120 website và 44 ứng dụng bị buộc giải trình về việc tự ý dừng hoạt động thương mại điện tử
Bên cạnh sự bùng nổ của hoạt động thương mại điện tử thì thực tế vẫn có một số bộ phận không nhỏ các các nhân, tổ chức hoạt động kém hiệu quả trong lĩnh vực này và buộc phải rời khỏi cuộc chơi…
![Hàng loạt sàn thương mại điện tử "bất ngờ" đóng cửa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_341_51466846/452145c5748b9dd5c49a.jpg)
Hàng loạt sàn thương mại điện tử "bất ngờ" đóng cửa
Trong khi nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử “ăn nên làm ra” khi tận dụng tốt các cơ hội thì một số website và ứng dụng lại bất ngờ “bốc hơi”. Việc các nền tảng này đóng cửa dừng hoạt động không chỉ gây ra sự bất tiện mà còn khiến nhiều người lo ngại về việc mất mát dữ liệu cá nhân và quyền lợi khi mua hàng, gây khó khăn trong công tác kiểm soát của cơ quan quản lý.
Trước thực trạng này, mới đây, thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính chia sẻ thông tin về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với các mô hình tổ chức và hoạt động thương mại điện tử.
Căn cứ theo dữ liệu do Tổng cục Thuế cung cấp tại công văn số 439/TCT-DNNCN ngày 24/01/2025, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các thương nhân, tổ chức sở hữu 120 Website và 44 ứng dụng thương mại điện tử có giải trình về việc đã dừng hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc đã giải thể hoặc ngừng hoạt động hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký.
Trường hợp quá 30 ngày, doanh nghiệp không có phản hồi thông tin, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số sẽ chấm dứt đăng ký website, ứng dụng thương mại điện tử theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 56 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP).
Thương mại điện tử Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, ước tính doanh thu đạt trên 598 nghìn tỷ đồng trong năm 2024, tăng gần 50% so với năm 2022. Mua sắm trực tuyến kết hợp livestream và giải trí đã trở thành xu hướng dẫn đầu trên các nền tảng thương mại điện tử.
Trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý thương mại điện tử và cơ quan thuế là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời tăng cường kiểm soát, xác thực thông tin của thương nhân, tổ chức kinh doanh và người nộp thuế.
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, đối chiếu dữ liệu, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, đảm bảo môi trường thương mại điện tử minh bạch, công bằng và bền vững.