Yếu tố chính trị tinh thần của người lính quyết định kết quả tác chiến trên chiến trường

Những năm gần đây, thế giới đã diễn ra nhiều cuộc chiến tranh công nghệ cao. Theo đó, các nước tham chiến đều sử dụng những vũ khí hiện đại với độ chính xác gần như tuyệt đối. Từ đó, nhiều người đưa ra quan điểm cho rằng, trong chiến tranh hiện đại, bên nào có vũ khí trang bị hiện đại hơn thì bên đó sẽ giành được chiến thắng. Cũng từ luận điểm này, các đối tượng ra sức tung hô, khuếch trương sức mạnh của vũ khí, trang bị, hạ thấp vai trò của nhân tố chính trị, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ quân đội. Vậy sự thực của quan điểm này là gì? Vũ khí, trang bị có phải là yếu tố quyết định đến thắng lợi trong chiến tranh? Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Bôn, nguyên Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương để làm rõ hơn về vấn đề này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Bôn. Ảnh: Diệp Chi

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Bôn. Ảnh: Diệp Chi

- Thưa ông, nói về vai trò và sức mạnh của nhân tố chính trị tinh thần, Lênin đã đưa ra luận điểm cho rằng, trong mọi cuộc chiến tranh thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần và trạng thái của người cầm súng trên chiến trường. Gần đây, chúng ta chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh công nghệ cao với nhiều loại vũ khí thông minh, giảm thiểu tối đa sự tiếp xúc, đối mặt của binh lính trên chiến trường. Vì vậy, nhiều người cho rằng, chiến tranh hiện đại thắng lợi sẽ phụ thuộc vào bên nào có vũ khí trang bị hiện đại hơn. Vậy theo ông, luận điểm mà Lênin đưa ra có còn đúng trong chiến tranh công nghệ cao hiện nay?

- Theo suy nghĩ của tôi, câu nói của Lênin đã đúng, đang đúng và còn đúng cho đến mãi mãi sau này. Càng trong chiến tranh công nghệ cao thì càng đòi hỏi vai trò của người lính, vai trò tinh thần người chiến sĩ. Vũ khí dù hiện đại đến đâu chăng nữa, nhưng người lính mà không có tinh thần chiến đấu, không có tinh thần dũng cảm, xả thân vì nước thì vũ khí không phát huy tác dụng được. Xét cho cùng, vũ khí có phát huy tác dụng được hay không, yếu tố quyết định là con người. Đó là ý chí, là bản lĩnh, khả năng nắm vững khoa học kỹ thuật của người lính. Tôi nghĩ, càng trong chiến tranh công nghệ cao, vũ khí càng hiện đại thì vai trò con người càng nổi bật hơn bao giờ hết.

- Như vậy, yếu tố chính trị tinh thần là rất quan trọng và mang tính quyết định trong chiến tranh. Nhưng nếu chỉ có tinh thần thì có lẽ là chưa đủ, vì người lính không thể đem giáo mác, gậy tầm vông để đối phó với máy bay, tàu chiến, tên lửa tinh khôn, hiện đại...

- Ở đây không có nghĩa ta phủ định vai trò của khoa học kỹ thuật. Sức mạnh của bộ đội là sự kết hợp cả vũ khí, trang bị và con người. Con người ở đây là ý chí, là yếu tố chính trị tinh thần. Và con người có cả yếu tố nắm vững khoa học kỹ thuật nữa. Có nắm vững khoa học kỹ thuật thì mới phát huy được vai trò của yếu tố chính trị tinh thần. Cho nên, nói như thế hoàn toàn không có nghĩa chúng ta phủ định vai trò của khoa học, kỹ thuật; phủ định vai trò của vũ khí, trang bị hiện đại. Nhưng trong tương quan giữa con người và vũ khí, giữa yếu tố chính trị tinh thần và vũ khí, trang bị, thì yếu tố chính trị tinh thần, yếu tố bản lĩnh chính trị, ý chí của người lính vẫn là trên hết.

- Nói về nhân tố chính trị tinh thần thì nội hàm của nó rất rộng. Vậy ông có cho rằng, tinh thần yêu nước là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để chúng ta giành được thắng lợi trước những thế lực ngoại bang xâm lược hùng mạnh hơn chúng ta rất nhiều lần?

- Rõ ràng như thế. Chúng ta thắng được Pháp, thắng Mỹ, thắng Nguyên Mông trước đây. Trong 1.000 năm, chúng ta thắng được các đội quân lớn hơn chúng ta về mặt số lượng, trang bị hiện đại hơn, cũng như sau này, chúng ta thắng Pháp, thắng Mỹ cũng thế. Từ gậy tầm vông, giáo mác mà chúng ta thắng Pháp. Từ vũ khí thô sơ chông tre, chúng ta thắng Mỹ. Do đó, tôi nghĩ, tinh thần yêu nước là trên hết. Không có tinh thần yêu nước thì không thể có lòng dũng cảm, không thể có sự xả thân vì sự nghiệp cách mạng, vì đất nước được. Tinh thần yêu nước nằm trong yếu tố chính trị tinh thần, chứ không ở ngoài yếu tố chính trị tinh thần. Chúng ta vừa nhấn mạnh vai trò của yếu tố chính trị tinh thần, trong đó còn lòng yêu nước. Lòng yêu nước là một thành tố của yếu tố chính trị tinh thần, cộng với giác ngộ chính trị, cộng với yếu tố nắm vững khoa học kỹ thuật, thì lòng yêu nước là một thành tố quan trọng hàng đầu trong yếu tố chính trị tinh thần.

- Tinh thần yêu nước của dân tộc, ý chí và bản lĩnh của bộ đội chỉ có thể được phát huy cao độ khi chúng ta có Đảng lãnh đạo. Và đây là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định đến những thắng lợi của cách mạng Việt Nam...

BĐBP Cao Bằng tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho chiến sĩ mới, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bộ đội trong xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc. Ảnh: Hoàng Thu

BĐBP Cao Bằng tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho chiến sĩ mới, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bộ đội trong xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc. Ảnh: Hoàng Thu

- Đúng vậy, những thắng lợi của chúng ta trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nhân tố hàng đầu mang tính quyết định chính là sự lãnh đạo của Đảng. Dân tộc ta có lòng yêu nước nồng nàn. Trước khi Đảng ra đời, có biết bao nhiêu sĩ phu yêu nước, tinh thần dũng cảm có thừa, lòng yêu nước cũng không kém, nhưng không đưa sự nghiệp chống ngoại xâm đến thắng lợi được như nhà yêu nước Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu... Nguyên nhân là do họ không có đường lối đúng đắn, cho nên không phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Đảng ta có đường lối đúng, phát huy sức mạnh của toàn dân, không những là nhân dân trong nước, mà còn cả nhân dân thế giới vào cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nên mới đưa đến thắng lợi như vậy. Một dân tộc đất không rộng, người không đông, vũ khí trang bị thô sơ, chúng ta thắng được những đội quân nhà nghề.

Yếu tố hàng đầu vẫn là vai trò lãnh đạo của Đảng. Đường lối đúng đắn của Đảng phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cho nên chúng ta có cơ sở phản bác lại những quan điểm cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có thể lãnh đạo được dân tộc trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, còn hiện nay không đủ khả năng để lãnh đạo xây dựng đất nước, lãnh đạo quân đội trong thời kỳ mới. Tôi cho đấy là quan điểm của các thế lực phản động, thù địch, muốn phản bác vai trò lãnh đạo của Đảng, muốn phủ định sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Như trên đã nói, một vài cuộc chiến tranh công nghệ cao diễn ra gần đây, các bên tham chiến đều tung hô, khuếch trương những tính năng thông minh và sức công phá hủy diệt của các loại vũ khí hiện đại. Điều này cũng có những tác động nhất định đến suy nghĩ, nhận thức và tư tưởng của bộ đội. Vậy theo ông, điều này đặt ra những yêu cầu như thế nào trong công tác giáo dục bộ đội hiện nay?

- Ở đây chúng ta phải chú ý, trước hết là giáo dục bản lĩnh của người chiến sĩ. Mặc dù vũ khí, trang bị hiện đại đến đâu chăng nữa, nhưng nếu không có mục tiêu lý tưởng chiến đấu đúng đắn, thì vũ khí, trang bị cũng không phát huy được. Cho nên nhân tố hàng đầu vẫn là giáo dục mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, lòng yêu nước. Và trên cơ sở đó, người lính có đủ bản lĩnh, đủ lòng tin vào cuộc kháng chiến, vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù kẻ thù có thể có vũ khí hiện đại, nhưng nếu bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, của dân tộc Việt Nam, thì người lính vẫn vững vàng. Trước kẻ thù, người lính sẽ không dao động, không nao núng tinh thần.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Diệp Chi (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/yeu-to-chinh-tri-tinh-than-cua-nguoi-linh-quyet-dinh-ket-qua-tac-chien-tren-chien-truong-post485417.html
Zalo