04 kỳ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh

Mỗi kỳ đại hội là một mốc lịch sử quan trọng, khẳng định và tôn vinh công lao to lớn của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ và tầm nhìn trong thời gian tới thông qua Quyết tâm thư Đại hội.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nhất là trong thời kỳ đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh tiếp tục phát huy tốt truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc, hưởng ứng tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

Văn nghệ chào mừng Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trà Vinh lần thứ I năm 2009.

Văn nghệ chào mừng Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trà Vinh lần thứ I năm 2009.

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 08/5/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo Đại hội đại biểu các DTTS Việt Nam; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc về công tác tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh, Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công các kỳ đại hội đại biểu các DTTS. Mỗi kỳ đại hội là một mốc lịch sử quan trọng, khẳng định và tôn vinh công lao to lớn của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ và tầm nhìn trong thời gian tới thông qua Quyết tâm thư Đại hội.

Tiến tới Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trà Vinh lần IV năm 2024, diễn ra vào ngày 29/11/2024, xin thông tin 04 kỳ Đại hội như sau:

1. Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trà Vinh lần I giai đoạn 2009 - 2014

Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trà Vinh lần thứ I diễn ra vào ngày 17/12/2009.

Tham dự Đại hội có 340 đại biểu chính thức. Trong đó, thành phần dân tộc: 303 đại biểu dân tộc Khmer, 33 đại biểu dân tộc Hoa, 04 đại biểu dân tộc Chăm; giới tính: 274 đại biểu nam, 66 đại biểu nữ; độ tuổi: 79 đại biểu từ 18 - 45 tuổi, 261 đại biểu từ 45 tuổi trở lên, đại biểu cao tuổi nhất là 82 tuổi, đại biểu trẻ tuổi nhất là 29 tuổi; lĩnh vực ngành nghề: 101 đại biểu cán bộ công chức, 35 đại biểu viên chức sự nghiệp, 31 đại biểu cán bộ hưu trí, 19 đại biểu lực lượng vũ trang, 37 đại biểu chức sắc tôn giáo, 60 đại biểu cán bộ xã và ấp, 57 đại biểu sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực khác.

Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trà Vinh lần thứ I năm 2009.

Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trà Vinh lần thứ I năm 2009.

Báo cáo chính trị với chủ đề “Tổng kết phong trào thi đua yêu nước của các dân tộc thiểu số tỉnh Trà Vinh qua các thời kỳ cách mạng và tình hình thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh” đã khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các DTTS tỉnh Trà Vinh đã không ngại hy sinh, gian khổ, đoàn kết, một lòng tin Đảng, theo Đảng đi làm cách mạng với lý tưởng cao cả là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc. Qua 02 cuộc kháng chiến vệ quốc đã có hơn 2.300 liệt sĩ và hơn 800 thương binh là người DTTS, hàng nghìn gia đình đồng bào các DTTS được công nhận có công với nước. Trong xây dựng đất nước, đồng bào các DTTS khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu vươn lên.

Tuy nhiên do điều kiện lịch sử để lại, đời sống của đồng bào các DTTS còn nhiều khó khăn. Những năm qua, các Chương trình 135, 134 và các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng về các vùng có đông đồng bào các DTTS nhằm hỗ trợ đồng bào sản xuất, xây dựng nhà, làm giao thông nông thôn, xây dựng trường học, trạm y tế, đưa điện lưới, nước sinh hoạt hợp vệ sinh về vùng sâu vùng xa; nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS; thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc sống trên địa bàn.

Đến nay, đã có hơn 25.000 hộ gia đình các DTTS được hỗ trợ xây nhà; xây dựng 88 trạm cấp nước tập trung, lắp đồng hồ cho hơn 8.000 hộ, xây dựng gần 6.000 bể chứa nước và cấp hơn 2.000 bể chứa có dung tích 1,3m3 cho các hộ sống phân tán và tất cả các xã đều có đường xe ô-tô đến trung tâm xã, xe 02 bánh đến được từng nhà…

Những tác phẩm văn học nghệ thuật luôn gắn bó với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, các cơ sở tôn giáo, thờ tự của đồng bào được công nhận và bảo vệ theo quy định của Nhà nước. Công tác giáo dục và đào tạo luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, cơ sở vật chất hàng năm được tu sửa đầu tư xây dựng mới. Hệ thống chính trị được tập trung củng cố, kiện toàn và ngày càng có nhiều cán bộ là người DTTS tham gia vào bộ máy các cơ quan, ban, ngành các cấp; việc phát triển Đảng, tập hợp đồng bào các DTTS vào các tổ chức chính trị được chú trọng quan tâm.

Tại Đại hội, Ủy ban Dân tộc trao tặng 340 Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 16 tập thể và 35 cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc. Đại hội đã chọn cử 23 đại biểu chính thức và 02 đại biểu dự khuyết tham dự Đại hội đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ I năm 2010 tại Thủ đô Hà Nội.

2. Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trà Vinh lần II, giai đoạn 2014-2019

Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trà Vinh lần thứ II được tổ chức vào ngày 15/12/2014.

Tham dự Đại hội có 250 đại biểu chính thức; trong đó, thành phần dân tộc: 231 đại biểu dân tộc Khmer, 16 đại biểu dân tộc Hoa, 02 đại biểu dân tộc Chăm, 01 đại biểu dân tộc Mường; giới tính: 165 đại biểu nam, 85 đại biểu nữ; độ tuổi: 112 đại biểu từ 18 - 45 tuổi, 138 đại biểu từ 45 tuổi trở lên, đại biểu cao tuổi nhất 89 tuổi, đại biểu trẻ tuổi nhất 26 tuổi; lĩnh vực, ngành nghề: 122 đại biểu cán bộ công chức, 22 đại biểu viên chức sự nghiệp, 12 đại biểu lực lượng vũ trang, 15 đại biểu cán bộ hưu trí, 26 đại biểu chức sắc tôn giáo, 53 đại biểu sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực khác.

Toàn cảnh Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trà Vinh lần thứ II năm 2014.

Toàn cảnh Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trà Vinh lần thứ II năm 2014.

Báo cáo chính trị với chủ đề: “Trà Vinh phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh”.

Trong giai đoạn 2009 - 2014, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, sự lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, các cấp cùng với sự phấn đấu vươn lên của đồng bào các DTTS, kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào không ngừng phát triển; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.

Đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người từ 12.935.000 đồng/người/năm 2009 lên 27.588.000 đồng/người/năm 2014 (tăng gấp 02 lần); hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh, đời sống sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, học tập của Nhân dân không ngừng phát triển; mạng lưới thông tin truyền thông phát triển, tạo điều kiện để người dân nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, nâng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao được xây dựng và nhân rộng.

Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm trung bình hàng năm từ 3 - 3,5%, vùng đồng bào DTTS 04%. Trong 05 năm qua, đã giảm được 5.733 hộ nghèo dân tộc Khmer, từ 26.574 hộ năm 2009 chiếm 35,98% trong tổng số hộ Khmer xuống còn 20.841 hộ năm 2013 chiếm 24,65% so với tổng số hộ dân tộc Khmer toàn tỉnh.

Các giá trị văn hóa, đời sống tinh thần các đồng bào dân tộc được quan tâm bảo tồn, giữ gìn và phát huy; sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực luôn được các ngành, các cấp quan tâm, quy mô trường lớp ngày càng phát triển; sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe đồng bào được chú trọng, đội ngũ y, bác sĩ là người DTTS ngày càng tăng, chất lượng điều trị bệnh từng bước được nâng lên, bệnh dịch nguy hiểm được giám sát chặt chẽ; hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được củng cố vững mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS ổn định; khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, tăng cường.

Tại Đại hội, Ban Dân tộc tỉnh được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 02 tập thể và 07 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 03 tập thể và 05 cá nhân được Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen; UBND tỉnh tặng Bằng khen 15 tập thể và 47 cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc.

3. Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trà Vinh lần thứ III, giai đoạn 2019 - 2024

Ngày 01/11/2019 tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trà Vinh lần thứ III.

Tham dự Đại hội có 250 đại biểu chính thức; trong đó, thành phần dân tộc: 235 đại biểu dân tộc Khmer, 13 đại biểu dân tộc Hoa, 01 đại biểu dân tộc Chăm, 01 đại biểu dân tộc Mường; giới tính: 182 đại biểu nam, 68 đại biểu nữ; độ tuổi: 136 đại biểu từ 18 - 45 tuổi, 114 đại biểu từ 45 tuổi trở lên, đại biểu cao tuổi nhất 84 tuổi, đại biểu trẻ tuổi nhất 26 tuổi; lĩnh vực, ngành nghề: 138 đại biểu cán bộ công chức, 14 đại biểu viên chức sự nghiệp, 15 đại biểu lực lượng vũ trang, 31 đại biểu chức sắc tôn giáo, 31 đại biểu cán bộ hưu trí, 21 đại biểu sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực khác.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải trao Bằng khen tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trà Vinh lần thứ III năm 2019.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải trao Bằng khen tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trà Vinh lần thứ III năm 2019.

Báo cáo chính trị với chủ đề: "Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển". Nhằm cụ thể hóa nội dung các chương trình, chính sách, dự án, đề án dành cho vùng dân tộc thiểu số do các bộ, ngành Trung ương quản lý, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, bố trí kinh phí cho từng chương trình, chính sách, dự án, đề án cụ thể; tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình an sinh xã hội, dự án, đề án đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS.

Trong đó, Chương trình 135 đã đầu tư xây dựng 358 công trình; duy tu, bảo dưỡng 160 công trình; hỗ trợ thực hiện 326 dự án phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình cho 6.250 hộ đồng bào Khmer hưởng lợi… với tổng kinh phí hơn 282,4 tỷ đồng. Hơn 3.060 hộ Khmer nghèo trong tỉnh được hỗ trợ đất ở; 3.795 hộ được vay vốn để sản xuất và giải quyết việc làm.

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện kịp thời các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào về nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng giao thông, điện, y tế, giáo dục, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, kiến thức pháp luật… giúp bà con nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS nghèo của tỉnh giảm mạnh; tỷ lệ hộ khá, giàu tăng qua từng năm. Cụ thể, thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trong vùng đồng bào DTTS trong 03 năm (2016 - 2019) tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 11,58 % (đầu năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo DTTS là 22,62% (19.782 hộ) đến cuối năm 2018 giảm còn 11,04 % (10.090 hộ), bình quân mỗi năm giảm 3,86 %, tương đương 3.230 hộ).

Tại Đại hội, có 02 tập thể được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen cho 05 tập thể và 20 cá nhân; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 16 tập thể, 40 cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc.

Đại hội đã chọn cử 30 đại biểu chính thức và 04 đại biểu dự khuyết tham dự Đại hội đại biểu các DTTS toàn quốc lần thứ II năm 2020 tại Thủ đô Hà Nội.

4. Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trà Vinh lần IV, giai đoạn 2024-2029

Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trà Vinh lần thứ IV diễn ra vào ngày 29/11/2024.

Tham dự Đại hội có 250 đại biểu chính thức; trong đó, 227 đại biểu dân tộc Khmer, 21 đại biểu dân tộc Hoa, 01 đại biểu dân tộc Chăm, 01 đại biểu dân tộc Mường. Giới tính: 177 đại biểu nam, 73 đại biểu nữ; độ tuổi 86 đại biểu từ 18 - 45 tuổi, 164 đại biểu từ 45 tuổi trở lên, đại biểu cao tuổi nhất 85 tuổi, đại biểu trẻ tuổi nhất 29 tuổi. Lĩnh vực, ngành nghề: 128 đại biểu cán bộ công chức, 27 đại biểu viên chức sự nghiệp, 16 đại biểu lực lượng vũ trang, Chức sắc tôn giáo 28 đại biểu, 31 đại biểu cán bộ hưu trí, 20 đại biểu sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực khác.

Đại hội đại biểu các DTTS huyện Cầu Kè lần thứ IV năm 2024 đã chọn cử 18 đại biểu dự Đại hội cấp tỉnh (Trong ảnh: Đại biểu dự Đại hội cấp tỉnh ra mắt và hạ quyết tâm trước Đại hội). Ảnh: BTV

Đại hội đại biểu các DTTS huyện Cầu Kè lần thứ IV năm 2024 đã chọn cử 18 đại biểu dự Đại hội cấp tỉnh (Trong ảnh: Đại biểu dự Đại hội cấp tỉnh ra mắt và hạ quyết tâm trước Đại hội). Ảnh: BTV

Báo cáo chính trị với chủ đề:"Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát triển”.

Trong giai đoạn 2019 - 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển, kết cấu hạ tầng vùng dân tộc được quan tâm đầu tư; cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục được đầu tư xây dựng; phong tục tập quán tốt đẹp, lễ hội, tết truyền thống của đồng bào dân tộc được duy trì và phát huy; các khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ phát triển, thu hút đông đảo đồng bào dân tộc tham gia lao động, sản xuất; hệ thống chính trị vùng dân tộc được củng cố; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc được quan tâm và từng bước được chuẩn hóa, đảm bảo tính kế thừa; khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố; an ninh, trật tự trong vùng dân tộc được duy trì ổn định.

Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được phân bổ 751,391 tỷ đồng; vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 75 tỷ đồng. Qua đó, đã đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu 181 công trình; duy tu, bảo dưỡng 97 công trình; hỗ trợ đất ở 34 hộ, nhà ở 767 hộ, chuyển đổi nghề 510 hộ, nước sinh hoạt 418 hộ, và đầu tư xây dựng 03 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị 8 trường phổ thông dân tộc nội trú; hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức 132 cuộc tuyên truyền, 05 cuộc tọa đàm, xây dựng 04 mô hình điểm, cấp phát 9.900 cuốn Sổ tay (song ngữ Việt - Khmer), 106.200 tờ rơi tuyên truyền tổng quan về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh;

Ngoài ra, đầu tư xây dựng Cơ sở hỏa táng tập trung hiện đại tại huyện Tiểu Cần, với tổng kinh phí 41,917 tỷ đồng (ngân sách Trung ương); 02 nhà hỏa táng tại chùa Phnô Phring (xã Long Thới, huyện Tiểu Cầu) và chùa Phnô Anđét (xã Đa Lộc, huyện Châu Thành) với kinh phí 1,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Tại Đại hội, Ủy ban Dân tộc sẽ trao tặng 05 Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” và Bằng khen cho 01 tập thể, 05 cá nhân; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 16 tập thể và 50 cá nhân có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.

THẠCH NGỌC TRÍ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-tri/04-ky-dai-hoi-dai-bieu-cac-dan-toc-thieu-so-tinh-tra-vinh-41719.html
Zalo