Yên Bái: Không chủ quan trước bệnh cúm mùa

Thời điểm này trên địa bàn tỉnh Yên Bái và cả nước, số ca mắc cúm mùa được ghi nhận gia tăng. Theo các bác sĩ, triệu chứng phổ biến là: sốt, đau đầu, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp, mệt mỏi, chảy nước mũi. Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên hoang mang, nhưng cũng không được chủ quan, lơ là trong phòng ngừa và điều trị cúm mùa.

Số lượng người dân đi tiêm vaccine trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang tăng cao là tín hiệu đáng mừng khi người dân chủ động quan tâm đến sức khỏe trước tình hình dịch cúm đang lan nhanh

Số lượng người dân đi tiêm vaccine trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang tăng cao là tín hiệu đáng mừng khi người dân chủ động quan tâm đến sức khỏe trước tình hình dịch cúm đang lan nhanh

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Trọng Phú - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái cho biết: "Theo báo cáo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính từ ngày 1/1/2025 đến ngày 6/2/2025, trên địa bàn tỉnh Yên Bái ghi nhận 766 ca mắc cúm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 (629 ca). Số ca mắc chủ yếu tập trung ở huyện Mù Cang Chải (247 ca); huyện Trấn Yên (240 ca); thành phố Yên Bái (96 ca); huyện Trạm Tấu (82 ca); huyện Văn Chấn (42 ca), còn lại rải rác ở các huyện Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình. Trong đó, ghi nhận 2 ổ dịch nhỏ tại huyện Văn Chấn và thành phố Yên Bái. Các ca bệnh đều có triệu chứng nhẹ như sốt, ho, viêm long đường hô hấp, không ghi nhận ca bệnh nặng, không có tử vong”.

Được biết, tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch, bệnh có thể xảy ra dưới nhiều mức độ khác nhau như đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát. Do bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc, trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh, tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp nhất là ở những nơi tập trung đông người, các trường học. Hơn nữa, sau khi mắc bệnh, miễn dịch để lại không bền và không bảo vệ được đối với chủng cúm mới nên mọi người đều có khả năng cảm nhiễm cao. Mọi người đều có thể bị mắc bệnh cúm ở cả người lớn và trẻ em nhưng bệnh diễn biến nặng thường gặp ở nhóm người có nguy cơ cao như: người già yếu, người mắc bệnh nền, bệnh mạn tính, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm, với các ca mắc có xu hướng gia tăng, để phòng bệnh, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã tự bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách tiêm vaccine phòng cúm. Có mặt tại Phòng tiêm chủng POTEC 52 Yên Bái thuộc Phòng khám Đa khoa Việt Tràng An, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái trong ngày 9/2, ghi nhận có rất đông người dân chờ đợi đến lượt vào để tiêm vaccine. Theo tìm hiểu, Phòng tiêm chủng những ngày sau tết Nguyên đán tiếp đón lượng khách hàng đông hơn nhiều so với trước đây, trong số đó, nhiều người đến để tiêm vaccine cúm.

BSCKI Sái Thị Thúy - Phụ trách Phòng tiêm chủng POTEC 52 Yên Bái thông tin: "Sau thông tin nhiều ca bệnh biến chứng nặng và tình hình dịch cúm tại các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc diễn ra phức tạp và ở Việt Nam cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc cúm mùa phải thở máy thì lượng người dân đến tiêm chủng tăng lên rõ rệt. Trước đây nếu một ngày trung bình chỉ khoảng 15 - 20 người đến tiêm thì riêng trong ngày nghỉ cuối tuần, lượng khách đến tiêm chủng theo thống kê trung bình từ 150 - 160 người, chủ yếu là tiêm vaccine phòng cúm. Đây là tín hiệu đáng mừng khi người dân chủ động quan tâm đến sức khỏe trước tình hình dịch cúm đang lan nhanh. Đánh giá sớm được tình hình dịch bệnh có nguy cơ lan rộng và nhu cầu của người dân tăng cao nên đơn vị đã chủ động dự trù lượng lớn vắc xin phòng bệnh cho cả trẻ em và người lớn. Đồng thời vaccine được bảo quản theo tiêu chuẩn đảm bảo đúng chất lượng”.

Người dân nên chủ động tiêm vacxin cúm mỗi năm 1 lần để phòng bệnh

Người dân nên chủ động tiêm vacxin cúm mỗi năm 1 lần để phòng bệnh

Tranh thủ ngày nghỉ nên cả gia đình anh Nguyễn Chung Vượng, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái đã đến Phòng tiêm chủng POTEC 52 Yên Bái để tiêm vaccine cúm. Anh Vượng chia sẻ: "Nghe thông tin bệnh cúm đang gia tăng nên cả gia đình tôi đi tiêm vaccine cúm. Giá mỗi liều vaccine cúm là 330.000 đồng/mũi, cả gia đình tôi 3 người tiêm thì được giảm 30.000 đồng. Tôi mong muốn cả gia đình sẽ được bảo vệ khỏi các chủng virus cúm khác nhau để luôn khỏe mạnh”.

Còn với chị Nguyễn Hải Vân, phường Nguyễn Thái Học cho hay: "Từ sau dịch Covid-19 đến nay, năm nào tôi cũng đi tiêm vaccine cúm. Tôi thấy sau khi tiêm, thỉnh thoảng bị cúm nhưng bệnh sẽ nhẹ và nhanh khỏi hơn trước”.

Tiêm vaccine phòng cúm đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích quan trọng trong việc kích thích cơ thể sản sinh các kháng thể, giúp tăng cường khả năng bảo vệ trước sự tấn công của virus cúm. Để phòng ngừa cúm hiệu quả, Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Trọng Phú - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Cách tốt nhất để phòng bệnh cúm mùa và các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra là tiêm vaccine cúm hàng năm. Vaccine tạo ra một hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi rút cúm (hiệu quả đến 97%). Bên cạnh việc tiêm vaccine phòng bệnh cúm thì người dân cần giữ ấm cho cơ thể, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn, vệ sinh mũi và họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày; đảm bảo vệ sinh đường hô hấp đúng cách. Cùng với đó, chú ý tập thể dục và sống lạnh mạnh, tránh đến những nơi có người bị mắc bệnh cúm mùa, trách tiếp xúc với những người có dấu hiệu bệnh về hô hấp; đeo khẩu trang ở những nơi công cộng như cửa hàng, siêu thị, khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, cũng như ở môi trường ngoài trời đông đúc.

Đặc biệt, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

Thanh Chi

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/265/345781/yen-bai-khong-chu-quan-truoc-benh-cum-mua.aspx
Zalo