Yêu cầu tinh gọn

Tinh gọn bộ máy để vừa giảm sự cồng kềnh, lại góp phần thiết thực chống lãng phí, những người còn lại sau tinh gọn thực sự là tinh túy, một người gánh vác nhiệm vụ cho hai ba người, công việc vẫn thông suốt, bộ máy vẫn đảm bảo, mà chi phí từ ngân sách cho con người lại giảm đi rất nhiều.

Đó là vấn đề đặt ra, cũng là điều mà rất nhiều người chờ đợi về một sự quyết liệt trong cải tổ bộ máy các cơ quan từ Trung ương đến địa phương.

Thông tin trên báo chí gần đây cho biết hiện ngân sách Nhà nước đang phải bỏ ra gần 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động... Sau khi tinh gọn bộ máy, nguồn kinh phí tiết kiệm được từ chi lương hiện nay sẽ dùng cho đầu tư phát triển. Đây là sự cần thiết bởi chỉ có đầu tư cho phát triển đất nước mới sớm trở nên hùng cường và thịnh vượng.

Dù chúng ta đã nhiều lần thực hiện tinh giản biên chế, nhưng bộ máy vẫn còn cồng kềnh, về cơ bản, việc tinh giản biên chế mới tập trung chủ yếu vào các đối tượng nghỉ hưu, đối tượng ở những đơn vị sáp nhập.

Đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước, nhiệm vụ tinh gọn bộ máy đang trở thành vấn đề thời sự được đặc biệt quan tâm hiện nay. Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm liên tục đề cập, nhấn mạnh vấn đề tinh gọn bộ máy. Mới nhất, tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Không tinh gọn bộ máy không phát triển được”.

Việc dư thừa nhân lực của bộ máy hành chính đã được chính người sử dụng cán bộ thừa nhận. Mới đây, ĐBQH Vũ Trọng Kim đã dẫn lời một bộ trưởng, rằng: Đơn vị mình có cắt giảm 30 đến 40% biên chế cũng không hề hấn gì.

Bộ thừa, địa phương cũng không ngoại lệ. Nguyên nhân của việc này thì nhiều, trong đó có lý do tình cảm trong quá trình thực hiện, rồi vấn đề đặt ra sau tinh gọn sẽ như thế nào, khiến cho việc tinh gọn bộ máy đến nay dù đã cố gắng nhưng vẫn chưa như mong muốn. Nhưng bây giờ thì yêu cầu tinh gọn bộ máy đã trở nên rất quyết liệt. Cách đây ít ngày, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký Nghị quyết số 1297/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW tại các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội. Chính phủ cũng xây dựng cơ cấu tương tự do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban để tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ.

Một khi Trung ương đã quyết giảm sự cồng kềnh thì địa phương cũng sẽ phải tinh gọn. Áp lực từ Trung ương đang “thổi lửa cải cách” về địa phương. Vấn đề đặt ra là rồi đây cấp huyện, ngành, cấp xã, đơn vị sẽ thực hiện tinh gọn thế nào. Đành là thực hiện tinh gọn sẽ giảm được con người, vị trí công tác về mặt số học. Nhưng như thế là chưa đủ. Trong việc tinh giản phải xét ở nhiều yếu tố, từ vị trí công tác, tuổi tác, đóng góp, năng lực. Vậy thì ai sẽ phải tinh giản? Không vì yêu cầu tinh gọn mà đối tượng dôi dư lâu nay vẫn ở lại, trong khi người làm được việc thì phải nghỉ. Vấn đề này đặt ra có phần hơi sớm, nhưng rõ ràng phải đi trước “dọn đường” để từ đó có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan, công tâm, khi bắt tay vào thực hiện không gặp nhiều vướng mắc, sau tinh giản cũng ít xì xào, bất bình. Nếu sau tinh giản, bộ máy còn lại những người vừa có tài, có tâm, có tinh thần cống hiến, thì tinh giản sẽ mang tới hiệu quả thật sự và ngược lại.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/yeu-cau-tinh-gon-34167.htm
Zalo