1 năm thu phí vỉa hè: TP.HCM kỳ vọng thu về 1.500 tỉ, thực tế chỉ được 7 tỉ

Sau một năm triển khai, TP.HCM chỉ thu được 7 tỉ đồng từ việc thu phí vỉa hè, lòng đường, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

Mới đây, Sở Giao thông Công chánh TP.HCM đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM về đánh giá công tác quản lý, thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP.HCM.

Sau một năm triển khai thu phí vỉa hè, lòng đường, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn còn một số bất cập khiến công tác này chưa đạt được kỳ vọng.

Thu 7 tỉ sau một năm triển khai

Quay lại các tuyến đường ở quận 1 sau hơn một năm thu phí, PV PLO ghi nhận hình ảnh vỉa hè thông thoáng, trật tự, tách biệt rõ ràng không gian buôn bán và không gian dành cho người đi bộ.

Đơn cử như tại các tuyến đường Lê Thánh Tôn, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Trãi... các hộ kinh doanh, buôn bán bố trí hài hòa giữa việc sắp xếp bàn ghế, xe máy để kinh doanh, đồng thời đảm bảo đủ không gian di chuyển cho người đi bộ.

 Vỉa hè đường Nguyễn Trãi, quận 1 thông thoáng.

Vỉa hè đường Nguyễn Trãi, quận 1 thông thoáng.

Tuy nhiên, một số tuyến đường xung quanh chợ Bến Thành như đường Phan Chu Trinh, tình trạng buôn bán, lấn chiếm vẫn diễn ra phức tạp. Tại đây, nhiều người dân vẫn chiếm dụng vỉa hè để giữ xe máy, bày bán thức ăn...

Còn tại quận 10, một số tuyến đường như Ba Tháng Hai, Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Thành Thái, Sư Vạn Hạnh... vỉa hè tương đối ngăn nắp, không còn tình trạng lấn chiếm như trước. Điều này cho thấy công tác thu phí vỉa hè ở một số quận đã đạt kết quả tốt.

 Người dân giữ xe máy trên đường Phan Chu Trinh, quận 1.

Người dân giữ xe máy trên đường Phan Chu Trinh, quận 1.

Tuy nhiên, Sở GTCC cho biết sau hơn một năm triển khai chỉ có 6/22 quận, huyện thực hiện cấp phép, thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè theo quy định gồm quận 1, 3, 4, 8, 10 và quận 12.

Theo đó, tổng số tiền thu được đến nay khoảng 7 tỉ đồng. Trong đó, số phí thu tại Sở GTCC khoảng 2,5 tỉ đồng (gồm tổ chức hoạt động văn hóa; bố trí công trình tiện ích phục vụ giao thông công cộng là trạm xe đạp; trung chuyển rác thải sinh hoạt của các công ty dịch vụ công ích). Số phí thu được từ các quận là khoảng 4,5 tỉ đồng (gồm hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng công trình trên hè phố).

Con số 7 tỉ này thấp hơn nhiều so với kỳ vọng trước đây của Sở GTCC khi ước tính TP có thể thu hơn 1.500 tỉ đồng mỗi năm từ phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè.

 Hoạt động sử dụng vỉa hè chuyển biến tích cực.

Hoạt động sử dụng vỉa hè chuyển biến tích cực.

Trên địa bàn TP.HCM có tổng cộng 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5m trở lên, trong đó có 2.271 tuyến đường có vỉa hè với 929 tuyến đường có vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên và 1.342 tuyến đường có vỉa hè có bề rộng dưới 3m.

Như vậy, trên địa bàn TP có hơn 1/2 số tuyến đường không có vỉa hè. Trong số các tuyến đường còn lại (đường có vỉa hè) thì có khoảng 27,47% chiều dài phần vỉa hè các tuyến đường có thể xem xét cho phép sử dụng tạm thời phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông (do cần bảo đảm nguyên tắc dành tối thiểu 1,5m bề rộng vỉa hè cho người đi bộ).

Vì sao thu phí chưa đạt như kỳ vọng?

Lý giải nguyên nhân, Sở GTCC cho biết một số quận, huyện vẫn còn đang rà soát, nghiên cứu... chưa triển khai thực hiện tốt việc quản lý, thu phí tạm thời lòng đường, vỉa hè. Việc này có thể tạo một số dư luận đối với công tác quản lý (thiếu minh bạch, gây thất thoát, lãng phí tài sản, tạo sự mất công bằng đối với các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt quy định).

 Vỉa hè đường Nguyễn Trãi trật tự.

Vỉa hè đường Nguyễn Trãi trật tự.

Theo sở này, có hai nhóm vướng mắc. Một là vướng mắc do quy định chưa có (cách tính diện tích thu phí hoạt động thể thao, trụ biển quảng cáo, công trình tạm; việc quản lý, thu phí lòng đường, vỉa hè thống nhất trên 1 ứng dụng; các khoản mục chi phí phục vụ công tác quản lý, thu phí,...);

Hai là một số nội dung quy định chưa phù hợp trong điều kiện thực tiễn (số phí tính theo 1/2 tháng cho các hoạt động dưới 15 ngày và tính theo 1 tháng cho các hoạt động trên 15 ngày...).

 Người dân đi bộ dễ dàng trên vỉa hè đường Lê Thánh Tôn, quận 1.

Người dân đi bộ dễ dàng trên vỉa hè đường Lê Thánh Tôn, quận 1.

Sở GTCC cũng cho rằng nguyên nhân khách quan là do quy định về quản lý, thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè là một trong các quy định, nhiệm vụ mới, tác động trên phạm vi rộng; điều chỉnh thói quen, hành vi của nhiều tổ chức, cá nhân liên quan đến lòng đường, hè phố. Do đó, quá trình thực hiện sẽ phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.

"Hiện trạng lòng đường, hè phố hiện nay đa số có bề rộng hẹp nhưng ý thức người dân còn hạn chế. Vỉa hè một số nơi bị chiếm dụng bởi công trình hạ tầng kỹ thuật nổi. Công tác bảo trì hè phố một số nơi chưa được quan tâm do nguồn kinh phí cho công tác bảo trì còn hạn chế" - Sở GTCC nêu.

 Quận 1,3,4,10 thu phí vỉa hè được 3,3 tỉ.

Quận 1,3,4,10 thu phí vỉa hè được 3,3 tỉ.

“Trong giai đoạn cuối năm 2023 đến năm 2024 một số địa phương đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công để cải tạo, chỉnh trang vỉa hè, do đó, chưa kịp thời tổ chức đưa vào khai thác, sử dụng vỉa hè vào mục đích khác” - Sở GTCC đánh giá.

Về nguyên nhân chủ quan, Sở GTCC cho biết một số quận huyện chưa quan tâm triển khai thực hiện quy định quản lý, thu phí lòng đường, hè phố, để người dân tiếp tục lấn chiếm, sử dụng lòng đường, hè phố sai quy định.

Các quận huyện chưa quyết liệt trong việc thường xuyên tuần tra, xử lý dứt điểm tình trạng tụ tập, lấn chiếm lòng đường, hè phố để buôn bán, họp chợ, dừng đỗ xe sai quy định…

Công tác phối hợp góp ý kiến, ban hành danh mục, cung cấp thông tin tình hình thực hiện, tiến độ triển khai giữa các quận, huyện, TP Thủ Đức cho Sở GTCC còn chậm, thiếu chủ động.

Trước thực tế trên, Sở GTCC kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Nội vụ xem xét, đề xuất đánh giá công tác thi đua đối với các quận huyện đã triển khai thực hiện trong năm 2024 (quận 1, 3, 4, 8, 10 và quận 12) cao hơn một bậc so với các quận, huyện còn lại. Đồng thời, phê bình nghiêm khắc các địa phương không triển khai thực hiện quản lý, thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè, để xảy ra các bất cập.

Ngoài ra, Sở GTCC đề xuất UBND TP chỉ đạo UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện nghiêm túc triển khai quy định về quản lý, thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố vào mục đích khác.

Công an TP.HCM, UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý kiên quyết, triệt để đối với các trường hợp lấn chiếm, sử dụng lòng đường, hè phố sai quy định, đặc biệt trên các tuyến đường đang triển khai thu phí theo danh mục, giấy phép được cấp.

NHƯ NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/1-nam-thu-phi-via-he-tphcm-ky-vong-thu-ve-1500-ti-thuc-te-chi-duoc-7-ti-post841228.html
Zalo