10 dấu ấn nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2024

Năm 2024, tình hình kinh tế trong nước đã trải qua nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế trong nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Một Thế Giới điểm lại 10 dấu ấn nổi bật của nền kinh tế Việt Nam năm 2024.

Vững bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Năm 2024, những định hướng, phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn về "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" đã được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra là những định hướng chiến lược, được hình thành trên những cơ sở khoa học vững chắc, có sức thuyết phục, dẫn dắt cao.

Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần tập trung giải quyết hai điểm nghẽn lớn, như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đó là điểm nghẽn về thể chế (hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách) và thiết chế (hệ thống tổ chức bộ máy).

Phải đổi mới căn bản hệ thống thể chế, từ công tác lập pháp, hành pháp đến việc áp dụng vào thực tiễn, đặc biệt là tháo gỡ sự chồng chéo trong các luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến người dân và doanh nghiệp; rà soát, xóa bỏ những cơ chế, chính sách không còn phù hợp; xây dựng hệ thống luật pháp thông thoáng hơn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm tạo ra động lực mới.

Về thiết chế, kiên quyết khắc phục tình trạng tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, chia cắt, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh phải tích cực, khẩn trương tiến hành quyết liệt, đồng bộ cuộc cách mạng trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả"; "một tổ chức làm nhiều việc, một việc chỉ một đầu mối phụ trách"...

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội 14 của Đảng. Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.

Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước XHCN phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Thu ngân sách nhà nước lần đầu tiên vượt mốc 2 triệu tỉ đồng

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, thu ngân sách nhà nước cả năm 2024 ước đạt khoảng 2 triệu tỉ đồng, tăng 15,5% so với thực hiện năm 2023, đánh dấu lần đầu tiên thu ngân sách của Việt Nam đạt cột mốc này.

Trong đó, thu ngân sách nhà nước của Hà Nội đến hết ngày 31.12.2024 là hơn 501.600 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách thành phố Hà Nội vượt 500.000 tỉ đồng. Còn tại TP.HCM, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện đến ngày 31.12.2024 là 505.344 tỉ đồng, tăng 13,17% so cùng kỳ.

Như vậy, số thu của hai địa phương này đã chiếm tới hơn 1 triệu tỉ đồng trong tổng số thu hơn 2 triệu tỉ của cả nước năm 2024.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu cao nhất từ trước đến nay với 800 tỉ USD

Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỉ USD, cao nhất từ trước tới nay; xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỉ USD. Đây là một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành công thương năm 2024.

Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 7%

Tổng cục Thống kê mới công bố số liệu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024, thế nhưng đã khá chắc chắn là năm nay, tổng sản phẩm quốc nội GDP có thể tăng trưởng trên 7%, vượt mục tiêu 6,5 - 7% mà Quốc hội đề ra.

Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ là yếu tố góp phần tích cực cho tăng trưởng của năm nay.

Dòng vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam, có thể đạt 40 tỉ USD

Hiện nay, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không chỉ là một trụ cột quan trọng cho sự phát triển kinh tế, mà còn là động lực thúc đẩy cải cách, đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Niềm tin của nhà đầu tư FDI vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào nước ta. Do vậy, có thể kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 có thể đạt ở mức 39 - 40 tỉ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với FDI. Dự kiến của Cục Đầu tư nước ngoài, đến hết năm 2024, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định.

Chính phủ đã ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Đây sẽ là bước đột phá mới trong việc giữ ổn định nguồn FDI hiện có và tạo hành lang rộng mở cho việc thu hút các nguồn FDI trong tương lai.

Giá vàng tăng kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay

Trong năm 2024, giá vàng trong nước và thế giới đều biến động mạnh, có lúc giá vàng SJC đã đạt mốc cao nhất từ trước tới nay, 92 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng trên thế giới lên đỉnh cao kỷ lục gần 2.790 USD/ounce.

Đáng chú ý, trong năm 2024, giá vàng miếng và vàng nhẫn liên tục thiết lập những đỉnh mới. Bắt đầu từ cuối tháng 2, đầu tháng 3, giá vàng trong nước liên tục tăng nhanh và mạnh hơn nhiều so với thị trường thế giới. Mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng thế giới có lúc lên đến 18 triệu đồng/lượng.

Sự tăng quá "nóng" của giá vàng trong nước đã khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành biện pháp can thiệp. Sau khi đấu thầu vàng miếng chưa phát huy hiệu quả, NHNN đã chuyển sang phương thức bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC để các đơn vị này bán lại cho người dân.

Kỳ tích đường dây 500kV mạch 3 kéo điện ra Bắc

Hơn 6 tháng thi công, đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối (gồm 4 cung đoạn) với chiều dài trên 500km đã được hoàn thành và khánh thành vào ngày 29.8.2024. Thành tích này được đánh giá là chưa từng có tiền lệ với các công trình xây dựng đường dây 500kV trước đó.

Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối là dự án trọng điểm, cấp bách, có ý nghĩa rất quan trọng để tăng cường năng lực truyền tải điện qua hệ thống 500kV từ Trung - Bắc với công suất từ 2.500MW hiện nay lên 5.000MW, nâng cao sự ổn định vận hành hệ thống điện, tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc năm 2025 và các năm tiếp theo, giảm bớt nguy cơ đầy và quá tải cho các đường dây và trạm 500kV hiện hữu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tái khởi động điện hạt nhân

Trong bối cảnh hiện nay, tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không chỉ là lời giải cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia mà còn góp phần vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bền vững, đưa nền khoa học công nghệ của đất nước phát triển lên tầm cao mới.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt lần đầu vào năm 2009 với tổng công suất 4.000MW, chia thành 2 nhà máy trên diện tích 1.642ha. Tuy nhiên, đến năm 2016, Quốc hội ra nghị quyết tạm dừng dự án vì nhiều yếu tố khách quan.

Ngày 25.11.2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 thống nhất chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Phải xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền

Theo Quyết định 2345 về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng của NHNN, từ ngày 1.7.2024, chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay.

Cụ thể, nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

NHNN cũng quy định, tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng).

Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, dù lần tiếp theo đó chỉ chuyển vài nghìn đồng.

Trường hợp khách hàng cá nhân trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (mobile banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, cũng phải được nhận dạng sinh trắc học.

Nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề từ siêu bão Yagi

Mưa lũ do bão Yagi là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt chưa từng có trong rất nhiều năm qua ở khu vực Bắc Bộ năm 2024. Tổng thiệt hại kinh tế là trên 81.503 tỉ đồng.

TS Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết Chính phủ đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực. Chú trọng rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, lập các ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, các tổ công tác để kịp thời tháo gỡ những "điểm nghẽn", khó khăn, vướng mắc phát sinh, tạo đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp.

Việc hóa giải các điểm nghẽn thể chế có vai trò quyết định. Nhiều văn bản luật đã được thông qua, tạo bước tiến mới trong việc gỡ khó cho môi trường đầu tư, kinh doanh, với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế. Đây là công việc liên tục, cần tiếp tục rà soát và có những điều chỉnh, cải cách, sửa đổi kịp thời theo tinh thần xây dựng môi trường kinh doanh có tính kiến tạo, ổn định, minh bạch.

Ông Thành cho rằng trong kỷ nguyên mới, các chuỗi kinh tế phải do các doanh nghiệp trong nước làm chủ. Doanh nghiệp phải nắm bắt thời cơ, sẵn sàng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để tận dụng tiêu chuẩn môi trường kinh doanh trong thương mại toàn cầu. Đặc biệt là cần nâng cao hiệu quả, tiến bộ công nghệ của một số ngành công nghiệp chủ lực, từ đó nâng cao giá trị và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.

Vị chuyên gia nhận định: “Trong một bối cảnh kinh tế khó khăn, sự phục hồi bên ngoài chậm, nhưng xuất khẩu bật tăng rất là mạnh mẽ. Tăng trưởng là động lực. Mà công nghiệp chế biến chế tạo tăng mạnh và góp phần cho mục tiêu tăng trưởng năm nay đạt khá là cao, trên dưới 7%”.

Dịp đầu năm mới 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài viết "Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc".

Thủ tướng nhấn mạnh 2025 là năm tăng tốc, bứt phá để về đích thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025. Thủ tướng yêu cầu ngay từ năm 2025 phải nỗ lực tối đa, tạo những yếu tố đột phá thu hút đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, để tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số từ năm 2026.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/10-dau-an-noi-bat-cua-kinh-te-viet-nam-nam-2024-227937.html
Zalo