Đề xuất giá điện bán lẻ 5 bậc: Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm
Nếu phương án giảm bậc thang giá điện từ 6 bậc hiện hành xuống 5 bậc, người sử dụng điện tiết kiệm, dùng điện ít được hưởng lợi về giá và hóa đơn và ngược lại.
Giá điện cao nhất 3.786 đồng/kWh
Trong hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc.
Cụ thể, 5 bậc thang tính giá điện mới dự kiến bao gồm bậc 1 là 100 kWh đầu tiên; bậc 2 là 101 - 200 kWh tiếp theo; bậc 3 là 201 - 400 kWh tiếp theo; bậc 4 là 401 - 700 kWh tiếp theo và bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Với phương án đề xuất này, bậc có giá thấp nhất cho hộ gia đình dùng là 100 kWh trở xuống, thay vì 50 kWh như hiện nay, bậc cao nhất tính từ 701 kWh trở lên. Cơ cấu giá điện bậc thang tính theo giá bán lẻ điện bình quân (2.006,79 đồng/kWh) lần lượt là 90% (bậc 1), 108% (bậc 2), 136% (bậc 3), 162% (bậc 4) và 180% (bậc 5).
Như vậy, giá thấp nhất là bậc 1 vẫn giữ nguyên 1.893 đồng/kWh và cao nhất là bậc 5, giá 3.786 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).
Dự thảo lần này được giữ nguyên như phương án được Bộ Công Thương từng đưa ra hồi đầu tháng 3/2024. Theo cơ quan quản lý, trên cơ sở thiết kế các bậc nêu trên, giá điện cho từng bậc được thiết kế lại nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, cũng như đảm bảo hạn chế tác động tới hộ sử dụng điện.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu 0 - 100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (đang chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện sẽ được bù đắp từ hộ sử dụng điện trong khoảng 401 - 700 kWh và trên 700 kWh.
Bộ cũng đề xuất giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc 101 - 200 kWh và 201 - 300 kWh. Với giá điện cho các bậc 401 - 700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề xuất bổ sung nhóm khách hàng là trạm, trụ sạc xe điện. Bộ Công Thương cũng kiến nghị xem xét lựa chọn phương án xây dựng biểu giá bán điện mới dành cho nhóm khách hàng này.
Đây cũng là cách tính được một số nước áp dụng như Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan. Dự kiến, cơ cấu biểu giá điện theo cấp điện áp, thấp nhất bằng 71%, cao nhất bằng 195% giá bán lẻ điện hiện hành.
Đồng tình với đề xuất rút gọn bậc thang tính giá điện, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, ở mức giá điện 6 bậc như hiện nay thì bậc 1 với chỉ số tính giá điện ở mức tiêu thụ 50kW rất thừa thãi.
“Bây giờ hầu như không còn gia đình nào sử dụng điện ở mức 50kW nữa. Do vậy, bậc 50kW là không cần thiết, việc tính toán thêm phức tạp, vì thế nên bỏ đi để phù hợp với thực tiễn. Thay đổi này có thể là bước đầu tiên trong việc hướng tới một hệ thống giá điện hợp lý hơn, phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh trong tương lai”, ông Thịnh nêu quan điểm.
Số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố trong lần tăng giá điện gần đây (tháng 10/2024) cho thấy nhóm khách hàng sử dụng điện từ 400 kWh/tháng trở lên chiếm khoảng 3,2 triệu hộ, tương đương 11,3% khách hàng sử dụng điện.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ở bậc 1 - 2 người sử dụng điện sẽ có lợi, vì giá ngang bằng với những bậc đầu tiên của giá 6 bậc trước đây. Ở những bậc giữa 3 - 4, giá vẫn tương đương với cách tính trước đây. Chỉ có ở bậc cuối giá điện sẽ cao hơn, tức là người sử dụng nhiều điện sẽ phải chi trả cao hơn.
Giữ cơ chế điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất nên duy trì quy định 3 tháng thay đổi giá điện một lần, thay vì rút ngắn về 2 tháng theo đề xuất mới đây của Bộ Công Thương.
VCCI cho biết, cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm được lấy theo số liệu từng quý. Tức mỗi 3 tháng, ngành điện sẽ tổng hợp số liệu một lần. Việc tổng hợp số liệu theo quý này cũng phù hợp với thông lệ kế toán. Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại về thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng để phù hợp với thời điểm tổng hợp số liệu.
Hiện, giá bán lẻ điện được thực hiện theo Quyết định 05/2024. Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá điện là 3 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2024, tại dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 3 tháng hiện nay xuống còn 2 tháng, kể từ lần thay đổi gần nhất.
Mức điều chỉnh giá sẽ được đưa ra khi chi phí sản xuất điện biến động 2% trở lên, thấp hơn so với quy định 3% đang áp dụng.
Lý giải cho đề xuất này, Bộ Công Thương cho biết, để giá bán lẻ điện được phản ánh và điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ với lợi nhuận hợp lý để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và cấp độ thị trường điện cạnh tranh.
Đồng thời, việc này cũng phù hợp với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về việc tránh giật cục trong quá trình điều chỉnh giá điện, có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.