100% xe buýt thành phố Hồ Chí Minh sẽ dùng năng lượng sạch từ năm 2030

Chiều 22-5, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thông tin đến báo chí về các bước triển khai đầu tư phát triển xe buýt xanh sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.

Tuyến D4 là một trong số tuyến xe buýt điện tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Tôn

Tuyến D4 là một trong số tuyến xe buýt điện tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Tôn

Theo đó, thành phố đã xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư phương tiện xe buýt theo từng giai đoạn, phù hợp với hạ tầng cung ứng nhiên liệu và ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường (CNG, LPG, năng lượng điện hoặc nhiên liệu thay thế phù hợp xu thế phát triển toàn cầu), thời gian triển khai từ năm 2021-2030.

Tính đến tháng 5-2025, hệ thống xe buýt thành phố Hồ Chí Minh đã có 138 tuyến với 2.221 xe buýt tham gia hoạt động, trong đó, có 19 tuyến xe buýt điện (với 160 xe) và 18 tuyến xe buýt sử dụng khí CNG (với 528 xe), chiếm 31% đoàn phương tiện sử dụng điện, nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường.

Cùng với đó, Sở Xây dựng đã tham mưu xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi và lộ trình đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh và lộ trình thực hiện, bao gồm: Xe taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng, xe khách, xe tải, phương tiện cá nhân (như ô tô con), phương tiện thuộc quản lý của cơ quan hành chính công, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2030, có 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng sạch. Ảnh: An Tôn.

Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2030, có 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng sạch. Ảnh: An Tôn.

Có chính sách thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng điện, năng lượng xanh để giảm ô nhiễm môi trường. Đề xuất các giải pháp kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm các biện pháp phân vùng, ưu tiên cho phương tiện sử dụng năng lượng xanh, hạn chế hoạt động phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch khu vực như trung tâm thành phố, huyện Cần Giờ, huyện Côn Đảo...

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030, có 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh; ban hành các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện xe buýt sang sử dụng điện, năng lượng xanh và xây dựng các trạm sạc điện phù hợp với tiến trình chuyển đổi xe buýt.

An Tôn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/100-xe-buyt-thanh-pho-ho-chi-minh-se-dung-nang-luong-sach-tu-nam-2030-703165.html
Zalo