19 chính sách đặc thù được đề xuất cho đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Trong 19 chính sách đặc thù Chính phủ đề xuất cho dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, có chính sách 'chưa có tiền lệ' nhằm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
![Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_595_51476337/7745889fbad1538f0ac0.jpg)
Ảnh minh họa.
Như Mekong ASEAN đã đưa tin, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, chiều ngày 13/2 Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo đề xuất của Chính phủ, chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9 km. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 2.632 ha, số dân tái định cư khoảng 19.136 người. Tổng mức đầu tư khoảng 203.231 tỷ đồng (khoảng 8,369 tỷ USD).
Để triển khai dự án, Chính phủ đề nghị cho áp dụng 19 chính sách đặc thù theo thẩm quyền của Quốc hội. Trong đó có 15 nhóm chính sách đã áp dụng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (theo Nghị quyết số 172/2024/QH15 của Quốc hội), 4 nhóm chính sách mới. Một số chính sách nổi bật đã áp dụng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, gồm:
Về cơ cấu nguồn vốn: Trong quá trình thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ được quyết định:
Phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hằng năm cho dự án trong trường hợp dự toán ngân sách Nhà nước bố trí hằng năm không đáp ứng tiến độ.
Huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án và không phải lập đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng khác với quy định của nhà tài trợ nước ngoài.
Sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án trong trường hợp dự toán ngân sách Nhà nước bố trí hằng năm không đáp ứng tiến độ. Việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi không phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Sử dụng nguồn vốn hợp pháp trong nước để thực hiện dự án trong trường hợp đàm phán hiệp định vay không thành công hoặc quy mô khoản vay không đủ theo dự kiến.
Về việc thẩm định khả năng cân đối vốn của dự án: Dự án không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.
Về phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ: Các chủ đầu tư, nhà thầu phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp.
Đối với gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu phải có điều kiện cam kết của nhà thầu về việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho đối tác Việt Nam để làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì; từng bước làm chủ công nghệ.
Về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án: Trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, trừ trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.
Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định điều chỉnh dự án đối với các trường hợp: Khi điều chỉnh quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp tới dự án; do ảnh hưởng của sự cố thiên tai, hỏa hoạn hoặc yếu tố bất khả kháng khác khi đã hết thời gian bảo hiểm; chỉ số giá trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá được sử dụng để tính dự phòng trong tổng mức đầu tư.
Về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giao địa phương thực hiện các thủ tục chuyển đổi và giải phóng mặt bằng:
Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện tiểu dự án hoặc các tiểu dự án đối với công tác di dời công trình điện có điện áp từ 10kV trở lên.
UBND cấp tỉnh có dự án đi qua triển khai xây dựng khu tái định cư trên cơ sở hồ sơ thiết kế sơ bộ trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tổ chức triển khai công tác thu hồi đất khi chưa hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc tái định cư.
Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền được quyết định áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, phí tư vấn, xây lắp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trình tự thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Cho phép các tỉnh, thành phố được ứng trước vốn ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án.
Các nhóm chính sách khác gồm: Phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án; về bãi đổ chất thải rắn xây dựng và tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước; phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho dự án; thi tuyển phương án kiến trúc nhà ga và công trình cầu thuộc dự án; chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và tạm sử dụng rừng; lập tổng mức đầu tư, dự toán gói thầu; bảo đảm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
![Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh trình Quốc hội chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong phiên họp chiều 13/2. Ảnh: CTTĐT Quốc hội](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_595_51476337/8b1476ce4480addef491.jpg)
Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh trình Quốc hội chủ trương đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong phiên họp chiều 13/2. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
CHÍNH SÁCH "CHƯA CÓ TIỀN LỆ"
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có 4 đề xuất chính sách bổ sung "chưa có tiền lệ". Thứ nhất, cấp có thẩm quyền không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp việc triển khai dự án khác với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các quy hoạch có liên quan được tự động điều chỉnh phù hợp với các nội dung của dự án.
Thứ hai, cho phép chủ đầu tư được triển khai đồng thời lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu.
Thứ ba, cho phép chủ đầu tư được chỉ định thầu các gói thầu thuộc dự án.
Thứ tư, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu trong quá trình thực hiện dự án xảy ra các hành vi, tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí.
Theo tờ trình của Chính phủ, do thời gian chuẩn bị đầu tư dự án rất ngắn, trong khi việc thực hiện thủ tục để ban hành được các chính sách theo đúng trình tự quy định của pháp luật cần tối thiểu từ 12 - 18 tháng. Việc đề xuất, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách cho dự án khác với quy định hiện hành có thể chưa đánh giá hết tác động tiêu cực. Quá trình thực hiện, các chủ thể có thể lợi dụng để trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, lãng phí, trong khi những người tham mưu ban hành các cơ chế chính sách không thể dự báo, kiểm soát. Chính nguyên nhân này đã làm cản trở cán bộ, công chức phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm.
Về chính sách bảo vệ cán bộ này, trong báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư dự án, Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội cho rằng, với tiến độ cấp bách của dự án thì việc chuẩn bị đầu tư sẽ có thể xảy ra những bất cập, chưa thể đánh giá được; chính sách sẽ góp phần bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện, đề nghị làm rõ phạm vi đối tượng, các loại hành vi được miễn trừ, xác định rõ các yếu tố lỗi do vô ý, không vụ lợi, các trách nhiệm cụ thể được miễn trừ.
Cũng có ý kiến khác cho rằng, pháp luật hiện hành đã có quy định về miễn trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ; quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Mặc dù dự án được triển khai trong thời gian gấp nhưng quá trình xây dựng hoàn thiện hồ sơ đều đã tuân thủ theo quy trình thủ tục của pháp luật. Việc áp dụng cơ chế có thể tạo ra chính sách không đồng đều đối với các cán bộ, công chức đã tham gia tham mưu các dự án có tính chất tương tự. Do đó, chính sách nêu trên là không cần thiết.
Theo Ủy ban Kinh tế, đây là chính sách "chưa có tiền lệ", do vậy trường hợp cần thiết Chính phủ cần báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.