Yêu khoa học từ các phòng thí nghiệm

Niềm đam mê khoa học cần được nuôi dưỡng từ sớm, nên các bậc học phổ thông cũng cần có sự đầu tư cho phòng thí nghiệm, đó không chỉ là đầu tư cho thiết bị, mà chính là đầu tư cho tương lai.

Thêm cơ hội tiếp cận khoa học cho học sinh

Nhằm động viên, truyền cảm hứng, động lực cho ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô và cả nước thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao tặng hai phòng học STEM cho Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam và Trường THCS Cầu Giấy. Phòng học mang tên “STEM Innovation 57” với đầy đủ trang thiết bị phục vụ việc dạy và học STEM.

Theo Tổng Bí thư, đây không chỉ là món quà vật chất, mà còn là cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đầu tư cho tương lai, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê khoa học, công nghệ cho thế hệ trẻ.

Tổng Bí thư mong học sinh phát huy tinh thần tự học, chủ động nghiên cứu, vận dụng kiến thức vào cuộc sống để trở thành những công dân có trí tuệ, bản lĩnh, đóng góp cho đất nước.

Khơi nguồn cảm hứng với các môn khoa học

Những tiết thực hành hóa học của môn Khoa học tự nhiên đã trở nên quen thuộc với các học sinh trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ. Với bài 10 - Thang pH, các em đã được thực hành thí nghiệm làm chất chỉ thị màu từ bắp cải tím - một loại rau ăn hàng ngày, gần gũi với các em.

Học sinh Phạm Ngọc Lâm An (lớp 8A2 trường THCS Chu Văn An) chia sẻ: "Hôm nay, em được dùng bắp cải tím để xác định các chất như nước lọc, nước cam, coca... các chất rất đời thường trong cuộc sống. Sau buổi học hôm nay em cảm thấy môn khoa học tự nhiên rất là thú vị".

Với những học sinh đam mê khoa học thì tiết học thực hành là khoảng thời gian quý giá khi được đắm mình trong sự kỳ diệu và không giới hạn của các môn khoa học. Học tại ngôi trường không thuộc nhóm đầu của thành phố, nhưng Trần Quang Hùng lớp 12A8 - trường THPT Ngô Quyền (huyện Ba Vì) lại là học sinh hiếm hoi của khối các trường không chuyên giành giải Ba Học sinh giỏi Quốc gia môn Vật lý năm học này.

Niềm đam mê với môn Vật lý của Hùng đến từ sự nhiệt tình dạy dỗ của thầy cô giáo, cùng những tiết thực hành tại lớp.

Học sinh Trần Quang Hùng cho biết: "Các bài thí nghiệm trên lớp đã mang những lý thuyết, những hình ảnh trong trang sách ra, giúp em hình dung được những sự vật, hiện tượng vật lý một cách dễ dàng hơn và làm cho việc học vật lý trở nên thực tiễn và đỡ nhàm chán hơn".

Những sáng kiến không dừng lại ở phòng thí nghiệm

Các học sinh trường Amsterdam, Hà Nội đã rất hào hứng khi trải nghiệm quan sát những vị trí ở trên cao bằng chiếc kính tiềm vọng. Được thiết kế với hình dáng như một chú khủng long, chiếc kính tiềm vọng là sản phẩm STEM của các bạn học sinh khi vận dụng kiến thức của môn Vật lý cùng một số liên môn khác như: Toán, Công nghệ, Mỹ thuật.

Tận dụng khuôn viên rộng, thoáng đãng của khu vực sảnh nhà A để tạo nên một thư viện mini, không gian mở, hòa nhập với thiên nhiên và đặc biệt là phù hợp với thị hiếu của các bạn học sinh trong trường - là ý tưởng của nhóm học sinh Câu lạc bộ Green Hà Nội - Amsterdam.

Vận dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn, góc học tập xanh không chỉ là không gian học tập thân thiện, mà còn là nguồn cảm hứng với nhiều bạn học sinh trên địa bàn Thủ đô về tinh thần sáng tạo và khám phá khoa học đầy hấp dẫn.

Sinh viên làm chủ khoa học công nghệ

Sinh viên Dương Văn Phúc và nhóm “Cơ khí chính xác và quang học” vừa đạt giải Nhất Hội thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm học này của Đại học Bách Khoa Hà Nội, với chủ đề xây dựng một cấu trúc bán dẫn trong pin mặt trời, để ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp. Sinh viên Dương Văn Phúc chia sẻ, được thực hành trong phòng thí nghiệm đã giúp nhóm đạt được kết quả này: "Trong quá trình làm đề tài, trong phòng thí nghiệm đã hỗ trợ rất nhiều như vật tư, thiết bị hiện đại để em có thể được làm các phép đo thực tế".

Còn với Nguyễn Như Thanh, sinh viên ngành Cơ điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, hồi học phổ thông, em không có cơ hội được thực hành trong các phòng thí nghiệm, thế nên khi trở thành sinh viên đại học, Thanh đã rất hứng thú với việc được làm việc trong các phòng thí nghiệm và sẵn sàng chia sẻ với các em học sinh phổ thông niềm yêu thích này.

Như Thanh cho biết: "Các tour tham quan của các bạn học sinh đến phòng thí nghiệm trong thời gian này, em sẽ hướng dẫn các bạn làm việc với quang cụ, các thiết bị về điện điện tử. Các bạn tỏ ra rất thích thú và các bạn muốn tìm tòi hơn".

Đầu tư cho phòng thí nghiệm không chỉ là đầu tư cho thiết bị, mà chính là đầu tư cho tương lai.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/yeu-khoa-hoc-tu-cac-phong-thi-nghiem-333636.htm
Zalo