10 thành tựu, sự kiện nổi bật của ngành giáo dục trong năm 2024
Những thành tựu, sự kiện nổi bật của ngành giáo dục như Ban Bí thư ban hành Kết luận số 91-KL/TW; tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú; trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật Nhà giáo...
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố 10 thành tựu, sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2024.
1. Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW
Sau 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, ngày 10/8/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đánh giá giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị cũng đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm với yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết khác của Đảng về giáo dục và đào tạo. Kết luận số 91-KL/TW cũng yêu cầu từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong các nhà trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng Chương trình hành động triển khai Kết luận số 91. Chương trình hành động đã được trình Chính phủ để xem xét ban hành làm căn cứ cho việc triển khai thực hiện.
Cùng với những chủ trương, định hướng lớn, năm 2024 tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho giáo dục và đào tạo thông qua các cuộc gặp gỡ, ghi nhận, động viên giáo viên và toàn ngành Giáo dục của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt, động viên đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Tổng Bí thư khẳng định Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đầu tư cho giáo dục, ghi nhận những kết quả cụ thể ngành giáo dục đã làm được trong thời gian qua đồng thời đặt ra yêu cầu, gợi mở những việc cần làm ngay để phát triển giáo dục và đào tạo.
Cũng nhân dịp 20/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng nhà giáo tiêu biểu; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục…
2. Phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú cho gần 1.170 nhà giáo
Năm 2024, Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng 21 Nhà giáo nhân dân, 1.167 Nhà giáo ưu tú. Đây là năm đầu tiên việc thực hiện xét tăng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú được thực hiện theo Nghị định mới của Chính phủ (Nghị định số 35/2024/NĐ-CP ngày 2/4/2024) quy định về xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.
Theo đó, từ năm 1986 đến nay, qua 16 lần xét tặng, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng 671 Nhà giáo nhân dân và 10.248 Nhà giáo ưu tú.
3. Trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật Nhà giáo
Ngày 9/11/2024, sau gần 20 năm ấp ủ, hơn một năm gấp rút chuẩn bị, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày trước Quốc hội nội dung tóm tắt tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo với nhiều nhóm chính sách thúc đẩy sự phát triển lực lượng nhà giáo. Tại Kỳ họp, dự thảo Luật đã được thảo luận, cho ý kiến tại hội trường và thảo luận, cho ý kiến tại tổ đại biểu Quốc hội và đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của đại biểu.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chuẩn bị tài liệu phục vụ các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hoàn thiện bộ hồ sơ dự án Luật Nhà giáo phục vụ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Theo dự kiến, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
Năm 2024, Đại hội đại biểu Hội Cựu giáo chức lần thứ V (2024 - 2029) đã được tổ chức, trong đó xác định mục tiêu tiếp tục phát huy tốt hơn nữa tiềm năng trí tuệ, phẩm chất tốt đẹp của cựu giáo chức để có những đóng góp tích cực, cụ thể vào hoạt động giáo dục tại địa phương; đóng góp tích cực với ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.
4. Hoàn thành chu trình đầu tiên của quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với ba cấp học đồng bộ trên cả nước
Năm 2024 đánh dấu thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với ba cấp học đồng bộ trên cả nước. Danh mục sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 đã hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt. Việc tăng cường quản lý, bảo đảm sách giáo khoa theo hình thức xã hội hóa là một trong những nhân tố quan trọng góp phần hoàn thành chu trình đầu tiên đổi mới giáo dục phổ thông.
Thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn ghi dấu bằng Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông cuối cùng theo chương trình 2006 được tổ chức thành công và công tác chuẩn bị khẩn trương, tích cực, chất lượng cho Kỳ thi đổi mới từ năm 2025.
5. Chuyển đổi số trong giáo dục tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng
Năm 2024, ngành giáo dục đã hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành và kết nối thành công với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.
Ngành giáo dục đã triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, làm căn cứ cho việc triển khai đại trà trong thời gian tới. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình giáo dục đại học số và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo và sẽ sớm ban hành khung năng lực số cho người học từ mầm non đến đại học, dự kiến triển khai ngay từ năm 2025, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
6. Gia tăng thứ hạng các cơ sở giáo dục Việt Nam trong khu vực và thế giới
Năm 2024, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học khu vực châu Á và quốc tế tiếp tục có sự gia tăng ấn tượng. Việt Nam có 10 cơ sở giáo dục đại học góp mặt trong bảng xếp hạng hơn 1.750 cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới của Tổ chức xếp hạng QS, tăng 2 cơ sở so với năm trước. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội có sự thăng tiến mạnh về vị trí khi được xếp hạng 325 thế giới (tăng 456 bậc), xếp vị trí 51 của khu vực châu Á và số 1 Việt Nam.
Việt Nam còn có 17 cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp hạng hàng đầu châu Á của QS, trong đó có 4 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 200. Việt Nam cũng có 9 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới của Tổ chức Times Higher Education (THE), trong đó có 4 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 1.000; 13 cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của THE.
7. Giáo dục Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn tích cực tại các cuộc thi quốc tế
Năm 2024, Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế với 38 lượt học sinh tham gia và tất cả đều đoạt giải, với 12 huy chương Vàng, 15 huy chương Bạc, 10 huy chương Đồng và 1 Bằng khen; tăng 4 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc so với năm 2023.
Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi đều đạt thứ hạng cao, giữ vững vị trí tốp 10 của thế giới. Nhiều em đạt điểm số trong tốp cao nhất, đặc biệt điểm thi thực hành tăng so với các năm trước đó.
Đoàn học sinh Việt Nam tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ cũng đã giành 1 giải Nhì - đây là giải cao nhất kể từ năm 2013 đến nay.
8. Chung tay, nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ
Đầu tháng 9/2024, cơn bão số 3 (Yagi) cùng hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh khu vực Bắc bộ nước ta. Ngành giáo dục cũng gánh chịu ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn. Tính đến ngày 16/9, có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong, 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích. Tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính 1.260 tỷ đồng.
Toàn ngành đã chung tay, nỗ lực khắc phục hậu quả để sớm nhất ổn định việc dạy và học. Ngành giáo dục cũng đã nhận được nhiều hỗ trợ kịp thời, hiệu quả từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong cả nước.
9. Tổ chức thành công những sự kiện thể thao học đường lớn, mang tầm quốc gia, quốc tế
Năm 2024, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 với chủ đề “Kết nối cùng tỏa sáng”. Đại hội quy tụ 1.300 vận động viên học sinh, huấn luyện viên đến từ 10 quốc gia trong khu vực, gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và chủ nhà Việt Nam. Các vận động viên tham gia tranh tài ở 6 bộ môn: Bơi, điền kinh, cầu lông, bóng rổ, pencak silat, vovinam với 107 nội dung thi đấu và 107 bộ huy chương.
Cũng trong năm 2024, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X đã được tổ chức thành công. Đây là kỳ đại hội thể thao học đường lớn nhất từ trước tới nay với hơn 20.000 vận động viên học sinh và cán bộ của 63 tỉnh, thành phố tham gia tranh tài ở 15 môn thể thao.
10. Thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời
Năm 2024, ngành giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” và phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Lần đầu tiên Hội nghị toàn quốc các giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, thể hiện tinh thần tích cực trong việc thúc đẩy giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Cũng trong năm 2024, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công bố danh sách 64 thành phố đến từ 35 quốc gia được công nhận là thành viên "Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu", trong đó có hai thành phố của Việt Nam là Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Theo đó, Việt Nam đã có 5 thành phố được công nhận là thành viên "Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu".
Để tiếp tục thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Học tập suốt đời./.