Sau nhiều ngày ngập sâu, đến nay, hầu hết các nơi ở Yên Bái nước đã rút. Các lực lượng chức năng và người dân địa phương đã dồn sức dọn dẹp những đống rác khổng lồ, bùn đất ngập ngụa và xác động vật trôi nổi. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau lũ là rất cao. Ngành GĐ&ĐT tỉnh này đã huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả, đón học sinh sớm trở lại trường
Bà Phạm Thị Hoa, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái cũng là tâm tư sau khi nước rút: "Lo lắng lớn nhất của chúng tôi là vấn đề nước sinh hoạt và dịch bệnh phát sinh sau ngập lụt. Chúng tôi rất mong nhận được các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa để các hộ dân ở đây, cũng như toàn bộ các hộ dân vùng lũ sớm khắc phục được hậu quả thiên tai, ổn định lại được cuộc sống".
Để người dân yên tâm ổn định cuộc sống, lực lượng y tế từ tỉnh đến cơ sở đã tỏa đi khắp các ngõ xóm bị ngập để xử lý môi trường, nguồn nước, hướng dẫn người dân vệ sinh nhà cửa, xử lý giếng nước...
Tại xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái có gần 4.500 hộ dân và trên 90% số hộ bị ngập nước, có khu vực ngập sâu đến trên 3m. Ngay sau nước rút, 5 cán bộ Trạm y tế xã đã đến các khu vực dân cư thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh. Nhiều hộ dân cũng được cấp phát thuốc và hướng dẫn cách tự xử lý nguồn nước, môi trường. Bà Đỗ Thị Hồng Huyên, Phó Trạm trưởng, Trạm Y tế xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái cho biết: "Xã đã triển khai khử khuẩn tất cả các giếng để bà con nhân dân có nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh. Còn về môi trường thì đang triển khai phun thanh khiết môi trường và hướng dẫn người dân xử lý môi trường như; đối với đồ dùng trong nhà bị ngập thì cọ rửa sạch sẽ sau đó dùng Cloramin B hòa nước phun trong và ngoài nhà; đối với xác gia súc, gia cầm chết thì đào hố sâu chôn cẩn thận sau đó phun vệ sinh xung quanh".
Ở địa bàn các phường thuộc thành phố Yên Bái; xã, thị trấn của huyện Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên… lực lượng y tế cũng đã và đang có mặt ở các khu dân cư, thôn bản để thực hiện công tác vệ sinh phòng bệnh. Theo thống kê, toàn tỉnh Yên Bái có đến 25.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng, hư hỏng, chủ yếu là ngập lụt. Chia sẻ khó khăn với Yên Bái, tỉnh Bình Định đã cử 33 cán bộ, y bác sĩ mang theo thuốc men, vật tư y tế đến địa phương. Đoàn chia làm 3 tổ hỗ trợ cho thành phố Yên Bái và các huyện Trấn Yên, Yên Bình.
Anh Nguyễn Hữu Hoàng, Trung tâm Y tế thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, hiện đang giúp người dân thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc, TP Yên Bái chia sẻ: "Qua thông tin báo, đài tôi thấy hình ảnh rất nhỏ. Khi có mặt tại đây chúng tôi thấy khung cảnh rất hoang tàn, tất cả các giếng nước đều ngập sâu dưới bùn, bà con nhân dân thì vừa phải lo dọn dẹp nhà cửa, vừa lo phòng chống dịch bệnh rất vất vả. Chúng tôi đã tiếp cận hỗ trợ, hướng dẫn bà con khử khuẩn nguồn nước, thao rửa giếng… Đoàn chúng tôi cũng có các hoạt động khác như hỗ trợ các Trạm Y tế vệ sinh, dọn dẹp để hoạt động trở lại bình thường".
Đối với các tuyến đường phố ngập lụt, trường học, khu tập kết rác, khu trọng điểm nguy cơ cao, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái đã dùng xe chuyên dụng, công suất lớn tổ chức phun hóa chất tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường.
Ông Lại Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái cho biết: "Có mấy nguy cơ xảy ra sau mưa lũ đó là các bệnh ngoài da do ngập úng; thứ 2 là nếu vệ sinh không tốt, dùng nước không đảm bảo có thể gây ra các bệnh về mắt; thứ ba là nếu không được ăn chín uống sôi thì có thể mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ra các bệnh về tiêu hóa. Tuy nhiên, cơ bản đã hướng dẫn cho các địa phương và các địa phương cũng đang tăng cường tuyên truyền, xử lý môi trường sau lũ, cấp các thuốc khử khuẩn cho bà con… hy vọng là sẽ không phát sinh dịch bệnh sau lũ.
Mặc dù các cơ sở giáo dục đã triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời công tác phòng chống cơn bão số 3, tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có 2 giáo viên, 8 học sinh bị thiệt mạng; 2 học sinh bị thương do sạt lở ta luy, lũ lụt. 65 ngôi trường bị ngập và sạt lở đất, với thiệt hại về cơ sở vật chất và tài sản ước tính lên đến hơn 45 tỷ đồng. Thống kê chưa đầy đủ, gần 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên và trên 12.000 học sinh ở Yên Bái bị ảnh hưởng do mưa lũ…
Trường Mầm non Hoa Lan nằm trên địa bàn phường Nguyễn Thái Học TP Yên Bái bị ngập hoàn toàn tầng 1. Có 3/6 lớp học, khối văn phòng, nhà bếp, phòng ban giám hiệu, phòng y tế và tất cả các thiết bị dạy học, bàn ghế, chăn đệm... bị hư hỏng không thể khắc phục được. Nhà trường có trên 50% số gia đình học sinh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3… Mặc dù thiệt hại lớn nhưng ngay sau khi nước rút, nhà trường cùng các lực lượng của địa phương, lực lượng công an, quân sự cùng một số phụ huynh đã nỗ lực dọn dẹp vệ sinh, thống kê lại các thiết bị còn sử dụng được.
Cô giáo Bùi Thị Phương Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Chúng tôi bị thiệt hại rất nặng nề, toàn đồ bán trú như bếp ăn, tủ, nồi cơm, máy sấy đã hư hỏng hoàn toàn. Trước mắt chúng tôi sẽ cố gắng phát huy nội lực và xin nhận được sự giúp đỡ để có đồ dùng bán trú để đón các con đi học trở lại.
Thầy giáo Lê Thanh Long, hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Đồng, TP Yên Bái cho biết, những ngày qua, trường đã phối hợp với các lực lượng tại cơ sở để khắc phục thiệt hại, sửa chữa cơ sở vật chất với phương châm “nước rút đến đâu vệ sinh, khôi phục đến đó”, quyết tâm đón học sinh trở lại vào ngày 16/9.
"Lũ rút thì nhà trường cũng đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, chúng tôi đã triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả, huy động lực lượng để tham gia và cũng nhận được những sự giúp đỡ rất tích cực, đưa hoạt động của nhà trường trở lại bình thường", thầy giáo Lê Thanh Long chia sẻ.
Theo đánh giá, thành phố Yên Bái là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái, với gần 30 trường học bị ảnh hưởng như sạt lở đất đá, ngập úng; trên 600 nhà của cán bộ giáo viên bị ảnh hưởng do mưa bão. Dù chưa có thống kê đầy đủ về tình hình thiệt hại, nhưng phần lớn các nhà trường và giáo viên, học sinh ở thành phố đều bị ảnh hưởng.
Trong thời gian học sinh chưa thể đến lớp, Phòng Giáo dục - Đào tạo TP Yên Bái cũng đã yêu cầu các nhà trường quán triệt phụ huynh học sinh quản lý con em, không để học sinh tự ý ra khỏi nhà, tránh xa các khu vực nguy hiểm.
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Yên Bái cho biết: "Phòng giáo dục đã huy động lực lượng của các đơn vị đến hỗ trợ các đơn vị trường bị thiệt hại nặng nề, dự kiến 3 ngày nữa thì học sinh các điểm này sẽ có thể quay trở lại trường".
Thông tin từ UBND tỉnh Yên Bái, đến nay trong tổng số 65 ngôi trường bị thiệt hại đã có 60 trường cơ bản được khắc phục, có thể đón học sinh trở lại trường; 5 trường và 1 điểm trường sẽ cố gắng khắc phục tiếp.
Thời gian tới, ngành Giáo dục và đào tạo Yên Bái chỉ đạo các cơ sở giáo dục căn cứ tình hình thực tế để chủ động phương án tổ chức học tập cho học sinh, chỉ tổ chức hoạt động giáo dục tại trường khi các điều kiện an toàn được đảm bảo; xây dựng phương án dạy bù cho học sinh, nhằm đảm bảo khung kế hoạch thời gian của năm học này.