YouTube - Gương phản chiếu dư luận và quyền lực tại Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, Youtube được đánh giá là mạng xã hội có sức ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thứ 4 châu Á này. Không chỉ tác động về các lĩnh vực giải trí, văn hóa, Youtube đang có những tác động khó lường đối với một nền chính trị khá 'nhạy cảm' tại Đông Á.
YouTube được xem có mức độ thâm nhập cao tại thị trường Hàn Quốc. Theo Statista, một trang web thống kê dữ liệu thị trường và người tiêu dùng, tính đến tháng 1/2023, Hàn Quốc có tới hơn 46 triệu người dùng YouTube – chiếm hơn 90% dân số.
Trong khi đó, theo báo cáo năm 2023 của Korea Press Foundation, khoảng 53% người Hàn Quốc cho biết họ nhận tin tức từ YouTube, tăng cao hơn mức 24% vào năm 2016, cũng như cao hơn mức trung bình 30% ở các quốc gia khác.
Theo một cuộc khảo sát năm 2018 của tờ báo Chosun Ilbo, 70% người tham gia biểu tình cánh hữu cho biết YouTube là nguồn tin tức chính của họ. Trong khi đó, nghị sĩ Kim Sang-wook của PPP ủng hộ việc luận tội Tổng thống Yoon trong tháng này, cho biết những người dùng YouTube cánh hữu đã trở thành cỗ máy quan hệ công chúng của ông Yoon.
Hiện nay, hầu hết các kênh truyền thông truyền thống hiện nay của Hàn Quốc đều có kênh YouTube riêng. Bên cạnh đó các phe nhóm chính trị cũng có kênh Youtube riêng, trong đó nổi lên là kênh cánh hữu Tubeshin và kênh cánh tả Newstapa – thu hút hàng triệu người theo dõi.
Sức ảnh hưởng ngày càng lớn của YouTube đã được chứng minh trong cuộc bầu cử năm 2022, khi Tổng thống Yoon - khi đó là ứng cử viên của Đảng Quyền lực Nhân dân – đã phải chứng kiến mức độ ảnh hưởng sau màn thể hiện được đánh giá là không mấy ấn tượng trong cuộc phỏng vấn trên Youtube vào ngày Giáng sinh với 3ProTV.
Ngay sau đó, một cuộc khảo sát của Gallup cho thấy ông Yoon bị giảm 8% mức độ ủng hộ. Trước chương trình, ông được đánh giá là đang có sự cạnh tranh quyết liệt, ngang ngửa với đối thủ Lee Jae-myung từ Đảng Dân chủ Hàn Quốc (lúc đó là đảng cầm quyền).
Ngoài ra, ảnh hưởng của cả kênh cánh hữu và cánh tả cũng đã được thể hiện trong các phong trào chính trị trong giai đoạn giữa năm 2023. Các kênh Youtube cánh hữu đã thúc đẩy các cuộc biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Park Geun-hye sau khi bà bị luận tội vào năm 2017 vì bê bối tham nhũng. Những kênh này cũng ủng hộ các cuộc biểu tình bên ngoài vị Tổng thống kế nhiệm là ông Moon Jae-in. Trong khi đó, các kênh cánh tả đã ủng hộ các cuộc biểu tình phản đối bên ngoài nhà của Tổng thống Yoon đương nhiệm.
Vào năm 2022, khi được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử sít sao nhất trong lịch sử Hàn Quốc, ông Yoon đã mời các nhà hoạt động và người bình luận trên Youtube đến lễ nhậm chức của mình.
Youtuber Ko Sung-kook - điều hành kênh Youtube “Kosungkook TV” với 1,1 triệu người đăng ký, cho rằng: "Nếu Tổng thống Yoon Suk Yeol lắng nghe kỹ tiếng nói của những người dùng YouTube, ông ấy có thể hiểu được suy nghĩ thực sự của người dân, hiểu được tình cảm của những người ủng hộ tổng thống".
Đây là một trong những kênh Youtube ủng hộ ông Yoon cũng như việc ban hành thiết quân luật vừa qua. Anh Ko cũng đã tham dự một cuộc biểu tình ở Seoul cùng với hàng chục nghìn người ủng hộ Tổng thống Yoon vừa qua.
Tuy nhiên, Lãnh đạo đảng cầm quyền PPP Han Dong-hoon – người mới thông báo từ chức vào sáng ngày 16/12 đã đổ lỗi cho truyền thông tại Hàn Quốc đã gây chia rẽ trong nội bộ đảng mình.
Ông Han Dong-hoon lên tiếng cảnh báo rằng những thông tin các kênh Youtube đang tạo ra có tác động lớn chính đảng của ông khi đang tạo ra những thuyết âm mưu hoặc những nội dung mang tính chất cực đoan. Việc nghe theo những thông tin trên sẽ khiến cho các thành viên trong PPP đối mặt với nỗi ám ảnh vì sợ hãi hoặc khiến cho PPP không có “tương lai”.
Theo một số nguồn tin, chính việc quá quan tâm đến các nội dung trên Youtube đã khiến Tổng thống Yoon mắc sai lầm. Một chuyên gia viết bài cho tờ JoongAng Ilbo nói rằng: "Nếu bạn nghiện YouTube, bạn sẽ rơi vào thế giới ảo tưởng bị chi phối bởi các thuyết âm mưu... Tổng thống Yoon đã xem quá nhiều YouTube".