2 ngày nghỉ Tết có 165 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa

Trong 2 ngày nghỉ Tết, cả nước có 165 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm nhanh chất lượng giò tại cơ sở Hùng Mai. Ảnh: Thu Trang

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm nhanh chất lượng giò tại cơ sở Hùng Mai. Ảnh: Thu Trang

Theo báo cáo nhanh về công tác y tế Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của Bộ Y tế, tính đến sáng 26-1, cả nước vẫn còn gần 147.000 bệnh nhân đang điều trị.

Ngoài ra, tính đến sáng 26-1 có gần 7.000 ca khám, cấp cứu tai nạn nghi liên quan đến giao thông

Cũng trong 2 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết (25 và 26-1) đã có 165 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, chưa ghi nhận ca tử vong.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất bánh kẹo trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: Thu Trang

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất bánh kẹo trên địa bàn huyện Hoài Đức. Ảnh: Thu Trang

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Đồng thời, huy động xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm... Đồng thời, kiểm soát chặt hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 2 ngày nghỉ Tết đã có 42 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại. Có 10 trường hợp cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, chưa ghi nhận ca tử vong.

Về tình hình dịch bệnh, từ ngày 25 đến 26-1, cả nước ghi nhận 158 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 43 trường hợp tay chân miệng và 511 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó ghi nhận 1 xét nghiệm dương tính với sởi tại Hà Nội.

Bộ Y tế nhấn mạnh, trong những ngày đầu nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ chưa ghi nhận ổ dịch/chùm ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây lan trong cộng đồng.

Để tăng cường công tác y tế dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2025, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phân công trực 24/24 giờ đối với lãnh đạo đơn vị, cán bộ, nhân viên bảo đảm khoa học, hiệu quả; niêm yết công khai danh sách trực hằng ngày theo quy định.

Bộ Y tế lưu ý các địa phương, cơ quan, đơn vị, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh. Đồng thời, tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ; xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các công việc, tình huống phát sinh.

4 nguyên tắc khi lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn trong dịp Tết:

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc trong dịp Tết, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì người tiêu dùng thực phẩm cần thực hiện các biện pháp để bảo vệ sức khỏe cho gia đình. Các chuyên gia của Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra 4 nguyên tắc và lưu ý khi lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn:

1. Lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng

- Mua thực phẩm từ các nguồn đáng tin cậy: Lựa chọn mua thực phẩm từ siêu thị, cửa hàng thực phẩm uy tín, hoặc các chợ có kiểm soát chất lượng. Tránh mua thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc những nơi không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Chọn thực phẩm tươi, mới: Ưu tiên chọn thực phẩm tươi, không có dấu hiệu hư hỏng, không có mùi lạ.

2. Đảm bảo vệ sinh an toàn trong chế biến

- Rửa sạch thực phẩm: Rau, củ, quả phải được rửa sạch dưới vòi nước chảy. Các loại thịt, cá cần được làm sạch kỹ trước khi chế biến.

- Dụng cụ nấu ăn sạch sẽ: Các dụng cụ như dao, thớt, nồi, chảo luôn sạch sẽ trước và sau khi chế biến thực phẩm. Rửa tay trước khi nấu ăn và trong suốt quá trình chế biến.

- Chế biến thực phẩm đúng cách: Nấu chín thực phẩm. Không nên ăn thực phẩm sống hoặc chưa nấu chín kỹ.

3. Bảo quản thực phẩm đúng cách:

- Thực phẩm sau khi chế biến nên được tiêu thụ sớm, nếu không hết còn thừa cần bảo quản phù hợp.

- Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh bảo quản được lâu hơn nhưng cần phân loại và bao gói cẩn thận.

4. Thực phẩm chế biến sẵn

- Tránh thực phẩm chứa chất phẩm màu, chất bảo quản không an toàn. Sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn còn hạn sử dụng, bao gói nguyên vẹn.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/2-ngay-nghi-tet-co-165-ca-kham-cap-cuu-do-ngo-doc-thuc-an-roi-loan-tieu-hoa-691713.html
Zalo