Yêu cầu cấp thiết với lĩnh vực khoa học công nghệ

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, thể chế là 'điểm nghẽn của điểm nghẽn'.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, hoàn thiện thể chế phát triển là “một trong ba đột phá chiến lược”. Thể chế là đột phá của đột phá, là nguồn lực, động lực phát triển.

Sau khi có các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã dành nhiều thời gian, nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật và 17 nghị quyết điều hành kinh tế - xã hội) với sự đồng thuận, thống nhất cao.

Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, xem xét, thông qua 5 dự thảo nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy nhà nước.

Các luật, nghị quyết được thông qua tại 2 kỳ họp Quốc hội đã quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu. Mục đích nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những “điểm nghẽn” về thể chế nhằm khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Khi phát biểu thảo luận tại tổ sáng 15/2, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, khi khó khăn chồng chất, để chờ sửa một số luật, đặc biệt là Luật Khoa học Công nghệ (KHCN) theo chương trình thì nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2025. Việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW sẽ bị chậm.

“Tinh thần của nghị quyết đưa ra rồi nhưng chưa thể chế được bằng hệ thống pháp luật nên chúng tôi mới đề nghị phải có văn bản khẩn trương để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống và có ý nghĩa”, Tổng Bí thư nêu quan điểm.

Cho rằng “phạm vi của những vấn đề này quá lớn, đụng vào cái gì cũng khó khăn, khó khăn do những quy định của chúng ta”, theo Tổng Bí thư, đây cũng là một bài học để thấy đúng là thể chế là “điểm nghẽn”, nếu không gỡ thể chế thì quy định không thể đi vào cuộc sống.

Từ những phân tích trên, Tổng Bí thư nhấn mạnh “quy định khuyến khích phải thực sự mang tính khuyến khích”. Trong bối cảnh yêu cầu phát triển KH&CN ngày càng cấp thiết, những rào cản pháp lý cần được tháo gỡ. Các luật và nghị quyết cần được ban hành rõ ràng, tạo ra sự minh bạch và trật tự, từ đó huy động sự tham gia của toàn xã hội theo một hướng thống nhất.

Ngô Đức Hành

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/yeu-cau-cap-thiet-voi-linh-vuc-khoa-hoc-cong-nghe-post539998.html
Zalo