17 năm 'lừa' con đọc sách của nhà văn Chu Thùy Anh

'Có những đứa trẻ rất thích sách, nhưng một số thì không. Điều quan trọng là phụ huynh có thể giúp con hình thành thói quen đọc', nhà văn Thùy Anh nhấn mạnh.

 Nhà văn Chu Thùy Anh tại buổi ra mắt sách. Ảnh: Đức Huy.

Nhà văn Chu Thùy Anh tại buổi ra mắt sách. Ảnh: Đức Huy.

Trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển, một bộ phận người trẻ dần hình thành thói quen tiêu thụ tin tức trên các nền tảng trực tuyến thay vì đọc sách. Đây là điều nhà văn Chu Thùy Anh nhận thấy trong quá trình nuôi dạy con và tiếp xúc với nhiều bạn trẻ. Vì vậy, trong suốt 17 năm, cô đã tìm cách để giúp con cái đọc càng nhiều càng tốt từ đó khơi dậy văn hóa đọc trong mỗi người.

Tại sự kiện ra mắt tác phẩm Cuốn sách Hoang dã sáng ngày 9/5, nhà văn Chu Thùy Anh chia sẻ về chìa khóa trong việc xây dựng văn hóa đọc trong gia đình dựa trên sự tự do chọn lựa. "Mỗi người có một nhu cầu tìm đọc riêng. Không thể bắt ép ai đó yêu thích một chủ đề sách cụ thể. Điều quan trọng là phải tạo được thói quen đọc, bất kể chủ đề nào", tác giả Thùy Anh nói.

Văn hóa đọc phải hình thành từ khi còn nhỏ

Theo tác giả Chu Thùy Anh, quá trình xây dựng thói quen đọc sách cho con được chị dí dỏm gọi đó là 17 năm "lừa" con để đọc càng nhiều càng tốt. Bởi chị luôn phải tìm cách để giúp con hiểu được giá trị của sách mà không có cảm giác bị giáo điều. Khi còn nhỏ, chị thử để con tiếp cận từ sách sách tranh, đến lớn, chị lại cho bé đọc những ấn phẩm văn học, nghệ thuật phù hợp với độ tuổi và sở thích.

 Các diễn giả tại buổi ra mắt sách.

Các diễn giả tại buổi ra mắt sách.

“Có những đứa trẻ rất thích sách, nhưng một số thì không. Điều quan trọng là phụ huynh có thể giúp con hình thành thói quen đọc”, chị Thùy Anh nhấn mạnh. Theo nhà văn, khơi dậy văn hóa đọc cần bắt đầu từ sự tự nguyện, chủ động. Dù là sách lịch sử, khoa học hay văn chương, điều quan trọng là trẻ được lựa chọn thứ phù hợp với cá tính của mình. Chị cho rằng, để việc đọc trở thành thói quen, không thể thiếu yếu tố tiện dụng. Những cuốn sách nhỏ gọn, dễ mang theo sẽ giúp trẻ linh hoạt đọc mọi lúc, mọi nơi, từ xe buýt đến sân trường.

Những giai đoạn khó khăn nhất là khi con bước vào tuổi dậy thì, chịu nhiều ảnh hưởng từ bạn bè và thiết bị số. Nhà văn cho biết chị không ngăn cấm con chơi game hay sử dụng mạng xã hội, mà thay vào đó âm thầm tạo điều kiện để con tiếp cận những cuốn sách có nội dung hấp dẫn, liên quan đến sở thích cá nhân. Dần dần, con chị bắt đầu tìm thấy niềm vui trong việc đọc và nhận ra sự hữu ích của tri thức qua từng trang sách.

Kết quả của hành trình 17 năm đó là một người trẻ hiện nay có thể chủ động tìm kiếm và sắp xếp thời gian đọc sách mà không cần gợi ý từ mẹ. Chu Thùy Anh tin rằng đó không phải là điều quá khó để các bậc phụ huynh khác có thể thực hiện: “Chỉ cần kiên trì và tinh tế trong cách dẫn dắt, bất cứ cha mẹ nào cũng có thể giúp con mình yêu sách từ những trang đầu tiên".

Thông điệp từ Cuốn sách Hoang dã

Cũng tại buổi ra mắt, các diễn giả đã chia sẻ nhiều góc nhìn sâu sắc về giá trị và thông điệp đọc sách được gửi gắm trong tác phẩm. Nhà văn Chu Thùy Anh đã nhấn mạnh: “Không phải cứ đọc là tốt. Vậy chúng ta phải lựa chọn, phải đọc thứ phù hợp”. Theo chị, tác phẩm Cuốn sách Hoang dã còn đặt ra vấn đề rất quan trọng: chọn sách phù hợp với độ tuổi, tâm lý và hoàn cảnh của người đọc.

Chị kể lại một chi tiết trong tác phẩm khi người bác của nhân vật chính Juan, từ một người dịu dàng bỗng trở nên tham lam sau khi đọc một cuốn sách không phù hợp. Đây là một minh họa sống động cho tác hại của việc đọc sai sách.

“Chưa chắc cái ấn phẩm đó đã phù hợp với mình, có thể nó phù hợp với người khác, nó không phù hợp với mình thì khi đó nói lại cũng không hẳn là tốt”, chị Thùy Anh nói. Cuốn sách Hoang dã là “cuốn sách hướng dẫn cách đọc”, với thông điệp: đọc sách đúng lúc, đúng nhu cầu quan trọng hơn việc đọc càng nhiều càng tốt.

 Cuốn sách Hoang dã do Nhã Nam phát hành. Ảnh: Nhã Nam.

Cuốn sách Hoang dã do Nhã Nam phát hành. Ảnh: Nhã Nam.

Dưới góc nhìn của dịch giả Lê Mạnh Thắng, tác phẩm còn gây ấn tượng mạnh bởi bút pháp tinh tế trong miêu tả tâm lý thiếu niên, cùng với việc xây dựng một thế giới thư viện kỳ ảo, nơi sách có thể chuyển động, tương tác và phản chiếu nội tâm người đọc. Chính yếu tố này khiến tác phẩm trở nên hấp dẫn và gần gũi với thanh thiếu niên. Với gần 2 triệu bản bán ra tại Mexico, được dịch ra nhiều thứ tiếng và đang được chuyển thể thành phim, Cuốn sách Hoang dã không chỉ thành công về mặt thương mại mà còn chạm đến nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa đọc sách ở lứa tuổi mới lớn.

Nhân vật chính trong truyện, Juan, một cậu bé 13 tuổi, trải qua mùa hè u ám khi bố mẹ chia tay và phải chuyển đến sống cùng người chú kỳ lạ. Thế nhưng, chính nơi tưởng chừng buồn tẻ ấy lại ẩn chứa một thư viện kỳ diệu, nơi sách có thể tự di chuyển, và mỗi cuốn sách đều biến đổi theo người đọc.

Khi phát hiện mình là “Princeps Reader” - người có khả năng thuần hóa cuốn sách hoang dã - Juan cùng người bạn mới Catalina bước vào hành trình tìm kiếm và khám phá thế giới sách. Cuộc phiêu lưu giả tưởng trong tác phẩm là một ẩn dụ sâu sắc về hành trình trưởng thành và quá trình chọn lọc tri thức trong thời đại bội thực thông tin.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/17-nam-lua-con-doc-sach-cua-nha-van-chu-thuy-anh-post1552258.html
Zalo