10 tác phẩm văn học Việt nổi bật
Văn học Việt năm 2024 ghi nhận đa dạng thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, bút ký… từ các nhà văn thuộc nhiều thế hệ.
Năm 2024, văn đàn Việt đón nhận nhiều tác phẩm văn chương khai thác đa dạng chủ đề, từ những câu chuyện nóng hổi tính thời sự như 25 độ âm tạo được tiếng vang hay Thư cho em có lượng phát hành lớn, những câu chuyện lịch sử mang tính vĩ mô đến những lát cắt đời thường được cô đúc vào trang viết, cả những thế giới ngôn từ dành trọn cho tình yêu, nghệ thuật và thi ca.
Ở đó, ta thấy những cây bút trẻ năng động, tư duy cởi mở với cách tiếp cận văn chương hiện đại, song hành cùng những cây bút kỳ cựu vẫn đang mỗi ngày nỗ lực làm mới ngòi bút của mình.
25 độ âm
Tiểu thuyết mới nhất của tác giả trẻ Thảo Trang dựa trên câu chuyện về 39 người Việt qua đời trong xe tải đông lạnh khi "nhập cư" vào Anh năm 2019 làm cả thế giới bàng hoàng.
Để xây dựng bức tranh toàn cảnh chân thực về vụ việc, Thảo Trang đã thực hiện 200 cuộc phỏng vấn với những người trong cuộc nhằm mang tới cái nhìn đa chiều về nạn vượt biên nhức nhối.
25 độ âm theo chân nhân vật chính cô bé Lam lớn lên từ cô nhi viện, Lam bị lạm dụng từ nhỏ. Khi về làm con nuôi, cô cũng không được yêu thương, mà trở thành lao động cho gia đình bố mẹ nuôi vốn nghèo khó. Giấc mơ kiếm ngoại tệ của họ là hành trình Lam đi từ ruộng muối mênh mông miền Trung đến những cánh rừng châu Âu với tuyết trắng chôn vùi cuộc đời của người vượt biên.
Đậm đặc tính thời sự cùng cách kể chuyện lôi cuốn, 25 độ âm trở thành một trong những cuốn sách được đón đọc nhất năm 2024, đến nay đã bán được hơn 10.000 bản.
Cái chết của bầy ong
Cái chết của bầy ong là tập truyện ngắn về cuộc sống đời thường của đồng bào dân tộc miền núi, về sự giằng co giữa phong tục truyền thống và cái hiện đại từ phố thị.
13 truyện ngắn trong Cái chết của bầy ong không có nhiều kịch tính, mà đều là những lát cắt bình dị: những cặp trai gái gặp gỡ ở hội làng, đến với nhau, lạc mất nhau; những người cha người mẹ miền ngược nhớ nhung những đứa con bôn ba tới miền xuôi lập nghiệp; những người trẻ cứ mải miết tìm kiếm một điều vô định, những ông bà già nhớ quê cũ nhà xưa…
Xuyên suốt những truyện ngắn này, các nhân vật, thường là người trẻ, luôn cảm nhận được tiếng gọi và sức hút của miền xuôi, phố thị, để kiếm sống, để tìm một bạn đời, để vươn ra một không gian rộng lớn hơn, để đổi mới. Những người già, gia đình, phong tục cố gắng níu giữ họ, là nơi họ cảm thấy an toàn và thân thuộc, nhưng tiếng gọi vẫn tồn tại ngoài kia.
Đêm hoa vàng
Đêm hoa vàng, tập thơ mới nhất của nhà thơ Bình Nguyên Trang gồm 2 phần: Phần một Thuyền đã mất dấu buồm, sông đã vội gồm 16 thiên về tình cảm lãng mạn, gợi mở nỗi u hoài của một người đi qua thời sôi nổi nhìn lại những giấc mộng phù vân trên đường đời.
Phần hai Niệm gồm 27 bài thơ mang đậm dấu ấn Phật giáo, là những chiêm nghiệm của người viết về cõi đời vô thường, nhiều đổi thay bất định, là trạng thái an trú của người đã nhận ra được cốt lõi của đời sống và bắt đầu nhìn ra câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của việc tại sao ta đến đây và ta có thể tìm gì ở đây.
Về tập thơ này, Viên Lan Anh trên Tạp chí điện tử Sông Lam đánh giá Bình Nguyên Trang đã "truy cầu đến một thể yêu thanh tịnh, trong sáng và cao đẹp của tâm hồn, đưa con người đến an hạnh". Tác phẩm vừa được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2024.
Hà Nội những mùa cổ điển
Trong cuốn sách thứ ba có tên Hà Nội của mình, nhà văn Uông Triều có những thử nghiệm về kỹ thuật và nội dung, lối viết phá cách cũng như một số quan điểm mới về lịch sử, văn chương và đời sống.
Câu chuyện bắt đầu trong bối cảnh Hà Nội năm 2022 tại một ngôi biệt thự cổ kính, nhân vật chính là nhà văn Uông đang viết cuốn tiểu thuyết có những nhân vật lịch sử thời Tây Sơn. Từ đây, nhiều tuyến truyện thực hư hòa lẫn, xen kẽ với những cảnh xuyên không, những tình huống oái oăm, những nút thắt rối ren… dẫn độc giả vào một mê cung.
Ở vùng đất giả tưởng và hư cấu này, mỗi người phải phát huy trí tưởng tượng, vận dụng những kỹ năng đọc - hiểu đa dạng của mình để nắm được thông điệp mà tác giả muốn truyền tải, mà vẫn không khỏi bất ngờ khi khám phá được điều thú vị ẩn sau con chữ.
Trong Hà Nội những mùa cổ điển, câu chuyện cá nhân và lịch sử được lồng ghép khéo léo, đem đến cho người đọc góc nhìn đa chiều về lịch sử và con người.
Hỗn độn và khu vườn
Tập thơ Hỗn độn và khu vườn đánh dấu sự trở lại của một huyền thoại thơ của đô thị những năm 1990. Tác giả Nguyễn Vĩnh Tiến chia sẻ cuốn sách có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời sáng tác của mình. Trong suốt nhiều năm tập trung cho sự nghiệp kiến trúc, tác giả tưởng chừng sẽ không ra mắt thêm bất kỳ tập thơ nào nữa. Nhưng cuối cùng, ông vẫn tìm đến thơ như để cởi bỏ những tâm sự và suy nghĩ trong lòng mình.
Tập thơ được chia thành 5 chương: Hoa lạ - Hỗn độn và khu vườn - Trầm cảm đô thị - Chàng thơ - Hoa nở không tên, mang đến hình dung về những chặng đường đời, đường thơ của tác giả. Thuở ban đầu là nỗi háo hức mê say khám phá những khả năng của chữ, thời trưởng thành là hình ảnh con người suy tư buồn bã và phần cuối là mảnh tâm tư đã tìm được chốn bình yên.
Hoa khởi trình
Cuốn sách gồm 82 tùy văn, bắt đầu từ một giấc mơ, Cò Bé nghe tiếng Tý Nhớn gọi khi ông đang thiếp đi ở độ cao hơn 10.000 m trong chuyến bay sang công tác châu Âu.
Những bài tùy văn đầu tiên trong tập được tác giả viết trên điện thoại trên các chuyến đi qua Nga, Czech, Slovakia, Hungary, Đức; sau đó được viết tiếp ở nhiều địa danh khác. Sống động trong tập tùy bút là hình ảnh của làng quê Việt thời yên bình, cân bằng sinh thái - một giá trị chỉ còn trong ký ức.
Qua những trang viết, Nguyễn Linh Khiếu bày tỏ nỗi trăn trở về phận làm người, về sự xung đột giữa công nghiệp hóa, hiện đại và văn hóa, phát xuất từ sự phát triển thiếu tầm nhìn, đầu tư bất chấp, đánh đổi sự bền vững.
Nhà thơ Ngô Đức Hành nhận định đọc tác phẩm, "dễ nhận ra những ẩn dụ giàu chất thơ, lấp lánh minh triết trữ tình của một nhà thơ xuất thân từ môi trường nghiên cứu triết học. Nguyễn Linh Khiếu luôn nhận ra sự vận động, phồn sinh trong các chiều cảm xúc, dẫu là thơ hay văn xuôi".
Hoa khởi trình vừa được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2024.
Nhiều buổi chiều và nhiều buổi tối
Tuyển tập gồm 10 truyện ngắn của tác giả Trần Lam Vy khắc họa đời sống của những người trẻ đô thị cô đơn và lạc lõng ở thành phố họ đang sống - một bối cảnh hầu như luôn mơ hồ, không định rõ một nơi chốn nhất định. Họ vẫn tiếp tục sinh hoạt bình nhật, một cuộc sống có gia đình, bạn bè, hàng xóm,... đều đặn trôi. Nhưng bên dười guồng quay êm ả đó, là những buồn vui thật khó giãi bày mà hầu hết đều chọn lựa ấp ủ riêng mình.
Sự đồng hành và ra đi của thú cưng mèo, chó, những mối quan hệ chẳng biết đặt ở điểm nào trên thang độ thân sơ, những chật vật đã thành thường tình của một đời người nhưng có lẽ thật khủng khiếp với một người trẻ, về chuyện học hành, công việc, tình yêu,... Tất cả hòa âm cất tiếng lòng thay một thế hệ, bằng một giọng văn điềm tĩnh, gãy gọn, không ủy mị, không lên gân mà vẫn mang đến cảm giác man mác buồn.
Thư cho em
Thiếu tướng Hoàng Đan và vợ - bà Nguyễn Thị An Vinh - biết nhau từ khi còn nhỏ, nên duyên vợ chồng từ thủa đôi mươi. Vì chiến tranh, thời gian bên nhau của hai người rất ít ỏi. Trong khi vị tướng chinh chiến khắp các chiến trường ác liệt, người vợ ở nhà chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái và phấn đấu vì sự nghiệp.
Bao nhớ thương, giận hờn và chờ đợi, cặp vợ chồng chỉ biết gửi gắm qua hơn 400 lá thư cho nhau, trong thời gian kéo dài qua bao dấu mốc lịch sử của dân tộc: chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh năm 1968, Quảng Trị năm 1972, Sài Gòn năm 1975, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, năm 1884... Những lá thư ấy cũng trở thành sợi dây buộc chặt tình yêu của hai con người.
Vừa qua, ông Hoàng Nam Tiến - con trai út của thiếu tướng Hoàng Đan và bà An Vinh - đã kể lại câu chuyện tình vượt qua hai thế kỷ của ba mẹ trong cuốn sách Thư cho em. Cuốn sách phi hư cấu lập tức thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả.
Qua những câu chuyện tình yêu, những lá thư tay của ba mẹ, ông Hoàng Nam Tiến, cậu con trai út của hai người, không chỉ lưu giữ ký ức của tác giả và gia đình, mà còn chia sẻ với các bạn trẻ hôm nay về tình yêu của một thời đại anh hùng và lãng mạn. Cuốn sách trở thành hiện tượng trên văn đàn năm nay, vượt mốc phát hành 10.000 bản.
Trong vô vàn
Văn chương của Dạ Ngân luôn có hương vị và bầu không khí đặc trưng. Văn bà điềm tĩnh, lý trí, sâu lắng, nhưng bên cạnh đó là sự giản dị và bướng bỉnh mang đến cho người đọc một cảm giác độc đáo. Tập tản văn mới nhất của bà gồm 50 bài viết chọn lọc từ những sáng tác của bà 10 năm qua.
Khung cảnh, câu chuyện và con người trong tập sách hầu như đều gắn liền với cuộc đời của Dạ Ngân, đều sống động và dạt dào tình cảm. Có thể thấy, Dạ Ngân rất thấu hiểu tình người, giỏi quan sát phong tục của xã hội qua những sự kiện từ to tới nhỏ, thêm vào đó là cách viết ngoại suy, nhìn thấy cái lớn từ cái bé, bộc lộ được sự tinh tế và nhạy cảm.
Trên đỉnh giời
Truyện ngắn của Y Ban luôn là những cuộc chơi về mặt ngôn ngữ, mà ở đó, văn hóa dân gian pha trộn với sức nặng của câu chuyện; mọi sự vật, sự kiện, hình dạng và cảm xúc đều được miêu tả tỉ mỉ, tinh tế, chi tiết. Thủ pháp kể chuyện của Y Ban đã mang lại cho truyện ngắn một sức sống mãnh liệt và một vẻ đẹp sinh động.
Tập truyện ngắn mới nhất - Trên đỉnh giời - đã chứng minh một điều: Y Ban có thể viết gần như mọi thứ, từ giàu đến hèn, từ hài đến bi, từ tục đến thanh, từ những chuyện phức tạp nhất của giới lừa đảo đến những chuyện bình dị gói gọn một khoảnh khắc ngày thường. Các câu chuyện của Y Ban tràn ngập những tiếng cười với các tình huống trớ trêu của phận người, nhưng ở giữa những tiếng cười đấy cũng là những khoảng lặng gai góc.
Y Ban rất lão luyện trong việc đưa nhân vật của mình vào những tình thế lưỡng nan, đối mặt với song đề đạo đức, đẩy các nhân vật ra khỏi lối đi thông thường. Tình huống tưởng chừng hài hước nhưng lại khốn quẫn nan giải; tình thế ngặt nghèo nhưng lại nhẹ bẫng vô lo.
Với cốt truyện kỳ lạ, kỹ thuật biểu tượng, ý nghĩa ngụ ngôn, cùng lối viết tự do, bút pháp sáng tạo, Y Ban đã khéo léo đưa người đọc đến với những câu chuyện đời độc đáo, đến với những chứng nhân của quá trình phát triển xã hội, đến với nỗi đau tinh thần của con người hiện đại...