Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tăng cường tự kiểm tra, giám sát nội bộ

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh yêu cầu toàn hệ thống thi hành án dân sự tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát nội bộ.

Ngày 2-12-2024, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ Thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính (THAHC) năm 2025. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Thứ trưởng Mai Lương Khôi và Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái chủ trì Hội nghị.

 Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, Thứ trưởng Mai Lương Khôi và Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, Thứ trưởng Mai Lương Khôi và Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo, công tác THADS, theo dõi THAHC năm 2024 về cơ bản đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Cụ thể, về công tác THADS, các cơ quan THADS đã thi hành xong 620.657 việc, đạt tỷ lệ 83,8%; về tiền, đã thi hành xong 116.531 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 51,8%. Cả hai chỉ tiêu đều tăng so với năm 2023.

Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tiếp tục được tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực, được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, ghi nhận; cụ thể, đã thi hành xong 9.211 việc tương ứng với 22.177 tỉ đồng.

Về kết quả thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng, đã thi hành xong 6.252 việc, tương ứng với 30.544 tỉ đồng.

Đối với công tác THAHC, tổng số bản án, quyết định về vụ án hành chính có nội dung phải thi hành là 1.973 bản án, tăng 599 bản án so với năm 2023. Kết quả, các cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 896/1.973 bản án, quyết định (tăng 314 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2023).

Trong công tác theo dõi THAHC, các cơ quan THADS đã thực hiện theo dõi 1.978 bản án (có 5 bản án Tòa án bác yêu cầu khởi kiện nhưng đã có quyết định buộc thi hành án).

Tại Hội nghị, đại diện Cục THADS các địa phương phát biểu ý kiến về thực trạng thi hành án tại địa phương, nêu khó khăn vướng mắc, đề xuất một số ý kiến về giải pháp tháo gỡ.

Ngoài ra, Hội nghị nghe một số ý kiến về giải pháp tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quy định số 183 của Ban Chấp hành Trung ương về bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy định số 132 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; vai trò và trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan THADS trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: CTV

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: CTV

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đánh giá kết quả công tác THADS, THAHC đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ chung của Bộ, ngành Tư pháp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh chỉ ra công tác THADS còn những tồn tại, hạn chế như tỷ lệ thi hành xong án tín dụng ngân hàng chưa đạt, còn để xảy ra vi phạm, sai phạm; kết quả thi hành án hành chính còn thấp, số lượng án hành chính nợ đọng chuyển kỳ sau ngày càng tăng.

Thủ trưởng một số cơ quan THADS địa phương và một số đơn vị thuộc Tổng cục chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, chưa năng động sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ được giao. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn chưa đáp ứng yêu cầu.

Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu đẩy mạnh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế về THADS, THAHC, trọng tâm là xây dựng Luật THADS (sửa đổi). Bộ trưởng lưu ý việc sửa đổi Luật phải chú trọng gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa án với công tác thi hành án; giảm thiểu và đơn giản tối đa thủ tục thi hành án; tính toán vấn đề phân cấp, phân quyền trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường xã hội hóa công tác THADS.

Bộ trưởng yêu cầu toàn hệ thống THADS tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát nội bộ bởi nếu chưa làm tốt công tác này thì chưa hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Trong đó tập trung kiểm tra, giám sát công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, chức vụ; thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án… Sau khi nhận diện được vấn đề cần kiến nghị giải pháp về thể chế.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành án hành chính, chủ động phối hợp cơ quan tòa án, kiểm sát và cấp ủy chính quyền địa phương, tận dụng các cơ chế như tiếp dân, giao ban nội chính.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/yeu-cau-co-quan-thi-hanh-an-dan-su-tang-cuong-tu-kiem-tra-giam-sat-noi-bo-post822732.html
Zalo