Yếu tố quyết định thành công

Trải qua 75 năm xây dựng, phát triển, nhất là sau hơn 28 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định và nâng cao vị thế trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, trong đó, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh là yếu tố quyết định đem lại thành công đó.

Là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, cách mạng, trong suốt chiều dài lịch sử, thời kỳ nào Vĩnh Phúc cũng có những đóng góp to lớn vào trang sử hào hùng của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã kiên cường, anh dũng, cùng với nhân dân cả nước giành độc lập - tự do cho Tổ quốc. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân Vĩnh Phúc luôn thể hiện tinh thần cần cù, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống…

Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 (VPIC1), Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên đầu tư máy móc hiện đại, phục vụ sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy... cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Trường Khanh

Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 (VPIC1), Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên đầu tư máy móc hiện đại, phục vụ sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy... cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Trường Khanh

Xuất phát từ yêu cầu phát triển của cách mạng, ngày 12/2/1950, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03 hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên để thành lập tỉnh Vĩnh Phúc. Sau đó, ngày 26/1/1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504 hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú.

Sau gần 29 năm hợp nhất, tháng 11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ban hành nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/1997.

Trên cơ sở thực tiễn sau khi tái lập tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 1997-2000) xác định phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đó là: Đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, nhất là đối với công nghiệp, sớm thoát khỏi tình trạng kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định, vững chắc sau năm 2000, thu hẹp khoảng cách so với bình quân chung của cả nước.

Chuyển nền kinh tế theo hướng cơ cấu công nghiệp - nông nghiệp và dịch vụ. Kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa xã hội, giải quyết tốt hơn việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Giữ vững chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tăng cường an ninh, quốc phòng...

Để thực hiện thành công mục tiêu đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch, chương trình hành động, trong đó, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, mang tính đột phá nhằm thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển…

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, từ một tỉnh nghèo, thuần nông, thu ngân sách chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng, thu nhập đầu người bằng 48% bình quân chung cả nước... đến nay, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và thu hút đầu tư. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh qua các giai đoạn luôn đạt ở mức cao.

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,52%, cao hơn bình quân chung của cả nước; giá trị thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 141 triệu đồng/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 31.000 tỷ đồng, thu nội địa đạt hơn 26.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã có 9 khu công nghiệp đi vào hoạt động và 3 khu công nghiệp đang triển khai xây dựng, hứa hẹn sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh đã và đang được đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng, tạo động lực cho phát triển kinh tế. Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được chú trọng triển khai. Đến nay, toàn tỉnh đã có 4/9 huyện, thành phố hoàn thành chương trình xây dựng NTM; có 42 xã đạt NTM nâng cao trên tổng số 100% xã đạt chuẩn NTM, 1 huyện đạt NTM nâng cao…

Diện mạo nông thôn mới kiểu mẫu xã Liên Châu (Yên Lạc) ngày một khang trang. Ảnh: Trường Khanh

Diện mạo nông thôn mới kiểu mẫu xã Liên Châu (Yên Lạc) ngày một khang trang. Ảnh: Trường Khanh

Cùng với với đẩy mạnh phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc luôn quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế gắn với thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân…

Hệ thống nhà văn hóa xã và các thôn dân cư đã được xây dựng đồng bộ, khang trang phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân. Cơ sở vật chất trường học được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục ngày càng được chú trọng nâng cao và luôn đứng trong tốp đầu của cả nước.

Hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được đầu tư đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, 100% trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên trên toàn tỉnh được miễn học phí.

100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công, hộ nghèo, cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu khó khăn về nhà ở; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm còn 0,44%…

Công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05, Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên giai đoạn 2013-2020 và giai đoạn 2021-2025.

Chú trọng nâng cao công tác cán bộ, xác định đây là khâu đột phá nhằm phát huy vai trò, năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng… Phương thức lãnh đạo của Đảng thường xuyên được đổi mới; công tác phát triển tổ chức Đảng và kết nạp đảng viên được quan tâm thực hiện tốt.

Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp được nâng lên; công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số chuyển biến tích cực.

Xác định năm 2025 là năm “tăng tốc, bứt phá” thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp mang tính đột phá nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, thực hiện hiệu quả việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương với phương châm “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.

Tập trung chỉ đạo tổ chức thành công đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Từ đó, tạo tiền đề đưa Vĩnh Phúc vươn tầm phát triển trong kỷ nguyên mới.

Phát huy những thành quả đã đạt được sau 75 năm thành lập, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng giàu mạnh như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm tỉnh vào năm 1963: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.

Ngô Tuấn Anh

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/123546//yeu-to-quyet-dinh-thanh-cong
Zalo