10 thành tựu nổi bật của tỉnh Thái Nguyên năm 2024
Năm 2024, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Thái Nguyên đã giành được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Báo Thái Nguyên giới thiệu 10 thành tựu nổi bật của tỉnh trong năm qua.
1. Quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu
Năm 2024 là năm “tăng tốc”, có ý nghĩa quan trọng để phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Đây cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn trong bối cảnh có những khó khăn, thách thức không nhỏ đan xen với thuận lợi. Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thực hiện các nhiệm vụ, tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi của các ban, bộ, ngành Trung ương.
Thành tựu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị là nền tảng, yếu tố then chốt để dẫn dắt và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, từng bước hiện thực hóa khát vọng "xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030".
Trong năm 2024, các cấp ủy đảng tập trung chuẩn bị tốt để tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ mới, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
2. Các chỉ tiêu kinh tế cơ bản duy trì đà tăng trưởng
Phát huy vai trò là cực tăng trưởng quan trọng của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, việc duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ở mức 6,5% trong năm 2024 là kết quả tích cực, thể hiện quyết tâm vượt qua mọi khó khăn của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trong tỉnh.
Cùng với đó, kết quả thực hiện các chỉ tiêu về: Cơ cấu kinh tế; giá trị sản xuất công nghiệp; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; giá trị xuất khẩu hàng hóa… bảo đảm ổn định và duy trì được đà tăng trưởng trong khó khăn.
3. Thu ngân sách về đích trước kế hoạch 30 ngày
Đến hết tháng 11, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt gần 16.350 tỷ đồng, bằng 101,4% dự toán năm 2024 được Chính phủ giao, về đích trước kế hoạch 30 ngày. Trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước và khu vực có nhiều khó khăn, tác động của thiên tai, lũ lụt, kết quả này là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực và trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị trong tỉnh; đồng thời cho thấy hiệu quả của các giải pháp điều hành kinh tế, sự nỗ lực vượt khó vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn.
Dự ước năm 2024, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 20,045 tỷ đồng.
4. Nhiều dự án, công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ
Năm 2024, nhiều dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công, khởi công mới hoặc hoàn thành, từ đó tạo sức bật và mở ra triển vọng phát triển nhanh, mạnh, bền vững cho tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Điển hình là các công trình, dự án: Xây dựng Sân vận động tỉnh, Trụ sở làm việc Khối các cơ quan tỉnh, Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội… Cùng với đó, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
5. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực
Chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, đến nay, Thái Nguyên xếp vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về Chỉ số chuyển đổi số (DTI) và là 1 trong 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số.
Cùng với việc tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, để thực hiện tốt Chương trình chuyển đổi số ở mức độ cao và toàn diện hơn, tỉnh đã ban hành Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2024-2025. Đây là giải pháp đột phá, thể hiện sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo và quyết tâm của cả hệ thống chính trị hướng tới mục tiêu “Thái Nguyên 2025+: Số - Xanh - Hạnh phúc”. Tỉnh xác định phát triển bằng chuyển đổi số, lấy chuyển đổi số thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển...
6. Công tác đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường
Công tác đối ngoại của tỉnh trên nhiều lĩnh vực, trong đó có ngoại giao kinh tế, được mở rộng, hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tham gia Đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi thăm và làm việc tại Mông Cổ, Pháp, Ailen; tổ chức thành công các đoàn công tác đi làm việc, xúc tiến đầu tư tại nhiều quốc gia: Anh, Đức, Hà Lan, Hunggari, Slovakia, Séc, Hàn Quốc... Hoạt động đối ngoại còn tập trung trong các lĩnh vực giáo dục, tăng trưởng kinh tế và tham gia thị trường tín chỉ các-bon quốc tế.
Cùng với đó, nhờ áp dụng nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi đầu tư theo quy định, Thái Nguyên tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài.
7. Dồn lực xây dựng nông thôn mới
Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu có 95% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), ít nhất 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đạt chuẩn. Đến tháng 11-2024, mục tiêu có ít nhất 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đạt chuẩn NTM đã được hoàn thành; toàn tỉnh có 118/126 xã đạt chuẩn NTM (bằng 93,7% tổng số xã).
8. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tạo nhiều dấu ấn
Năm 2024, các lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ, tạo nhiều dấu ấn.
Đặc biệt, tỉnh đặt mục tiêu phát triển và nâng tầm văn hóa trà, khẳng định vị thế của trà Thái Nguyên trên thị trường trong nước, quốc tế. Đây là một phần trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh gắn liền với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của nghề trồng chè. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tiếp tục được triển khai đa dạng, phong phú, trong đó có nhiều hoạt động gắn với văn hóa trà.
Cùng với đó, với mục tiêu tạo nền tảng cho giáo dục toàn diện, ngành Giáo dục tỉnh đang xây dựng kế hoạch phát triển võ thuật học đường. Lĩnh vực y tế được chú trọng, chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân tại các cơ sở y tế được nâng cao...
9. An sinh xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân được cải thiện
Năm 2024, Thái Nguyên đã vững vàng vượt qua những ảnh hưởng của bão lũ, thiên tai, đặc biệt là cơn bão số 3, nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân.
Năm 2024, toàn tỉnh đã vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được trên 59 tỷ đồng, Quỹ an sinh xã hội được trên 48,8 tỷ đồng. Qua đó có thêm nguồn lực quan trọng thực hiện các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội.
Cũng trong năm 2024, tỉnh đẩy mạnh thực hiện Chiến lược giảm nghèo bền vững thông qua chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn về nhà ở. Với quyết tâm cao nhất, tỉnh phấn đấu hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ đủ điều kiện trước ngày 31/3/2025.
10. Công tác quốc phòng - an ninh được bảo đảm
Thông qua các hoạt động diễn tập khu vực phòng thủ của các huyện, thành phố, năm 2024, công tác quốc phòng, quân sự địa phương trên địa bàn tỉnh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng, củng cố vững chắc. Công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ được thực hiện tốt.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững. Lực lượng Công an chủ động triển khai các phương án, kế hoạch, nắm chắc tình hình, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn tỉnh.