YouTuber 'thực thi công lý' gây tai nạn chết người
Vụ việc tài xế tử vong trong cuộc rượt đuổi với một YouTuber dấy lên lo ngại về trào lưu làm nội dung kích thích đội lốt 'thực thi công lý' ở Hàn Quốc.
Theo đồn cảnh sát thành phố Gwangju, một người đàn ông 35 tuổi cầm lái chiếc BMW đã đâm vào một xe kéo chở xi măng đỗ gần trạm xăng ở quận Gwangsan vào khoảng 3h50 ngày 22/9.
Vụ va chạm khiến chiếc xe bốc cháy dữ dội và hư hại hoàn toàn. Tài xế bị thương nghiêm trọng, được đưa tới bệnh viện nhưng sau đó đã tử vong. Vụ tai nạn cũng gây thiệt hại về tài sản ước tính 13 triệu won (9.740 USD).
Cảnh sát nghi ngờ tài xế xe BMW khi đó chạy trốn khỏi một YouTuber chuyên làm nội dung truy đuổi các tài xế tình nghi say rượu lái xe. YouTuber đã bám theo tài xế và livestream cuộc rượt đuổi sau khi báo cảnh sát. Hai phương tiện khác - do người theo dõi kênh của YouTuber lái - được cho cũng truy đuổi tài xế xe BMW.
Cảnh sát đang điều tra vụ án và đã gọi YouTuber đến thẩm vấn.
"Chúng tôi sẽ xem xét mối liên quan giữa hành vi truy đuổi của YouTuber và vụ tai nạn", cảnh sát cho biết.
Trách nhiệm của YouTube
Toàn bộ cuộc rượt đuổi của YouTuber liên quan vụ tai nạn được phát trực tiếp trên kênh, hút hơn 400 người xem, nhưng nền tảng này đã không can thiệp. Một số chuyên gia chỉ trích YouTube khi cho phép phát sóng nội dung nguy hiểm như vậy, lập luận rằng nền tảng phải chịu trách nhiệm đáng kể cho thảm kịch vừa qua, theo Korea JoongAng Daily.
YouTuber A, tự nhận là "Cảnh sát trưởng Gwangju” và được nhiều người trên mạng biết tới với cái tên "Thợ săn tài xế say rượu". Người này thường xuyên tuần tra trên đường phố vào ban đêm, quay phim và đăng video về các cuộc rượt đuổi, chạm trán những tài xế bị nghi lái xe khi say rượu.
Hồi tháng 1, A đã ẩu đả với một tài xế say rượu trong một livestream, khiến cảnh sát phải vào cuộc điều tra. Dù vậy, người này vẫn tiếp tục phát trực tiếp các hoạt động của mình, dẫn tới vụ tai nạn chết người mới đây. Kênh YouTube của người này có hơn 70.000 người đăng ký và hơn 800 video.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng những người tự ý thực hiện các hành động pháp luật như A là bất hợp pháp.
Lee Yoon-ho, giáo sư khoa Quản lý cảnh sát tại Đại học Dongguk, chỉ ra ngày càng có nhiều người làm nội dung dạng "thực thi pháp luật" hay "trả thù" trên YouTube do độ hút view đáng kể, từ đó thu lợi lớn. Xu hướng này dẫn tới việc thực hiện các nội dung ngày càng giật gân và nguy hiểm.
Đáng lo ngại
Khi lượt xem tạo ra thu nhập, mức độ nghiêm trọng của những cái gọi là nội dung "thực thi công lý" ngày càng tăng. Hồi tháng 5, một YouTuber ngoài 50 tuổi đã livestream cảnh mình đâm một YouTuber khác gần tòa án quận Busan. Toàn bộ hành động bạo lực, bao gồm cả tiếng hét của nạn nhân, được phát sóng mà không có bất kỳ sự kiểm duyệt nào từ YouTube.
Phạm vi của những nội dung tương tự cũng đang mở rộng ở Hàn Quốc. Một YouTuber thậm chí từng thu hút sự chú ý bằng cách đăng video báo cáo tội phạm ma túy cho cảnh sát, tham gia các cuộc rượt đuổi bằng ôtô nguy hiểm trong thành phố để ghi lại các cuộc chạm trán. Gương mặt của những người qua đường chứng kiến được công khai rõ ràng trong các livestream.
Trong một số trường hợp, các YouTuber kiếm view bằng cách tiết lộ thông tin cá nhân của người có liên quan trong các vụ việc được quan tâm. Ví dụ, một YouTuber từng tiết lộ danh tính những người liên quan đến "Vụ hiếp dâm tập thể Miryang năm 2004". Người này nhầm một phụ nữ không liên quan là bạn gái của một trong các thủ phạm, khiến cô bị nhiều dân mạng tấn công. YouTuber này sau đó bị buộc tội phỉ báng và nhiều tội danh khác.
Các chuyên gia cảnh báo rằng các dạng nội dung như YouTuber truy đuổi và trừng phạt người tình nghi phạm tội có thể kích động sự khao khát trả thù trong người xem và làm suy yếu lòng tin của công chúng vào lực lượng thực thi pháp luật.
"Hiến pháp Hàn Quốc không trao cho bất kỳ cá nhân nào quyền trừng phạt người khác. Thật không may khi khái niệm 'thực thi công lý' đang bị khai thác như một phương tiện để tăng lượt xem trên YouTube", giáo sư Lee Yoon-ho nhận xét.