100% đại biểu tán thành sửa đổi Hiến pháp 2013

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, 100% các đại biểu tham gia biểu quyết đã tán thành, thông qua nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thông qua nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Hai nhóm nội dung trọng tâm được đề xuất sửa đổi

Trình bày Tờ trình tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: Sau hơn 11 năm thi hành, Hiến pháp năm 2013 đã phát huy vai trò là nền tảng pháp lý cao nhất, tạo cơ sở vững chắc cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy và vận hành hệ thống chính trị. Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề mới cần được điều chỉnh, cập nhật kịp thời.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất tập trung sửa đổi theo hai nhóm nội dung lớn:

1. Củng cố vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm tính đại diện và chức năng giám sát, phản biện xã hội một cách thực chất.

2. Tái thiết kế mô hình chính quyền địa phương, theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với chủ trương không tổ chức cấp chính quyền huyện tại một số địa phương, tạo tiền đề hiến định cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, gồm 15 thành viên do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Ủy ban.

Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến; xác định nội dung và ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo nghị quyết.

Tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo nghị quyết và trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 này.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đại biểu Quốc hội đề xuất xây dựng ngôn ngữ lập hiến rõ ràng

Thảo luận tại hội trường chiều 5/5, nhiều đại biểu đánh giá cao sự cần thiết của việc sửa đổi Hiến pháp và đề xuất các giải pháp cụ thể để quá trình này đạt hiệu quả, đồng thuận cao trong xã hội.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định, đợt sửa đổi này “đúng, trúng và kịp thời”, đặc biệt khi tập trung vào ba “nút thắt” then chốt: “Một là, tái cấu trúc mô hình chính quyền địa phương để bỏ bớt tầng nấc trung gian, hướng tới quản trị hành chính năng động, tập trung và trách nhiệm. Hai là, củng cố vai trò Mặt trận Tổ quốc như một thiết chế có năng lực thực chất trong giám sát, phản biện và thiết kế chính sách công. Ba là, tạo nền tảng hiến định cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã”. Ông cũng đề xuất xây dựng tiêu chuẩn ngôn ngữ lập hiến rõ ràng, nhất quán, tránh cách diễn đạt mơ hồ dễ dẫn tới cách hiểu khác nhau khi thực thi.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị tổ chức các cuộc tọa đàm chuyên đề với giới chuyên gia, nhà khoa học, trong và ngoài nước, đặc biệt là những người có hiểu biết sâu sắc về Hiến pháp, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. “Tọa đàm nên tổ chức theo nhóm nhỏ, theo từng chủ đề cụ thể, để phân tích sâu, bàn bạc kỹ lưỡng, từ đó hoàn thiện dự thảo sửa đổi một cách khoa học và thực tế”, đại biểu Trí nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Nhiều đại biểu đồng tình với việc cần công khai lộ trình lấy ý kiến nhân dân một cách bài bản, rộng rãi, có hệ thống – đúng với tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Việc sửa đổi Hiến pháp – đạo luật gốc của quốc gia – là một sự kiện chính trị - pháp lý hệ trọng, đòi hỏi sự tham gia rộng rãi, đồng thuận cao của toàn xã hội để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

Trần Nam

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/100-dai-bieu-tan-thanh-sua-doi-hien-phap-2013-327296.htm
Zalo