15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô: Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 (ngày 29-5-2008) của Quốc hội khóa XII về 'Điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan', Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua và các cuộc vận động. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp đã góp phần từng bước nâng cao đời sống nhân dân, phát huy tốt vai trò xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bền bỉ “giữ lửa”
Kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố được củng cố, kiện toàn tổ chức; có nhiều đổi mới trong phương thức, nội dung hoạt động theo hướng đa dạng, thiết thực, gần dân, phù hợp với từng khu vực, đối tượng. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã bám sát nhiệm vụ chính trị của thành phố và cơ sở; tập hợp, đoàn kết, động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.
Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Võng Nội, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Thị Loan là tấm gương nỗ lực vận động nhân dân hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa”. Thôn Võng Nội có 468/472 hộ đăng ký gia đình văn hóa, đạt 98,7%, qua bình xét có 433/468 hộ đạt gia đình văn hóa. Đặc biệt, Ban Công tác Mặt trận thôn đã vận động nhân dân đóng góp kinh phí làm bích họa, trang trí cụm pa nô, tôn tạo di tích lịch sử đình Võng Nội, tu sửa một số hạng mục và mở rộng khuôn viên chùa Cảnh Lam... Những hoạt động này đã giúp thay đổi diện mạo quê hương.
Với lợi thế là nhân dân đoàn kết, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động nên mọi hoạt động của tổ dân phố Phố Ga, thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín) đều đạt kết quả cao. Để “giữ lửa” cho phong trào của địa phương, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố Phố Ga Nguyễn Tiến Vinh cho biết: “8 năm trở lại đây, tổ dân phố và Ban Công tác Mặt trận tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với “đặc sản” là bữa cơm đại đoàn kết để kết nối người dân lại gần nhau hơn”. Với tinh thần đoàn kết cao, 100% đám tang thực hiện hỏa táng; bà con đóng góp tiền làm giá treo cờ Tổ quốc cho 471 hộ dân trong tổ dân phố; cải tạo một số ngõ xóm lầy lội, úng ngập, đổ đá cấp phối 100m đường tại đoạn mương thoát nước T4. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19, tổ dân phố đã quyên góp được hơn 120 triệu đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch.
Với 4.843 Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư và đông đảo đội ngũ cán bộ Mặt trận ở các cấp, mỗi địa phương đều có cách làm riêng, sáng tạo cùng hệ thống Mặt trận Tổ quốc của thành phố xây dựng hình ảnh người cán bộ Mặt trận gần dân, trọng dân, lắng nghe dân. Ngoài việc đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động, phối hợp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, Mặt trận đã kịp thời phản ánh, kiến nghị với các cấp, các ngành chức năng xem xét, giải quyết những bức xúc trong dân, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận của xã hội. Nhờ đó, các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì luôn đạt kết quả cao.
Một trong những thành công trong công tác củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố là vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; chung sức vì người nghèo; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Những năm qua, diện mạo của các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn toàn thành phố ngày càng thay đổi: Đường làng, ngõ phố được bê tông hóa, trồng hoa, trồng cây ven đường tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch đẹp; các thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp quan tâm, thường xuyên kiện toàn các tổ hòa giải, bảo đảm hoạt động liên tục, hiệu quả; tham gia hòa giải thành công các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh, đạt tỷ lệ 88,4%.
Xung kích thực hiện việc mới, việc khó
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, 5 năm gần đây, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã vận động đóng góp được trên 132,5 tỷ đồng ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ; vận động trên 236 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố trích gần 105,6 tỷ đồng từ Quỹ “Cứu trợ” thành phố để hỗ trợ các tỉnh miền Trung, Tây Bắc khắc phục hậu quả bão lũ, thăm hỏi gia đình các nạn nhân trên địa bàn bị tai nạn, bị thiệt mạng do hỏa hoạn; chuyển 203 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa đa năng tại quần đảo Trường Sa.
Các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, chăm lo cho đoàn viên, hội viên được triển khai ngày càng bài bản, hiệu quả. Tiếp nhận đăng ký, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” của 3 cấp từ năm 2016 đến nay được trên 303 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ vận động được, Mặt trận các cấp đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 7.637 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ sinh kế cho 10.476 người nghèo. Trong đó, thành phố trích Quỹ “Vì người nghèo” và phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện công tác an sinh xã hội và chăm lo cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn với tổng số tiền trị giá 35,3 tỷ đồng.
Trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19 chưa có trong tiền lệ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ công tác phòng, chống dịch và đã tiếp nhận ủng hộ với tổng số tiền và hàng hóa trị giá 916,8 tỷ đồng. Mặt trận cũng đã tiếp nhận, ủng hộ Quỹ “Vắc xin phòng, chống Covid-19” của Trung ương 556,3 tỷ đồng; tiếp nhận 14 tỷ đồng ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” và các thiết bị học trực tuyến trị giá hàng chục tỷ đồng; chuyển hỗ trợ công tác phòng, chống dịch 846,564 tỷ đồng.
Nhiều hoạt động sáng tạo do Mặt trận các cấp triển khai để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch đã huy động được sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, được nhân dân đồng tình và đánh giá cao. Điển hình là: Mô hình “Chợ 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”..., chương trình “Đoàn kết chống dịch” cung cấp số điện thoại đường dây nóng từ thành phố đến cơ sở để hỗ trợ kịp thời người dân gặp khó khăn; chương trình hỗ trợ 158.709 người lao động, sinh viên khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19…
Kết quả của các phong trào, cuộc vận động lớn đã thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mà Mặt trận các cấp đạt được trong thời gian qua. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện, xứng đáng là trái tim của Tổ quốc, là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Một trong những bài học kinh nghiệm rút ra là phải thực hiện nghiêm túc, đúng đắn sự chỉ đạo của Trung ương; bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cùng toàn thể nhân dân đoàn kết, thống nhất, quyết liệt, năng động, sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương khẳng định: “Thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng hoạt động về cơ sở để phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống nhân dân. Cùng với đó là phối hợp tổ chức tốt các phong trào thi đua, cuộc vận động, nhân rộng mô hình mới, cách làm hay để khẳng định vị thế, vai trò của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay”.
Qua 15 năm, Mặt trận các cấp trên địa bàn Hà Nội đã hỗ trợ xây mới 9.078 nhà Đại đoàn kết, sửa chữa 3.900 nhà Đại đoàn kết; 23.900 khu dân cư tổ chức “Bữa cơm Đại đoàn kết”. Nhiệm kỳ 2019-2024, 100% Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, cấp huyện đều trong độ tuổi lao động. Hà Nội còn là “đầu tàu” trong triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Trong 5 năm gần đây, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức 31 hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND thành phố; 11 cuộc phản biện xã hội bằng hình thức gửi dự thảo lấy ý kiến. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tổ chức phản biện 15 chính sách đặc thù có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cán bộ, nhân dân trên địa bàn Thủ đô.