166 người chết và mất tích, 8.200 tỷ đồng thiệt hại vì thiên tai trong năm 2023
Trong năm 2023 xuất hiện 1.135 trận thiên tai làm 166 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế hơn 8.200 tỷ đồng, giảm 11.300 tỷ so với năm 2022.
Tại chương trình tọa đàm "Dấu ấn phòng chống thiên tai năm 2023", ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai) cho biết: "Năm 2023 xuất hiện gần hết 22 loại hình thiên tai, trừ sóng thần. Trong đó có 5 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới, 179 trận mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, 248 trận giông lốc, mưa đá; 342 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển; 334 trận động đất. So với năm ngoái, số người chết, mất tích do thiên tai giảm 9 người, thiệt hại kinh tế giảm hơn một nửa".
Theo Nguyễn Văn Hải, năm 2023, thiên tai tuy giảm nhưng vẫn xảy ra một số vụ nghiêm trọng như sạt lở đèo Bảo Lộc cuối tháng 7, đầu tháng 8 làm 3 cảnh sát giao thông, một người dân tử vong; sạt lở ở TP Đà Lạt làm 2 người chết. Mưa lớn ở thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát (Lào Cai) vào trung tuần tháng 9 làm 9 người chết và mất tích.
Trong khi đó, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho rằng, năm 2023 thời tiết chịu ảnh hưởng của El Nino nên bão ít hơn, nhưng xuất hiện nắng nóng đỉnh điểm và mưa lớn cục bộ. Cụ thể, ngày 6/6 Hồi Xuân (Thanh Hóa) nóng 44,1 độ C, vượt kỷ lục năm 2019 ở Hương Khê (Hà Tĩnh) 43,3 độ C. Chỉ một ngày sau, Tương Dương (Nghệ An) đã xác lập kỷ lục nhiệt độ mới 44,2 độ C.
Từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11, miền Trung xảy ra ba đợt mưa lớn làm 14 người chết và mất tích. Trong đó đợt 13-17/11, Thừa Thiên Huế có nơi mưa hơn 800mm trong một ngày gây ngập sâu 2m ở hạ lưu sông Hương và sông Bồ. Mực lũ ở trạm Kim Long, sông Phú Ốc lớn nhất trong 10 năm qua.
Tại Đà Nẵng, đợt mưa ngày 10-17/10 với tổng lượng trên 1.300 mm cũng gây ngập lụt nghiêm trọng nhiều khu vực thành phố.
Ông Nguyễn Văn Hải cho rằng, thiệt hại giảm ngoài nguyên nhân khách quan là bão, mưa diện rộng ít còn do nỗ lực trong công tác dự báo, cảnh báo để người dân và các địa phương chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa.