoài ngay cả đối với các nhà chuyên môn. Việc xác định loài chủ yếu phải nghiên cứu tiêu bản nấm dưới kính hiển vi và phân biệt theo đặc điểm của bào tử nấm.
Chính vì vậy, việc thu hái nấm mọc tự nhiên để ăn phải rất thận trọng, tốt nhất là không hái nấm mọc hoang về ăn để phòng tránh ngộ độc nấm độc cho bản thân và những người trong gia đình.