15 năm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Dấu ấn của Bộ Công Thương
Bộ Công Thương được đánh giá là một trong những bộ, ngành đi đầu trong triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam suốt 15 năm qua.
Chủ động triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị triển khai từ năm 2009 đến nay là một trong những Cuộc vận động dài hơi và mang lại hiệu quả rõ nét nhất. Từ tâm lý sính ngoại, chưa ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam trong giai đoạn đầu triển khai, đến nay, khái niệm hàng Việt Nam ngày càng in sâu trong tâm trí người tiêu dùng.
Để làm được điều này, Bộ Công Thương là một trong những Bộ ngành đi đầu trong triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt. Hàng năm, ngay từ đầu mỗi năm, Bộ Công Thương đều xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương triển khai Cuộc vận động ý nghĩa này. Kế hoạch được ban hành đến các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ với nhiều nội dung chi tiết, cụ thể.
Với vai trò, chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về sản xuất công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương đã kịp thời cụ thể hóa Thông báo số 264-TB/TW, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị; Kết luận số 107-KL/TW, ngày 10/4/2015 và Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư thành các nhiệm vụ cụ thể.
Cụ thể, Bộ đã luôn chú trọng và là cơ quan tiên phong trong công tác rà soát, cắt giảm (hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền cắt giảm) các quy định, điều kiện đầu tư kinh doanh và các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ ban hành các chiến lược, đề án, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tham gia vào chuỗi sản xuất, phân phối trong nước và nước ngoài, như: Chiến lược Phát triển thương mại trong nước, Chương trình Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản...
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như năng lượng, chế biến, chế tạo, hóa chất, vật liệu mới nhằm xây dựng nền công nghiệp tự chủ, hiện đại hỗ trợ những tập đoàn kinh tế đủ mạnh đóng vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh trong tương lai.
Trong môi trường kinh doanh thuận lợi đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư phát triển sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, hình thành nét văn hóa cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ hàng Việt, gắn Cuộc vận động với hoạt động bình ổn thị trường. Hệ thống phân phối hiện đại ưu tiên phân phối hàng Việt Nam.
Từ những quyết sách đúng đắn của Đảng, Chính phủ, sự chủ động của Bộ Công Thương và sự hưởng ứng của các Hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương… Theo kết quả thăm dò dư luận xã hội do Viện Dư luận xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai vào tháng 9/2022 cho biết, có 87% người được hỏi cho rằng, Cuộc vận động đã làm tốt việc khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.
15 năm qua, Cuộc vận động đã góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nổi bật như: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 trở lại đây liên tục đạt mức tăng trưởng trên dưới 10% so với năm trước. 10 tháng đầu năm 2024, Chỉ số này tăng 8,5% so với cùng kỳ. Thị trường nội địa tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế đất nước.
Hàng Việt Nam, nhất là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng - những mặt hàng có thế mạnh - đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại. Theo báo cáo của các địa phương, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% như Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80-90%),...
Các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như Aeon, Central Retail, MMMegaMarket, LotteMart… cũng có nhiều nỗ lực trong việc đóng góp cho cộng đồng nơi mở cơ sở kinh doanh bằng việc thu mua, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền (OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng chủ lực của địa phương,…) và giữ tỷ lệ hàng Việt cao trong kênh phân phối của mình.
Doanh nghiệp tập trung sản xuất và nâng cao chất lượng hàng Việt Nam
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, thị trường nội địa Việt Nam có 100 triệu dân với thu nhập ngày càng tăng. Hiện nay, thu nhập bình quân của người Việt Nam vào khoảng 4000 USD và 5 đến 10 năm tới có khả năng đạt 5.000 – 8.000 USD/người/năm. Thu nhập được cải thiện khiến nhu cầu của người dân ngày càng tăng lên, không chỉ với hàng hóa thiết yếu mà cả với những nhóm ngành hàng thuộc ngành công nghiệp chế biến như dệt may, da giày, đồ gỗ, hàng điện tử… Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiến lên chiếm lĩnh thị trường.
“Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kết nối cung cầu… Các hoạt động kết nối trên cả nền tảng trực tiếp và trực tuyến đã giúp doanh nghiệp tiếp cận cả những phương thức mua sắm trên nền tảng thương mại điện tử để bắt kịp xu hướng tiêu dùng của người dân” – Chuyên gia Vũ Vinh Phú chỉ rõ.
Về phía doanh nghiệp thời gian qua đã đẩy mạnh đầu tư máy móc, thiết bị; đảm bảo chất lượng sản phẩm; rút ngắn thời gian vận chuyển; chế độ bảo hành hợp lý… để gia tăng khả năng cạnh tranh trên “sân nhà”.
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, từ những năm 90 của thế kỷ trước, Ban lãnh đạo May 10 đã xây dựng chiến lược phát triển thị trường nội địa song song với thị trường xuất khẩu. Dù hiện nay 80% doanh thu của May 10 là xuất khẩu nhưng về dài hạn May 10 xác định thị trường trong nước sẽ là một trong những cách hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững và lâu dài của Tổng Công ty.
Năm 2022, sau 5 năm đầu tư nghiên cứu phát triển, May 10 cho ra mắt thương hiệu Dethiea – Thương hiệu thời trang nữ cao cấp. Thay vì cách làm truyền thống, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm từ các thương hiệu thời trang quốc tế có tuổi đời hàng trăm năm với Dethiea May 10 tập trung sâu hơn vào câu chuyện phát triển thương hiệu lâu dài, theo chiều sâu thay vì đầu tư mở các cửa hàng… Thậm chí, Tổng Công ty cũng xác định lộ trình thương hiệu có thể lên đến hàng trăm năm với mong muốn không chỉ là sự đón nhận của người tiêu dùng Việt mà còn chinh phục thành công thị trường thời trang thế giới.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, TS.Tô Hoài Nam – Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, rong quá trình triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả doanh nghiệp siêu nhỏ.
Vì khi lựa chọn hàng hóa, người tiêu dùng sẽ quan tâm đến chất lượng, giá cả và thương hiệu. Tất cả những yếu tố này thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa “đuối sức” hơn các doanh nghiệp lớn. Do đó, nhờ vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam, người tiêu dùng đã nghĩ nhiều hơn đến hàng Việt, ưu tiên lựa chọn hàng Việt, nhất là hàng hóa do doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, cũng là động lực để doanh nghiệp vươn lên làm chủ thị trường.
Ngày 12/11, Bộ Công Thương tổ chức Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động. Sự kiện sẽ tổng kết những kết quả nổi bật ngành Công Thương đạt được trong 15 năm triển khai Cuộc vận động cũng như đề ra giải pháp cho giai đoạn tới.