10 sự kiện pháp luật nổi bật năm 2023
Năm 2023 đi qua với nhiều sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng, có tác động to lớn đến đời sống xã hội của đất nước. Nhằm ghi lại những dấu ấn nổi bật đó, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức bình chọn và công bố các sự kiện pháp luật nổi bật của năm. Dưới đây là 10 sự kiện pháp luật nổi bật năm 2023 do Hội đồng bình chọn của Báo Pháp luật Việt Nam lựa chọn:
1. Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Quy định số 96-QĐ/TW vừa kế thừa Quy định trước đây, đồng thời cập nhật tình hình, thể hiện sự đồng bộ, liên thông với các quy định khác của Đảng về công tác cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm. Các điều, khoản được quy định chi tiết, cụ thể, chặt chẽ và khoa học.
Trong đó nêu rõ: “Lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ” “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ và được công khai theo quy định. Những cán bộ có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm”.
Một trong những điểm mới của Quy định 96-QĐ/TW đó là quy định khi lấy phiếu tín nhiệm, những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Quy định số 96-QĐ/TW trở thành một thước đo quan trọng đánh giá năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây là một trong những thay đổi quyết liệt trong công tác đánh giá cán bộ của Đảng.
2. Các hoạt động đối ngoại của đất nước diễn ra sôi động, là một trong những điểm sáng nổi bật của năm.
Việc Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình; Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Joe Biden; Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thoongloun Sisoulith; Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen… và nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế khác đến thăm Việt Nam trong năm 2023, đồng thời Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội của Việt Nam đã đi thăm, làm việc tại nhiều quốc gia, dự nhiều hội nghị quốc tế mang tính toàn cầu, được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định chính sách “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay” như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần phát biểu.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình từ ngày 12 - 13/12/2023, Lãnh đạo cấp cao hai Bên đã chứng kiến việc công bố một số văn kiện hợp tác song phương, trong đó có “Chương trình hợp tác giai đoạn 2024 - 2025 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Trung Quốc”.
Việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Việt Nam - Nhật Bản lên Đối tác chiến lược toàn diện không chỉ mở ra chương mới trong quan hệ hai nước mà còn mở ra những quan hệ hợp tác toàn diện, bao trùm trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tư pháp và pháp luật.
3. Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực trên phạm vi cả nước.
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 6/2023) đã ban hành Nghị quyết 101/2023/QH15, yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan hữu quan, các địa phương tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật là một công tác thường xuyên khi Quốc hội ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung một văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên thực hiện rà soát mang tính chất tổng thể và quy mô lớn. Quốc hội ban hành nghị quyết, Chính phủ thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long là Tổ phó thường trực.
Thực hiện trong thời gian ngắn nhưng phạm vi rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật rất rộng, bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống và sự tham gia của tất cả các Bộ, ngành, các địa phương trong quá trình rà soát, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công… Theo báo cáo đã rà soát 523 văn bản, gồm 66 luật, 02 pháp lệnh, 08 nghị quyết của Quốc hội và hàng trăm nghị định của Chính phủ, thông tư của các Bộ, ngành. Kết quả rà soát là cơ sở quan trọng để chúng ta tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới.
4. Lần đầu tiên tổ chức Hội nghị triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Ngày 06/9/2023, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Việc tổ chức Hội nghị thể hiện yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.
Trong năm 2023, nhiều Luật như: Luật Dầu khí; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Thanh tra; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực từ 01/7/2023) đã hiện thực hóa Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, góp phần bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) (có hiệu lực từ 01/01/2023) đã bổ sung các quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm; nâng cao yêu cầu quản lý nhà nước trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm…
5. Chính phủ quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các ngành, lĩnh vực, trong đó có khó khăn, vướng mắc về thể chế, quy định pháp luật.
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, đất nước bước vào giai đoạn mới sau đại dịch COVID-19, đòi hỏi có tầm nhìn mới, tư duy mới về công tác xây dựng pháp luật, điều hành và quản lý nhà nước, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị lớn, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các ngành, lĩnh vực, trong đó có khó khăn, vướng mắc về thể chể, quy định pháp luật như:
Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” (tháng 02/2023); Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (tháng 8/2023); Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô (tháng 12/2023) - được ví như một “Hội nghị Diên Hồng” về vốn…
6. Đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn.
Năm 2023, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nói riêng tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn, cả ở Trung ương và địa phương. Bộ Chính trị đã ban hành một loạt Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong một số ngành, lĩnh vực: Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Trong năm 2023, các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can, hoàn tất điều ra, đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, vi phạm có tổ chức, liên quan nhiều Bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước… như vụ Công ty Việt Á, Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, Sài Gon Co.op; xét xử: “Chuyến bay giải cứu”, dự án cao tốc Đà Nẵng, Quảng Ngãi, vụ án Sở Y tế Quảng Ninh vi phạm đấu thầu, vụ AIC… Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
7. Bộ, ngành Tư pháp đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Ngay sau khi Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới được Trung ương ban hành, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự Đảng các Bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW tạo cơ sở quan trọng để tinh thần, nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW được triển khai sâu rộng trong hoạt động các của Bộ, ngành.
Trên cơ sở chương trình này, các Bộ, ngành, các đơn vị thuộc các Bộ, ngành đã xây dựng Kế hoạch triển khai một cách đồng bộ với nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị. Có thể nói việc Bộ Tư pháp chủ trì tham mưu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động số 77/NQ-CP góp phần quan trọng trong việc sớm đưa Nghị quyết số 27-NQ/TW đi vào cuộc sống.
Kết quả triển khai quyết liệt tại Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành bước đầu đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
8. Ban hành nhiều giải pháp về thể chế nhằm cụ thể hóa các quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 24 tháng 6 năm 2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) với tinh thần tháo gỡ tối đa các rào cản, cho phép TP HCM được áp dụng thể chế, chính sách vượt trội nhằm tạo điều kiện cho Thành phố có bước phát triển đột phá, phát huy vai trò là một cực tăng trưởng đầu tàu, dẫn dắt và đóng góp tốt hơn cho phát triển kinh tế của Vùng kinh tế động lực và cả nước.
Ngày 15/7/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 850/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, Bí thư Thành ủy TP HCM làm Phó Trưởng Ban.
TP HCM đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, các tổ công tác. Thành phố cũng có Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết cũng như củng cố nhân sự ở các vị trí để phân công nhiệm vụ triển khai Nghị quyết từ sớm. Kỳ họp thứ 12 (Kỳ họp chuyên đề) của Hội đồng nhân dân TP HCM đã xem xét, biểu quyết thông qua một số nghị quyết cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 98 của Quốc hội thuộc thẩm quyền HĐND TP như: Nghị quyết về tiêu chí, đối tượng, điều kiện được hưởng ưu đãi tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ…
9. Hội đồng Phối hợp giáo dục, phổ biến pháp luật Trung ương tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV.
Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV được tổ chức với 2 vòng thi: Vòng thi khu vực và Vòng thi toàn quốc, là điểm nhấn hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2023. Từ kết quả của Vòng thi khu vực, Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 14 đội thi xuất sắc tham dự Vòng thi toàn quốc được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 08/11.
Hội thi nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong cộng đồng..., tạo sức lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc.
Ban Tổ chức đã trao giải nhất cho đoàn Hà Tĩnh; 2 giải nhì cho đoàn Thanh Hóa, Nghệ An; 3 giải ba cho đoàn Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu và Ninh Bình.
10. Lễ tôn vinh “Gương sáng Pháp luật năm 2023”.
Tối ngày 01/11/2023, tại Hà Nội, Báo Pháp luật Việt Nam long trọng tổ chức Lễ tôn vinh “Gương sáng Pháp luật”. Chương trình được thực hiện hết sức công phu và bài bản, vào đúng dịp Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11 nhằm lan tỏa và nhân rộng những tấm gương điển hình trong hoạt động xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trong phạm vi toàn quốc.
Năm 2023, lần thứ 2 Chương trình được tổ chức, qua nhiều khâu, nhiều bước hết sức chặt chẽ, khách quan, công tâm với gần 160 đề cử, Hội đồng bình chọn đã suy tôn 50 gương sáng - là những tấm gương trong các ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn khác nhau. Trong đó, có những người được xã hội biết đến, nhưng cũng có những tấm gương lần đầu xuất hiện với những cống hiến bền bỉ, thầm lặng mà rất có ý nghĩa đối với cộng đồng...
Lễ tôn vinh năm 2023 có nhiều nhân vật rất đặc biệt, có những cống hiến xuất sắc như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, 98 tuổi, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Đại biểu Quốc hội; Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, sinh năm 1942, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; cô giáo Hà Ánh Phượng, sinh năm 1991, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ, Đại biểu Quốc hội khóa XV (được vinh danh một trong 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu); ông A Brol Vẽ, sinh năm 1945, Già làng Đắk Răng, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum; ông Vàng A Chỉnh, sinh năm 1975, Trưởng bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; bà K’Hiếu, sinh năm 1959, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Xoan, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng...