Hà Nội chủ động ứng phó ở các điểm 'nóng' dịch sốt xuất huyết

Dự báo tình hình sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp, Hà Nội đề ra loạt biện pháp chủ động phòng chống dịch từ sớm ngay từ cơ sở...

Đồng chí Nguyễn Huy Cường, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Huy Cường, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.

Chiều 6-5, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí thành phố tháng 5-2025. Đồng chí Nguyễn Huy Cường, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.

Dịch bệnh được kiểm soát

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đã thông tin về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong 4 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn thành phố.

Theo đó, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, chưa ghi nhận các trường hợp mắc dịch bệnh nguy hiểm như cúm A/H5N1, Mers-CoV... chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh Dại (3 ổ dịch dại trên động vật được kiểm soát, khống chế kịp thời);

Các dịch bệnh lưu hành như Sốt xuất huyết, Ho gà ghi nhận số mắc thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024; số mắc Sởi và Tay chân miệng có xu hướng gia tăng theo chu kỳ dịch hàng năm nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Cụ thể, số mắc bệnh Sởi có xu hướng gia tăng nhanh từ giai đoạn sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tuy nhiên hiện nay số mắc đã có xu hướng chững lại và bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ.

Tính đến hết ngày 25/4/2025, toàn thành phố ghi nhận 2.074 trường hợp mắc Sởi, 1 trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại tất cả các quận, huyện, thị xã nhưng tập trung chủ yếu ở các quận nội thành (chiếm 65,3%), một số đơn vị ghi nhận số mắc cao như Hoàng Mai (247), Nam Từ Liêm (235), Hà Đông (155), Đống Đa (116), Thanh Trì (111).

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng bệnh (chiếm 91%). Bệnh nhân ghi nhận chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi (chiếm 85% trong đó: nhóm dưới 6 tháng (12,3%); nhóm 6-8 tháng (14,4%); nhóm 9 - 11 tháng (9,1%); nhóm 1 - 5 tuổi (21,9%); nhóm 6 - 10 tuổi (13,8%); nhóm 11-15 tuổi (13,9%)). Hiện nay ghi nhận số mắc gia tăng ở nhóm từ 10 tuổi trở lên.

Bệnh Tay chân miệng đã ghi nhận 1.506 trường hợp mắc, chưa ghi nhận tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2024 (948 mắc, 0 tử vong). Bệnh nhân phân bố rải rác tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó chủ yếu ở nhóm trẻ ≤ 3 tuổi (95%); đã ghi nhận một số ổ dịch ở trường mầm non và cộng đồng, chưa ghi nhận ổ dịch phức tạp.

Các dịch bệnh khác: Sốt xuất huyết (223 mắc, số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2024: 592 mắc, 0 tử vong); Ho gà (13 mắc); Não mô cầu (01 mắc); Rubella (01 mắc); Liên cầu lợn (01 mắc); Uốn ván người lớn (10 mắc).

Phó Giám đốc Sở Y tế điểm qua các chiến dịch tiêm chủng vaccine Sởi thành phố đã triển khai và cho biết. Tỷ lệ trẻ em từ 1-5 tuổi được tiêm vaccine là 96,3%; trẻ em từ 6 tháng đến dưới 9 tháng đạt tiến độ 97,9%; trẻ em từ 1-10 tuổi đạt tỷ lệ 95,5%;

Dự kiến sẽ hoàn thành lần 1 trước ngày 30/4/2025 và hoàn thành lần 2 trước 15/5/2025 với việc tiêm vaccine Sởi cho học sinh từ 11-15 tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi tại các xã phường thị trấn nguy cơ cao và rất cao…

Phó Giám đốc Sở Y tế dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc Sởi (tuy nhiên số mắc sẽ giảm dần và thấp hơn so với giai đoạn 4 tháng đầu năm); có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp tử vong liên quan bệnh Sởi (trên nhóm đối tượng nguy cơ: người chưa được tiêm chủng, người có bệnh lý nền kèm theo).

Thời gian tới số mắc có thể gia tăng nhanh đối với bệnh Tay chân miệng và đạt đỉnh vào tháng 5 sau đó giảm dần (đỉnh dịch vào tháng 4 - 5 hàng năm); có thể ghi nhận thêm các ổ dịch trong trường mầm non, mẫu giáo nếu công tác vệ sinh khử khuẩn chủ động không được thực hiện tốt.

Phó Giám đốc Sở Y tế dự báo, sắp tới, có thể ghi nhận các trường hợp mắc dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như Cúm A/H5N1 và bệnh Dại nếu người dân không chủ động thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế; Các dịch bệnh khác như Ho gà, Não mô cầu, Liên cầu lợn... có thể tiếp tục ghi nhận các ca bệnh mới.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đã thông tin về tình hình dịch bệnh

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đã thông tin về tình hình dịch bệnh

Chủ động phòng dịch từ sớm

Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Giám đốc thông tin: UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan y tế, giáo dục phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine Sởi cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng thường xuyên và trẻ em thuộc đối tượng tiêm chủng Chiến dịch, đảm bảo đạt tiến độ theo yêu cầu đề ra.

Thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo và xảy ra các ổ dịch Sởi tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Kịp thời cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Sởi khi Bộ Y tế ban hành.

Tổ chức hoạt động tiêm chủng mở rộng hàng tháng đảm bảo an toàn, hiệu quả: rà soát tiền sử tiêm chủng để mời đi tiêm bổ sung càng sớm càng tốt. Các đơn vị tiêm chủng thuộc Bệnh viện tăng cường tiêm cho những đối tượng có chỉ định tiêm chủng, đặc biệt những đối tượng cần thực hiện mũi tiêm tại Bệnh viện.

Đặc biệt, ông Cương nhấn mạnh, tình hình Sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp. Từ đó, Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện tốt các hoạt động chủ động phòng bệnh trước mùa dịch: Chiến dịch truyền thông hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết 15/6, 100% các quận, huyện, thị xã thực hiện hưởng ứng phát động; tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, thả cá, phun hóa chất chủ động phòng bệnh tại các xã, phường trọng điểm, nhiều bệnh nhân hàng năm;

Đảm bảo mua sắm đủ hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy; máy phun các loại để không bị lúng túng, bị động khi có dịch xảy ra;

Thực hiện tốt công tác giám sát dịch (giám sát ca bệnh, giám sát trọng điểm, giám sát véc tơ, giám sát ổ dịch cũ...). Đặc biệt là giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để.

Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Huy Cường, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh cần đặc biệt quan tâm tới bệnh sốt xuất huyết. Từ đó, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy đề nghị Sở Y tế phải rà soát toàn bộ địa bàn điểm nóng về sốt xuất huyết năm 2024 để chủ động có biện pháp phòng chống trước.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy cũng lưu ý việc thực hiện chính quyền 2 cấp thì hệ thống trung tâm y tế, trạm y tế cần có sẵn phương án hoạt động thế nào, chỉ đạo ra sao để công việc hiệu quả nhất...

Phú Khánh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ha-noi-chu-dong-ung-pho-o-cac-diem-nong-dich-sot-xuat-huyet-post610951.antd
Zalo