100% xã, phường, thị trấn của tỉnh Đồng Tháp đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
ĐTO - Năm 2024, căn cứ các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố đều ban hành Kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đúng tiến độ, mang lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo nhu cầu tiếp cận pháp luật của người dân.

Cán bộ quản lý giáo viên, học sinh dự buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm do Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại huyện Tháp Mười
Trong năm qua, công tác truyền thông xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được các cơ quan, địa phương quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức: viết tin, bài đăng trên Bản tin tư pháp, Trang thông tin điện tử PBGDPL, Trang thông tin điện tử các huyện, thành phố và thường xuyên truyền thông đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân biết địa chỉ truy cập vào Trang thông tin PBGDPL của Bộ Tư pháp (nay là Cổng thông tin điện tử PBGDPL quốc gia https://pbgdpl.gov.vn). Triển khai, thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030” trên địa bàn tỉnh, sở Tư pháp đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở” góp phần thực hiện có hiệu quả Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành...
Các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thường xuyên củng cố, nhân rộng các mô hình mới về PBGDPL và duy trì hoạt động tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật tại các xã, phường, thị trấn; tiếp tục nhân rộng, phát huy hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở, giúp duy trì tỷ lệ hòa giải ở cơ sở từ 90% trở lên.
Kết quả, toàn tỉnh đã nhân rộng 141 Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở ở 141 xã, phường, thị trấn (đảm bảo 100% cấp xã có Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở); có 3.959/4.055 hòa giải viên của các huyện, thành phố được bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; kiện toàn 712 Tổ hòa giải đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương... góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu hòa giải ở cơ sở trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Duy trì tổ chức, nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, thu hút nguồn lực tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý, phát huy hiệu quả hình thức PBGDPL về tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý qua công tác tiếp công dân được thực hiện các ngày trong tuần. Tập trung cho nhóm đối tượng có nhu cầu thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo hoặc kiến nghị, phản ánh ý kiến đối với cơ quan chức năng, góp phần giảm số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo và vận động người dân chấp hành pháp luật...
Hội đồng PBGDPL tỉnh chủ động triển khai kiểm tra công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở; xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận pháp luật, hướng dẫn chấm điểm các chỉ tiêu, tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật tại các xã, phường, thị trấn đảm bảo phù hợp với tài liệu minh chứng đánh giá.
Trên cơ sở tổng hợp kết quả chấm điểm các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật và quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, có 141/141 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt 100%. Việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy định của pháp luật... Từ đó, nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả về công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục được nhân rộng, thực hiện sát cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Trong năm 2025, mục tiêu của tỉnh là tiếp tục phấn đấu duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Do đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời kiểm tra, hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nội dung tiếp cận pháp luật tại cấp huyện, cấp xã; tổ chức tập huấn, cập nhật quy định thực hiện chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật cho thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện, UBND cấp xã và công chức chuyên môn. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, công chức đảm bảo thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao, nhất là người đứng đầu cấp ủy, Hội đồng nhân dân, UBND phải gương mẫu thực hiện nhiệm vụ đúng quy định của pháp luật, không để bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình PBGDPL và mô hình hòa giải ở cơ sở tại địa phương như: Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở, Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật... giúp nâng cao chất lượng và tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.