ADB hỗ trợ phát triển thị trường vốn Việt Nam

Thị trường quỹ đầu tư có thể đẩy nhanh đáng kể sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam, miễn là có chính sách công khai, quản trị và đầu tư phù hợp nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư (NĐT).

Thế mạnh của quỹ đầu tư

Việt Nam rất dễ bị tổn thương bởi thiên tai và thời tiết khắc nghiệt do đường bờ biển dài, đồng bằng sông và cao nguyên rộng lớn, dễ bị xói mòn nghiêm trọng, lũ lụt và các mối nguy hiểm khác liên quan đến khí hậu.

Để bảo vệ những người dễ bị tổn thương và hỗ trợ phát triển kinh tế, bcác tổ chức ước tính Việt Nam sẽ cần đầu tư bổ sung khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD, lũy kế đến năm 2040, mới đảm bảo khả năng chống chịu của thiên tai.

Vậy làm thế nào để huy động đủ nguồn vốn tài trợ cho các khoản đầu tư lớn như vậy? Thị trường vốn Việt Nam có thể mang lại nhiều cơ hội cho cả NĐT trong và ngoài nước, bao gồm cả các quỹ đầu tư. Hiện thị trường vốn của Việt Nam rất đa dạng và đang phát triển nhanh, từ cổ phiếu (CP) và trái phiếu (TP) đến các công cụ phái sinh và quỹ tương hỗ.

Thế nhưng, nhìn từ các khu vực khác của châu Á đang phát triển, thị trường TP và tiền tệ lớn mạnh có vai trò rất quan trọng để thu hút các quỹ đầu tư tập trung vào các sản phẩm cho vay thu nhập cố định, các công cụ tài chính có tính thanh khoản cao như TP Chính phủ và TP doanh nghiệp.

Trong khi ở Việt Nam, tổng dư nợ TP hiện chỉ chiếm hơn 30% GDP, so với tổng dư nợ tín dụng ngân hàng trên 120% GDP. Khi thị trường TP phát triển, các quỹ đầu tư thu nhập có thể đóng một vai trò lớn hơn nhiều trong việc huy động cả vốn công và tư nhân để tài trợ cho sự phát triển của đất nước.

Hỗ trợ từ ADB

Hiện Ngân hàng Phát triển ChâúA (ADB) đã và đang tích cực hỗ trợ phát triển thị trường vốn tại Việt Nam thông qua nhiều sáng kiến, dự án và quan hệ đối tác, nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng tài chính và thúc đẩy cơ hội đầu tư, bao gồm tăng nguồn cung TP bằng đồng nội tệ.

Chẳng hạn thông qua sáng kiến thị trường TP châu Á của các nước ASEAN+3, ADB và Ban Thư ký ASEAN đã cung cấp một loạt hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong 20 năm qua.

Hỗ trợ này bao gồm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đấu giá và giao dịch TP Chính phủ, được tập trung tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (NHX) từ năm 2009, cũng như thực hiện bắt buộc đăng ký và giao dịch TP doanh nghiệp riêng lẻ trên HNX vào năm 2023. Những hoạt động này đã góp phần tăng tính minh bạch của toàn thị trường TP.

ADB thông qua Quỹ đầu tư và bảo lãnh tín dụng (CGIF), đã bảo lãnh hơn 14 TP doanh nghiệp, tổng trị giá tương đương hơn 730 triệu USD bằng nội tệ do các tổ chức phát hành. Con số này thể hiện số lượng bảo lãnh TP được phát hành cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, làm nổi bật vai trò quan trọng của CGIF trong việc tăng cường ổn định tài chính và môi trường đầu tư.

Những bảo lãnh như vậy không chỉ mang lại sự đảm bảo rất cần thiết cho các NĐT, mà còn góp phần đáng kể giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn tại Việt Nam.

ADB thông qua các hoạt động của khu vực tư nhân, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển. Thực tế là ADB đã thành lập Đơn vị phát triển khu vực tư nhân cơ quan thường trú tại Việt Nam, để giúp các doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn xanh và đóng vai trò quan trọng trong việc cấp vốn cho thị trường Việt Nam.

Hy vọng điều này sẽ góp phần vào chính sách của Chính phủ trong việc tạo ra một môi trường hỗ trợ, để tăng đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP từ 43% vào năm 2020 lên 60-65% vào năm 2030.

Thúc đẩy tài chính xanh

Tài chính xanh cũng là một phần quan trọng trong hoạt động của ADB, như đã được nhấn mạnh trong Chiến lược đối tác quốc gia ADB 2023-2026 cho Việt Nam, trong đó một trong hai trụ cột chiến lược là hỗ trợ chính phủ chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Đây cũng là một phân khúc phát triển nhanh chóng của thị trường TP, nơi các quỹ đầu tư ưu tiên cho tác động phát triển không chỉ tìm kiếm lợi nhuận tài chính, mà còn cả tác động tích cực cho biến đổi khí hậu và phát triển xã hội. Những sản phẩm này rất phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam, và là ưu tiên của Chính phủ trong chiến lược tăng trưởng xanh.

ADB đã và đang hỗ trợ nhiều quốc gia trong khu vực trong lĩnh vực này. Chúng tôi đã giới thiệu sáng kiến TP xanh và các TP chủ đề khác (Sáng kiến GSS+) vào năm 2020, để hỗ trợ phát hành TP GSS+.

Thông qua chương trình này, chúng tôi đã xúc tác hơn 3,5 tỷ USD phát hành trên toàn khu vực, dẫn đến hơn 13,5 tỷ USD trong các đợt phát hành tiếp theo. Sáng kiến này đã thúc đẩy đáng kể việc huy động các nguồn lực trong nước, và thu hút thành công đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn trong nước, cho thấy tiềm năng to lớn cho các NĐT trong nước và quốc tế.

Có thể khẳng định, với sự hỗ trợ của Bộ Tài chính và UBCKNN, những nỗ lực chung có thể tạo ra các sản phẩm thị trường vốn đáng tin cậy, chất lượng cao cho các quỹ đầu tư, cho phép họ đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các NĐT cá nhân ủng hộ mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, nó sẽ cung cấp cơ hội đầu tư cho các NĐT bán lẻ và thúc đẩy thói quen tiết kiệm lâu dài của người dân Việt Nam.

Nhu cầu lớn hơn cuối cùng có thể dẫn đến nguồn cung lớn hơn, điều này có thể củng cố vai trò của thị trường vốn trong việc hỗ trợ Việt Nam giải quyết sự thiếu hụt nguồn tài chính lớn đã đề cập ban đầu.

Do đó, thị trường quỹ đầu tư có thể đẩy nhanh đáng kể sự phát triển của thị trường vốn, miễn là có chính sách công khai, quản trị và đầu tư phù hợp hỗ trợ sự tham gia và bảo vệ của NĐT trong nước.

Với tư cách là Ban thư ký sáng kiến thị trường TP châu Á, chúng tôi có thể tạo điều kiện chia sẻ các bài học kinh nghiệm giữa các quốc gia trong khu vực, bao gồm các nước từ khu vực ASEAN+3, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tất cả đảm bảo rằng Việt Nam áp dụng cách tiếp cận thiết thực nhất, phù hợp với bối cảnh hiện nay

SHANTANU CHAKRABORTY, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/adb-ho-tro-phat-trien-thi-truong-von-viet-nam-post122353.html
Zalo