Yêu thương lắm 'Kolia - miền nhớ'
Cao Bằng là nơi khởi nguồn cách mạng với địa danh hang Pác Bó, núi Các Mác, suối Lê-nin, khu rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích Địa điểm chiến thắng Chiến dịch Biên giới 1950. Cùng với những danh lam thắng cảnh thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén… Đặc biệt, khu du lịch sinh thái Kolia đã làm thay đổi diện mạo một vùng đất, trở thành mô hình nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái hấp dẫn du khách. Nơi đây, nhiều văn nghệ sĩ đến tham quan, trải nghiệm và cho ra đời những tác phẩm văn học, nghệ thuật tâm đắc.
Có ai đó từng nói: “Cái còn lại của văn hóa là văn học, nghệ thuật”. Những công trình kiến trúc, công trình văn hóa, những tác phẩm văn học, nghệ thuật cùng tổng hòa những phong tục, tập quán địa phương đã xác định tên tuổi một vùng đất, thương hiệu, tầm vóc của một dân tộc, di sản một quốc gia. Giàu bản sắc nhưng phải văn hóa mới khiến người ta yêu mến và kính trọng, mới xứng tầm vóc để xác lập giá trị. Phja Oắc - Phja Đén và thương hiệu Kolia là một địa danh như vậy. Từ vùng đất hoang sơ mây ngàn, gió núi, Kolia nay đã trở thành địa chỉ tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái nổi tiếng khiến du khách không thể bỏ qua mỗi khi đến với non nước Cao Bằng. Kolia là một từ khóa hàng đầu trong công cụ tìm kiếm trên các nền tảng mạng xã hội của du khách khắp nơi trong nước, quốc tế và thiên nhiên hữu tình, con người mộc mạc chân tình nơi đây lay động tới các cung bậc cảm xúc của người nghệ sĩ. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật tâm đắc của các văn nghệ sĩ viết về nơi này đã ra đời. Và tập sách “KOLIA - Miền nhớ” đã minh chứng điều đó. Cuốn sách do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành.
Để có được cuốn sách này, trước hết là công lao của anh chị em văn nghệ sĩ có tác phẩm về Kolia, là ban biên tập nhiệt tình, trách nhiệm, kết nối, tập hợp bài vở, biên tập, tổ chức bản thảo, xin giấy phép và in ấn. Đặc biệt là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Kolia, doanh nhân, cựu chiến binh Hoàng Mạnh Ngọc tài trợ kinh phí, cung cấp ảnh nghệ thuật và tham gia hội đồng biên tập. Cuốn sách là kết quả việc ký kết chương trình giao lưu, phối hợp tổ chức các hoạt động văn học, nghệ thuật giữa 3 đơn vị: Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật thành phố Hải Phòng, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Cuốn sách được xúc tiến từ cuối tháng 3/2024, nhóm biên soạn được thành lập gồm 7 người: Nhà báo Nguyễn Việt Hùng (Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh), các nhà văn Chu Sĩ Liên, Đoàn Ngọc Minh, doanh nhân Hoàng Mạnh Ngọc, nhà thơ Vũ Trọng Thái (Hải Phòng), nhà văn Phạm Thanh Khương (Hà Nội) và Đỗ Xuân Thu (Phú Thọ), nhạc sĩ Phạm Quốc Phòng…
Sau gần 4 tháng tất bật, khẩn trương, tuyển tập “KOLIA - Miền nhớ” chính thức ra mắt với diện mạo đẹp và rất sâu sắc. Sau lời giới thiệu là 4 phần chính của cuốn sách, đó là thơ của 15 tác giả với 40 bài thơ các thể loại, văn xuôi của 5 tác giả với 8 tác phẩm (trong đó có 1 truyện ngắn và 7 bút ký văn học), nhạc của 4 nhạc sĩ với 6 ca khúc vừa phổ thơ của các nhạc sĩ sáng tác; có 35 tác phẩm ảnh cựu chiến binh, nghệ sĩ Hoàng Mạnh Hùng.
Các tác giả có tác phẩm trong sách đến từ nhiều tỉnh như: Yên Bái, Tuyên Quang, Hải Phòng, Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Cao Bằng, trong đó nhiều nhất là Cao Bằng và Hải Phòng. Có tác giả tham gia cả 2 thể loại (văn và thơ hoặc thơ và ảnh). Từ khóa của các tác phẩm trong tập sách là Phja Oắc - Phja Đén, Kolia. 33 lần các địa danh này được lấy làm tiêu đề cho 54 tác phẩm văn, thơ. Ấy là chưa kể tên Nguyên Bình cũng được 4 lần nhắc đến trong tiêu đề tác phẩm. Điều này chứng tỏ vùng đất Nguyên Bình ấn tượng đến chừng nào.
Có rất nhiều câu thơ để lại ấn tượng cho người biên tập: “Chiều chậm buông bạn rót ly đầy/Sương bả lả rơi/Gió xào xạc thổi/Cùng nâng Phja Đén ngang trời” (Phạm Thanh Khương); “Vệt bàn chân rơi xuống cỏ lặng im/Cỏ gầy guộc nhuốm xanh hoàng hôn vắng/Em không tìm anh trên bình nguyên hoang vắng/Em giấu anh vào giọt nắng hoàng hôn xanh” (Phan Mai Hương); “Phja Đén trong mây chát ngọt hương trà/Vị xuân thắm, bàn tay thon nâng hái/Em hồn hậu và tôi mê mải/Say đất, say người, lạc trong mắt em trong” (Nguyễn Hải Yến); “Trúc xanh ken triệu dáng gầy/Em như sợi nắng buộc ngày hoang vu” (Lê Na); “Phja Đén chiều mưa vân vi/Rượu thơ bên lều nghinh gió/Em gom hoàng hôn dang dở/Trải vào mấy gió trùng dương” (Đoàn Ngọc Minh); “Mây vần vũ vịn mùa xuân nở/Em vịn nỗi nhớ anh vào Phja Đén” (Phạm Quỳnh Loan); “Chim queng quý khắc khoải để tôi nghe/Khi chiều buông, tiếng chim tìm gọi bạn/Em đi rồi, còn trong tôi khoảng lặng/Chỉ hương trà thơm thơm đến tận bây giờ” (Vũ Trọng Thái)…
Còn rất nhiều những câu thơ, đoạn thơ ấn tượng nữa không thể trích dẫn ra hết trong bài viết này. Chỉ thế thôi cũng cho thấy các bài thơ trong tập thơ được nhóm biên soạn chọn lựa đều chất lượng, đầy ắp tình yêu với Kolia nói riêng và Non nước Cao Bằng nói chung.
Các tác phẩm ký, ghi chép văn học được các tác giả điền dã thực tế, dày công sưu tập tư liệu, viết kỹ càng đầy cảm xúc nên đọc đến đâu Phja Oắc, Phja Đén, Kolia với những cảnh sắc, phong tục văn hóa dân gian, công lao khai rừng, mở lối của người và đất nơi đây. Có được một Kolia như hôm nay và sự đổi thay “kỳ diệu” của vùng đất nằm trong khu vực “Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng” phải kể đến bàn tay, khối óc của những người lãnh đạo, quản lý dám nghĩ, dám làm đi trước mở đường, tạo sự đồng thuận của những người dân bản địa đã biến nơi rừng núi hoang vu thành khu du lịch, vùng đặc sản, thị tứ, Resort, Villa, Hotel, Bungalow… và bóng dáng một thị trấn du lịch thu hút khách tham quan khắp nơi đến trải nghiệm, khám phá. Và có thể nói như là một chất men say cho nghệ thuật thăng hoa và ra đời ấn phẩm “KOLIA - Miền nhớ”.
Hy vọng tập sách đem đến cho người đọc những cảm nhận khác nhau về vùng đất Kolia yêu thương đầy nhung nhớ này.