10 điểm nhấn ngành ngân hàng năm 2024
Xác thực sinh trắc học, chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng, NHNN trực tiếp bán vàng cho nhóm ngân hàng big 4, đổi mới cơ chế điều hành tín dụng, Luật Các TCTD có hiệu lực… là những điểm nhấn của ngành ngân hàng năm 2024.
1. Cơn sốt vàng và những giải pháp chưa từng có tiền lệ: NHNN bán vàng cho nhóm ngân hàng big 4
Năm 2024 là một trong những năm giá vàng biến động mạnh nhất trong lịch sử. Vàng bắt đầu lên cơn sốt từ tháng 2/2024, kéo dài đến tận tháng 10 và chỉ hạ nhiệt sau khi ông Donal Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Giá vàng trong nước và thế giới đều lập đỉnh kỷ lục mọi thời đại, vàng miếng SJC đã có lúc đạt tới 92,5 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tính tới ngày 25/12/2024, giá vàng thế giới đã tăng 28%, vàng miếng SJC tăng 14%, vàng nhẫn trong nước tăng 35% so với đầu năm.
Nửa đầu năm 2024, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới có lúc lên tới 18 triệu đồng/lượng, người dân đổ xô đi mua vàng gây tâm lý hoang mang.
Trước yêu cầu cấp bách, NHNN đã đưa ra loạt giải pháp để ổn định thị trường vàng. Theo đó, trong tháng 4 và tháng 5/2024, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng, cung ứng ra thị trường hơn 1,8 tấn vàng. Tuy nhiên, giải pháp này không mang lại hiệu quả.
Từ đầu tháng 6/2024, NHNN đưa ra giải pháp chưa từng có tiền lệ: trực tiếp bán vàng cho nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh (big 4) và Công ty SJC để các doanh nghiệp này bán vàng cho người dân.
Bên cạnh đó, đoàn thanh tra liên ngành cũng được thành lập. Ngành thuế cũng quy định từ 15/6/2024, mua bán vàng không có hóa đơn điện tử, doanh nghiệp sẽ bị rút giấy phép.
Nhờ một loạt giải pháp đồng bộ, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới từ chỗ 18 triệu đồng/lượng hiện đã giảm còn hơn 3 triệu đồng/lượng. Dù vậy, thị trường vàng vẫn chưa thể vận hành bình thường khi người dân có nhu cầu đều rơi vào cảnh mua không được, bán khó khăn.
2. Thay đổi cơ chế điều hành tín dụng, 2 lần nới room tín dụng
Nếu như những năm trước NHNN cấp tín dụng thành nhiều đợt trong năm, nặng cơ chế xin – cho thì sang năm 2024, cơ quan này đã thay đổi cơ chế cấp room tinsn dụng. Từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao hết chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng cho các ngân hàng với mức tăng khoảng 15%.
Sau đó, vào tháng 9 và tháng 11/2024, NHNN có hai lần nới room tín dụng cho các ngân hàng. Cụ thể, ngày 28/8/2024, NHNN thông báo sẽ xem xét nới room cho những TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu giao đầu năm. Quyết định này được thực hiện trên cơ sở điểm xếp hạng từng tổ chức. Việc nới room được thực hiện tự động, các ngân hàng không phải “xin” NHNN. Tiếp đó, cuối tháng 11/2024, NHNN tiếp tục thông báo điều chỉnh tăng thêm room tín dụng năm 2024 đối với các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch.
Tính tới 13/12, tín dụng toàn hệ thống tăng 12,5%. Lãnh đạo NHNN nhiều lần tự tin khẳng định, tín dụng cả năm có thể tăng trưởng ở mức 15%, theo đúng mục tiêu đề ra.
Trước đó, trả lời chất vấn Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Thống đốc khẳng định chưa thể bỏ room tín dụng do nền kinh tế đang phụ thuộc rất lớn vào vốn ngân hàng, nếu không kiểm soát, mỗi tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vài chục phần trăm mỗi năm như trước đây thì sẽ rất rủi ro cho nền kinh tế.
3. Chính thức chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng
Ngày 17/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây Dựng Việt Nam (CB) cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Sau khi được chuyển giao bắt buộc, CB và OceanBank sẽ là các NHTM TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ.
NHNN cho biết, 1 ngân hàng 0 đồng còn lại (GPBank) và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt Dong A Bank sẽ được chuyển giao cho trong thời gian sớm nhất. Hiện các công việc đang tích cực triển khai theo đề án đã được phê duyệt.
Theo đánh giá của NHNN, việc chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng thời gian qua đã đánh dấu một giai đoạn chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan.
4. Xác thực sinh trắc học từ 1/7/2024
Từ ngày 1/7/2024, theo quy định của NHNN (Quyết định số 2345/QĐ-NHNN), khách hàng khi thực hiện một số giao dịch trực tuyến bắt buộc phải xác thực bằng sinh trắc học, như chuyển tiền có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng.
Tính đến hết cuối năm 2024 đã có 56,8 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân được đối chiếu thông tin sinh trắc học. Ngoài ra, 9 TCTD đã hoàn thành kết nối luồng liên kết tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng phục vụ cho chi trả, trong đó đã liên kết được hơn 60.300 tài khoản an sinh xã hội
Theo Thông tư 17/2024/TT-NHNN (Thông tư 17) và Thông tư 18/2024/TT-NHNN (Thông tư 18) ban hành ngày 28/6/2024, các tổ chức tài chính phải kiểm tra tính hiệu lực của giấy tờ tùy thân, xác thực thông tin sinh trắc học và cập nhật thông tin cư trú của khách hàng.
Từ đầu năm 2025, chủ tài khoản chỉ được rút tiền, thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân; thông tin sinh trắc học do cơ quan công an cấp hoặc qua hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID). Các giao dịch thẻ online chỉ thực hiện được khi chủ thẻ đã xác thực sinh trắc học với ngân hàng, công ty tài chính. Nếu chủ tài khoản chưa xác minh sinh trắc học với ngân hàng thì chỉ có thể nạp, rút hoặc chuyển khoản tiền tại quầy của ngân hàng.
5. Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực
Ngày 18/01/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật các tổ chức tín dụng 2024. Luật này chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024.
Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong tổ chức tín dụng của cổ đông. Theoi đó, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (quy định trước đó là 15%). Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (quy định trước đó là 20%).
Ngoài ra, Luật cũng giảm dần hạn mức cấp tín dụng với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan đến khách hàng đó của ngân hàng thương mại.
Một số điểm mới đáng chú ý khác của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là: Cấm ngân hàng bán bảo hiểm không bắt buộc dưới mọi hình thức; cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải công khai thông tin; bổ sung quy định về việc can thiệp sớm tổ chức tín dụng yếu kém; tổ chức tín dụng được chuyển nhượng tài sản đảm bảo là dự án bất động sản để thu hồi nợ…
6. Thanh toán không tiền mặt tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được kết quả tích cực trong năm 2024. Cụ thể, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 57,54% về số lượng và 34,54% về giá trị. Giao dịch qua QR code tăng hơn 100% về cả số lượng lẫn giá trị.
Giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 13,11% về số lượng và giảm 5,35% về giá trị. Các TCTD, trung gian thanh toán tích cực và tiên phong trong việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) vào hoạt động ngân hàng.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, 3 điểm nhấn chuyển đổi số ngân hàng năm 2024 là: kết nối QR quốc tế, giao dịch điện tử bứt tốc và pháp lý cởi mở.
7. Cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3
NHNN đã ban hành Thông tư số 53/2024/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1510/QĐ-TTg ngày 04/12/2024 cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại theo quy định của pháp luật trước thời điểm xảy ra thiên tai đối với khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ của các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của bão số 3.
Ngoài cơ cấu nợ, giãn nợ, trong năm 2024, ngành ngân hàng cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Cụ thể, các TCTD đã ban hành và công bố công khai các chương trình, các gói tín dụng với quy mô hỗ trợ 405.000 tỷ đồng cho vay mới và hạ lãi suất, trong đó dành khoảng 300.000 tỷ đồng cho vay mới khắc phục thiệt hại và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
8. Nóng thương vụ M&A ngân hàng nội, big 4 tăng vốn
Năm 2024, thị trường ngân hàng chứng kiến thương vụ M&A đình đám giữa Gelex và Eximbank. Thương vụ hiện vẫn còn gây nhiều lùm xùm, tranh cãi.
Ngoài ra, thị trường M&A ngân hàng cũng ghi nhận một số thương vụ rút vốn cảu đối tác ngoại: Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) bán khoảng 10% vốn điều lệ VIB; Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thoái vốn khỏi TPBank và ABBank…
Trong năm 2024, các ngân hàng Việt cũng cấp tập tăng vốn. Nổi bật nhất là Vietcombank đã được Quốc hội chính thức chấp nhận chủ trương tăng vốn điều lệ thêm hơn 27.666 tỷ đồng. Đầu tháng 12 vừa qua, NHNN chấp thuận cho BIDV tăng vốn điều lệ thêm 11.971 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, nâng vốn điều lệ của nhà băng này lên 68.975 tỷ đồng.
Các ngân hàng big 4 đang đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét cơ chế tăng vốn dài hơi, thay vì trình xin hàng năm.
9. Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng kỷ lục
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, đến hết tháng 9/2024, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 7 triệu tỷ đồng, tăng 3,43%. Tiền gửi của dân cư đạt gần 6,96 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2023. Tổng lượng tiền gửi của dân cư và tổ chức vượt 14 triệu tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.
So với cuối tháng trước, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng thêm hơn 238.000 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 32.700 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 16,94 triệu tỷ đồng, tăng 5,94% so với cuối năm 2023.
Trong bối cảnh các kênh đầu tư tiềm ẩn rủi ro, khả năng sinh lời thấp, dòng tiền nhàn rỗi trong dân vẫn chảy vào ngân hàng.
10. Lãi suất chạm đáy, tỷ giá khá ổn định
Trong năm 2024, NHNN tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Mặt bằng lãi suất cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới của các NHTM đã giảm 0,44% so với năm 2023. Theo các chuyên gia, lãi suất hiện đã chạm đáy và khó có thể hạ thêm. Lãi suất huy động đã tăng liên tục từ tháng 4/2024 đến nay.
Ngoài nhu cầu tín dụng tăng, lãi suất tăng cao còn để “ghìm” tỷ giá. Từ đầu năm đến nay, VNĐ mất giá khoảng 4,5%, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Tỷ giá đang chịu sức ép lớn do USD liên tục neo ở mức giá cao trên thị trường quốc tế. Dự báo, USD sẽ còn duy trì mặt bằng cao như hiện nay trong suốt năm 2025.