11 thực phẩm tưởng tốt nhưng người bệnh thận cần tránh xa
Người mắc bệnh thận cần chế độ ăn nghiêm ngặt, vì nhiều thực phẩm quen thuộc như mơ, khoai tây, rau bina... có thể khiến bệnh trở nặng, biến chứng nguy hiểm.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đinh Cẩm Tú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bệnh thận mạn tính làm giảm khả năng lọc chất độc ra khỏi máu, khiến các chất như kali, phốt pho hay natri dễ tích tụ và gây hại. Vì vậy, người bệnh thận cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày.
Dưới đây là những thực phẩm người bệnh thận được khuyến cáo nên hạn chế hoặc tránh hoàn toàn:
Quả mơ: Dù giàu vitamin C, A và chất xơ, mơ lại chứa lượng kali cao. Một ly mơ tươi (165g) chứa tới 427 mg kali, còn mơ khô hàm lượng kali cao gấp nhiều lần – dễ gây rối loạn điện giải cho người suy thận.
Rau bina nấu chín:Các loại rau lá xanh như rau bina, củ cải Thụy Sĩ, củ dền đều chứa lượng lớn kali. Chỉ một chén rau bina nấu chín đã cung cấp 839 mg kali – gần một nửa mức giới hạn hằng ngày với người bị bệnh thận.
Khoai tây: Một củ khoai tây trung bình chứa khoảng 610 mg kali – con số quá cao với người cần kiểm soát kali trong máu.

Một củ khoai tây trung bình chứa khoảng 610 mg kali. (Ảnh minh họa)
Cà chua: Bệnh nhân thận giai đoạn đầu có thể ăn cà chua vừa phải. Tuy nhiên, nếu chỉ số kali trong máu tăng, bác sĩ sẽ yêu cầu cắt giảm cà chua và các sản phẩm từ cà chua.
Gạo lứt: Mỗi chén gạo lứt (155g) chứa 149 mg phốt pho và 95 mg kali – cao hơn nhiều so với gạo trắng. Người bệnh nên chọn gạo trắng hoặc kiều mạch thay thế.
Bánh mì nguyên cám:Loại bánh mì này có nhiều cám và ngũ cốc nguyên hạt, nên giàu kali và phốt pho. Một lát (36g) chứa 76 mg phốt pho và 90 mg kali. Thay vào đó, người bệnh thận nên dùng bánh mì trắng thông thường.
Cám ngũ cốc và yến mạch:Dù giàu dinh dưỡng, nhưng nhóm thực phẩm này chứa nhiều kali, phốt pho và natri. Người bệnh cần tham khảo bác sĩ trước khi dùng.
Thịt chế biến sẵn:Thịt xông khói, xúc xích, đồ hộp… đều chứa lượng lớn natri để bảo quản và tạo vị – gây áp lực cho thận và dễ làm tăng huyết áp.

Thịt chế biến sẵn chứa lượng lớn natri để bảo quản và tạo vị – gây áp lực cho thận và dễ làm tăng huyết áp. (Ảnh minh họa)
Dưa chua:Một phần dưa chua có thể chứa tới 1.630 mg natri – gần chạm ngưỡng tối đa 2.300 mg/ngày được khuyến cáo cho người bệnh thận. Thực phẩm muối chua nói chung nên tránh.
Các loại đậu:Đậu là nguồn protein và chất xơ thực vật tốt nhưng lại giàu kali và phốt pho. Ăn quá nhiều có thể khiến các chỉ số trong máu vượt mức an toàn.
Thực phẩm đóng hộp:Hầu hết đồ hộp đều có natri cao để bảo quản. Nên ưu tiên sản phẩm "ít natri" hoặc "không thêm muối".
Khuyến nghị từ chuyên gia
Bên cạnh ăn uống kiểm soát, bệnh nhân thận nên tập thể dục đều đặn khoảng 150 phút mỗi tuần, lựa chọn bài tập nhẹ phù hợp sức khỏe. Đồng thời người bệnh cần bỏ hút thuốc, hạn chế rượu bia, ăn mặn dưới 6g muối mỗi ngày để hỗ trợ kiểm soát bệnh và ngăn ngừa biến chứng.
Việc xây dựng thực đơn phù hợp nên được tư vấn bởi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo hiệu quả điều trị lâu dài và an toàn.