10 sự kiện và kết quả nổi bật của tỉnh Phú Thọ năm 2024

1. Năm thứ ba liên tiếp toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều đạt và vượt so với kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 9.53% (vượt kế hoạch, kế hoạch 7.5% - tăng cao nhất 15 năm qua, từ năm 2011 đến nay), nằm trong nhóm 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất của cả nước, đứng thứ 3/14 tỉnh trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Quy mô kinh tế đạt trên 109,2 nghìn tỷ đồng, tăng trên 11 nghìn tỷ đồng so với năm 2023, đứng thứ 35 cả nước, đứng thứ 3 Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 8.492,6 tỷ đồng, tăng 23,6% so với dự toán; GRDP bình quân đầu người đạt 70,7 triệu đồng, tăng 5,52% so kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,6%.

2. Môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, có trọng tâm, trọng điểm và đạt kết quả tích cực. Đã hoàn thành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, quy hoạch cấp huyện và các đồ án quy hoạch đô thị. Huy động vốn đầu tư phát triển đạt 50,5 nghìn tỷ đồng (tăng 12,3% so cùng kỳ); thu hút mới 32 dự án FDI, với số tiền đầu tư 270,5 triệu USD (tăng 12,9% so với cùng kỳ); thành lập mới 1,1 nghìn doanh nghiệp, lũy kế đến nay có 12,7 nghìn doanh nghiệp (vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh - Nghị quyết 11 nghìn doanh nghiệp).

Văn Lang Empire T&T Golf Club có quy mô khoảng 168ha được xây dựng tại huyện Tam Nông.

Văn Lang Empire T&T Golf Club có quy mô khoảng 168ha được xây dựng tại huyện Tam Nông.

Các dự án đầu tư công được đẩy nhanh, tỷ lệ giải ngân nằm trong tốp đầu của cả nước: 16/20 dự án đầu tư công trung hạn hoàn thành và cơ bản hoàn thành trước thời hạn 1 năm; một số dự án trọng điểm hoàn thành (đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, tuyến chính đường liên vùng kết đường HCM với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C đi tỉnh Yên Bái; sân Golf Văn Lang Empire...) đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điểm nhấn, điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

3. Sản xuất Công nghiệp, xuất khẩu tăng trưởng cao, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của tỉnh. Sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng cao so cùng kỳ, đạt 17,37% (cùng kỳ tăng 10,2%), đóng góp 5,13 điểm % vào tăng trưởng GRDP. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 37,8% (cùng kỳ tăng 18,3%); trong đó, tăng trưởng trên các lĩnh vực chế biến, chế tạo (sản phẩm điện tử, máy tính, thiết bị điện, hóa chất...) tăng 38,6%. Xuất khẩu tiếp tục có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với mức tăng trưởng cao ước đạt 15,4 tỷ USD, tăng 39,6% cao nhất từ trước tới nay, duy trì nhóm 10 địa phương cả nước đạt giá trị cao.

4. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển ổn định; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới phát triển toàn diện. Tốc độ phát triển ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,07%, chiếm 18,4% trong cơ cấu kinh tế (đạt kế hoạch). Năm 2024, tỉnh có thêm huyện Phù Ninh hoàn thành cơ bản nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thêm 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 08 xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, 59 khu dân cư nông thôn mới, 36 khu nông thôn mới kiểu mẫu. Chương tình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chú trọng theo hướng thực chất, thực hiện tiêu chuẩn hóa, đến nay toàn tỉnh đã có 308 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025.

5. Văn hóa, thể thao và du lịch phát triển toàn diện. Phú Thọ có thêm 02 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (Di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Chèo ở Phú Thọ, Nghề dệt thổ cẩm của người Mường huyện Tân Sơn). Đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao cấp quốc gia, quốc tế, để lại hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, con người Đất Tổ như: Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2024; Tuần Du lịch Thanh Thủy - Mùa Thu 2024; Vòng loại Giải bóng đá U17 vô địch Châu Á; các trận đấu sân nhà của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2024; xếp thứ 10 tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024.

6. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và y tế tiếp tục duy trì trong tốp đầu của cả nước. Điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 Phú Thọ xếp thứ 08/63 tỉnh, thành (là năm thứ 4 liên tiếp Phú Thọ nằm trong tốp 10 cả nước); đoạt 71 giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023- 2024 (tăng 15 giải so với năm học 2022- 2023); có 02 học sinh dự thi Olympic khu vực và quốc tế, đoạt 1 HCB Olympic Hóa học Quốc tế Mendeleev, 02 học sinh đoạt giải Cuộc thi Sinh học Trung học danh tiếng Hoa Kỳ (USABO).

Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương phẫu thuật nội soi vá màng nhĩ tai thành công cho bệnh nhân có tiền sử viêm tai giữa mạn tính lâu năm.

Bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương phẫu thuật nội soi vá màng nhĩ tai thành công cho bệnh nhân có tiền sử viêm tai giữa mạn tính lâu năm.

Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố và phát triển, đã huy động trên 100 tỷ đồng để đầu tư các tuyến y tế; đang hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án “Tăng cường năng lực hệ thống y tế tỉnh Phú Thọ, sử dụng vốn ODA của Chính phủ Đức” và dự án tăng cường y tế tuyến xã (nguồn vốn ODA của ngân hàng ADB). Tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 94%.

7. Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đạt nhiều kết quả nổi bật. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 14 bậc, thuộc nhóm 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023; chỉ số CCHC (PAR INDEX) xếp thứ 9/63 địa phương, tăng 9 bậc so cùng kỳ. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo hình thức trực tuyến đạt trên 81,7%; 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử, từng bước triển khai hợp đồng điện tử. Tỷ trọng kinh tế số đạt 12,5%, đứng thứ 10 cả nước. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử chiếm 74,3%; hơn 1,3 triệu công dân trên địa bàn có thẻ Căn cước, Căn cước công dân; gần 980.000 người có tài khoản định danh điện tử trên VneID.

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn mức 1.

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn mức 1.

8. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Chỉ đạo, tổ chức tốt việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương trong năm 2024. Chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy trình, tiến độ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Phát triển tổ chức Đảng và Đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đạt kết quả cao nhất trong 4 năm trở lại đây, đã thành lập mới được 25 tổ chức Đảng với 170 đảng viên; kết nạp được 167 đảng viên mới. Hoàn thành việc thành lập chi bộ quân sự ở 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn mức 1 (vượt trước 1 năm so với kế hoạch). Chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội đại biểu MTTQ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024-2029; Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024-2029; Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV, năm 2024.

9. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2024; diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quy mô cấp tỉnh; kịp thời huy động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai. Thành lập lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, tăng cường cơ sở vật chất cho công an xã; thực hiện hiệu quả các đợt cao điểm về tấn công trấn áp tội phạm, tuần tra bảo đảm an ninh trật tự và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, các mục tiêu quan trọng, các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khách quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh.

10. Chủ động ứng phó và khắc phục kịp thời hậu quả Cơn bão số 3. Bão số 3 Yagi, cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua đã gây thiệt hại nặng nề cho 26 tỉnh, thành phía Bắc, trong đó có Phú Thọ. Bão và hoàn lưu sau bão đã làm sập nhịp cầu Phong Châu, gây ngập lụt tại nhiều địa phương, làm 6 người chết, 4 người mất tích và 8 người bị thương, 460 nhà bị thiệt hại, trên 6.800 ngôi nhà bị ngập nước, trên 7.300 hộ dân phải di dời khẩn cấp cùng nhiều thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp, tài sản và cơ sở hạ tầng. Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt, chủ động, thống nhất của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự chỉ huy, phối hợp, điều hành kịp thời, sâu sát; sự cố gắng, nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành, cùng với các địa phương, Nhân dân toàn tỉnh và sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, hậu quả thiệt hại đã được giảm đến mức thấp nhất. Các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 3 được triển khai nhanh chóng, kịp thời giúp Nhân dân sớm ổn định đời sống.

BPT

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/10-su-kien-va-ket-qua-noi-bat-cua-tinh-phu-tho-nam-2024-225438.htm
Zalo