Tổng giám đốc Tập đoàn Bamboo Capital chia sẻ về chiến lược M&A
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Tổng giám đốc Tập đoàn Bamboo Capital, lựa chọn đối tác phù hợp là yếu tố sống còn trong các thương vụ M&A. Điều này không chỉ quyết định sự thành công của giao dịch, mà còn định hình nền tảng hợp tác lâu dài.
Trong 3 quý của năm 2024, các nhà đầu tư trong nước đóng vai trò chính trong thị trường M&A Việt Nam. Ông nhìn nhận thế nào về xu hướng này?
Việc các nhà đầu tư trong nước chiếm 53% tổng giá trị giao dịch M&A trong 3 quý của năm 2024 là một bước tiến vượt bậc, phản ánh sự lớn mạnh cả về năng lực tài chính lẫn chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước ngày càng chứng minh sự nhạy bén và chuyên nghiệp trong việc nắm bắt cơ hội M&A, nhất là trong các ngành mũi nhọn như bất động sản khu công nghiệp, năng lượng sạch và sản xuất.
Điều này cũng thể hiện sự cải thiện của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Chính sách của Chính phủ, bao gồm cải cách hành chính, khuyến khích đầu tư trong nước và quốc tế, cải thiện môi trường pháp lý, đã tạo ra một nền tảng thuận lợi cho các giao dịch M&A, giúp nhà đầu tư trong nước dễ dàng hơn trong việc tham gia các thương vụ lớn và mở rộng quy mô hoạt động.
Thời gian qua đã chứng kiến nhiều thương vụ lớn được công bố, nhưng để chọn những đối tác phù hợp, tạo thêm giá trị gia tăng cho nhau không phải điều đơn giản. Ông có thể chia sẻ về chiến lược quản lý rủi ro và hòa hợp văn hóa, đặc biệt trong M&A?
Lựa chọn đối tác phù hợp là yếu tố sống còn trong các thương vụ M&A, khi mà bên mua chỉ sở hữu một phần cổ phần hoặc hai bên sẽ xây dựng mô hình đồng sở hữu.
Tại Bamboo Capital, chúng tôi nhận thấy, sự tương đồng về tầm nhìn chiến lược, mục tiêu phát triển và giá trị cốt lõi giữa các bên là điều kiện tiên quyết. Đây là nền tảng để tạo dựng niềm tin và còn là động lực để các bên cùng hướng tới những mục tiêu lớn hơn.
Thực tế, một thương vụ M&A chỉ bền vững khi mọi thỏa thuận ngay từ đầu được xây dựng trên cơ sở minh bạch, rõ ràng, bao gồm định hướng dự án, mô hình tài chính, phân định rõ quyền lợi cũng như trách nhiệm của từng bên. Sự minh bạch này sẽ giúp hạn chế tối đa mâu thuẫn phát sinh và thiết lập một lộ trình hợp tác hiệu quả.
Một yếu tố không thể thiếu là việc định giá doanh nghiệp/dự án một cách khách quan và hợp lý. Đây không chỉ là phép thử cho sự công bằng giữa các bên, mà còn đảm bảo rằng bên mua và bên bán đều đạt được lợi ích hài hòa, từ đó thúc đẩy sự hợp lực dài hạn.
Sau khi hoàn tất giao dịch, việc theo dõi và đánh giá liên tục về tiến trình hòa nhập văn hóa và chiến lược là rất quan trọng. Các chỉ số hiệu suất cần được thiết lập để đảm bảo rằng mục tiêu M&A đang được thực hiện đúng cách và có sự điều chỉnh kịp thời nếu cần thiết.
Câu chuyện hợp lực bền vững hậu M&A nói thì dễ, nhưng làm được lại rất khó. Vậy Bamboo Capital đã chuẩn bị những gì để tự tin thực hiện các thương vụ M&A?
M&A không chỉ là bài toán về tài chính hay chiến lược, mà còn là sự hòa hợp về văn hóa doanh nghiệp - một thách thức thường bị đánh giá thấp. Tại Bamboo Capital, tôi đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng mối quan hệ hợp tác dựa trên sự thấu hiểu và chia sẻ giá trị.
Đối với các thương vụ quốc tế, chúng tôi ngoài việc giúp đối tác nước ngoài nắm bắt rõ các quy định pháp lý tại Việt Nam, còn phối hợp cùng các đơn vị tư vấn để thiết kế mô hình giao dịch phù hợp, đảm bảo sự hài hòa giữa hai nền văn hóa tổ chức.
Những người lãnh đạo cần thể hiện cam kết với việc hòa hợp văn hóa và tạo ra một môi trường làm việc tích cực, nơi mà các giá trị chung được tôn trọng và thúc đẩy. Họ cần đảm bảo rằng, các nhân viên đều cảm thấy có tiếng nói và tham gia vào quá trình hòa nhập này.
Các bên tham gia nên xây dựng một kế hoạch chi tiết về cách thức hòa nhập văn hóa, bao gồm cả việc tạo ra các chương trình đào tạo và giao lưu giữa các nhân viên của hai bên. Điều này giúp giảm thiểu xung đột và tăng cường sự đồng thuận trong đội ngũ.
Ông đánh giá thế nào là một thương vụ M&A thành công?
Trong lĩnh vực M&A, thành công không chỉ dừng lại ở việc hoàn tất giao dịch hay ký kết hợp đồng, mà nằm ở khả năng hiện thực hóa giá trị sau đó. Với các thương vụ mà bên mua chiếm quyền kiểm soát hoặc sở hữu hoàn toàn doanh nghiệp, việc “close deal” có thể được coi là một dấu mốc quan trọng.
Tuy nhiên, đó chỉ là bước khởi đầu. Thành công thực sự được đo lường bằng việc doanh nghiệp mua lại có kinh doanh hoặc triển khai dự án được M&A lại hiệu quả hay không.
Một thương vụ M&A thực sự thành công phải đảm bảo các bên đạt được mục tiêu chiến lược chung, hai bên cùng thấu hiểu và đồng lòng hợp tác với nhau để tối ưu hóa nguồn lực, cùng nhau thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, định hướng lại chiến lược phát triển và triển khai các mô hình kinh doanh mới hiệu quả.