Yên Bái: Hành trình trở thành giám đốc của cô gái khuyết tật

Trên hành trình chung sức xây dựng quê hương, không phải lúc nào cũng là những gương mặt nổi bật hay câu chuyện thành công vang dội. Có những con người bình dị mang trong mình một nghị lực phi thường, khát vọng mãnh liệt, lặng lẽ cống hiến cho cộng đồng, góp sức cho quê hương phát triển. Cô gái Trần Thị Mai Anh ở tổ dân phố số 1, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái là một minh chứng điển hình cho sức mạnh của một con người tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại có thể tạo ra những thay đổi bằng sự kiên cường, lòng yêu thương và tinh thần sẻ chia.

Trần Thị Mai Anh - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, chế biến, thương mại và dịch vụ Nhật Khuê.

Trần Thị Mai Anh - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, chế biến, thương mại và dịch vụ Nhật Khuê.

Sau nhiều lần hẹn gặp, chúng tôi tìm đến nhà của cô gái Trần Thị Mai Anh. Dáng vóc nhỏ bé, cô gái cao 1,4 m phải chống nạng để di chuyển nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát với ánh mắt lấp lánh, tràn đầy sức sống. Kể về câu chuyện cuộc đời mình, Mai Anh luôn cười nói vui vẻ, không chút tỏ ra yếu đuối hay thất vọng.

Trần Thị Mai Anh sinh năm 1998. Không giống bạn bè cùng trang lứa, khi đôi chân không thể di chuyển như bao người khác, những bước đi chập chững đầy gian nan suốt năm tháng tuổi thơ đã khắc sâu trong trái tim Mai Anh.

Cô tâm sự: "Ngày bé, mỗi khi nhìn bạn bè tung tăng chơi đùa, em chỉ biết đứng nhìn, thấy rất cô đơn, rất khác biệt… Em luôn phải đối diện với ánh nhìn thương hại hay câu hỏi đầy ngờ vực từ mọi người xung quanh. Tuy nhiên, may mắn em không cô đơn trong "cuộc chiến” của mình. Đằng sau em luôn là sự động viên, yêu thương của gia đình, đặc biệt là của mẹ. Mẹ dạy em rằng: "Đừng bao giờ nhìn vào những gì mình không có, hãy nhìn vào những gì mình có thể làm!". Chính câu nói của mẹ đã trở thành kim chỉ nam cho em trong suốt quãng đường sau này”.

Dần dần, khi lớn lên, Mai Anh học cách đối diện với thực tế, chấp nhận khiếm khuyết của mình nhưng không cho phép nó chi phối cuộc đời mình. Bằng sự nỗ lực không ngừng, Mai Anh đã vượt qua mọi thử thách trong học tập. Năm 2016, Mai Anh thi đỗ Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra một trang mới trong cuộc đời. Đó là lúc Mai Anh nhận ra rằng, con đường học vấn là một trong những phương tiện mạnh mẽ nhất để vươn ra thế giới bên ngoài, khẳng định giá trị bản thân. Nỗ lực không ngừng nghỉ, Mai Anh tốt nghiệp đại học năm 2020 và tìm được công việc trong một tổ chức xã hội chuyên hỗ trợ những người yếu thế, tạo cơ hội cho những người khuyết tật có thể hòa nhập, phát triển trong xã hội tại Hà Nội.

Công việc này không chỉ là sự nghiệp Mai Anh yêu thích mà còn là một phần không thể thiếu trong hành trình giúp đỡ nhiều người khuyết tật, yếu thế, trao cho họ cơ hội để sống một cuộc đời tự tin, đầy hy vọng. Mai Anh chia sẻ: "Em làm công việc giúp đỡ những người khuyết tật, yếu thế tại Hà Nội được 3 năm. Trong 3 năm ấy, em luôn đau đáu một suy nghĩ rằng quê hương Yên Bái cũng có những người cần giúp đỡ như em, tại sao không quay lại quê hương để tiếp tục hành trình này”. Với suy nghĩ ấy, đầu năm 2024, Mai Anh quyết định trở về Yên Bái - nơi đã sinh ra và lớn lên để bắt đầu một hành trình mới.

Trăn trở trong suy nghĩ làm sao để vừa hỗ trợ tinh thần, giúp người khuyết tật vượt qua mặc cảm vừa hỗ trợ để người khuyết tật có thể tự chủ về kinh tế, Mai Anh đã quyết định khởi nghiệp thành lập hợp tác xã để tạo công việc cho người khuyết tật.

Mai Anh cho hay: "Hợp tác xã Sản xuất, chế biến, thương mại và dịch vụ Nhật Khuê của em hoạt động 2 mảng chính sản xuất và kinh doanh. Sản xuất thì em sản xuất giò, chả sạch vì đây là nghề sẵn có của gia đình. Mảng kinh doanh thì em thu mua các sản phẩm như: miến, lạc, thịt sấy, măng sạch OCOP hoặc sản phẩm sạch của các hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh, sau đó trực tiếp bán qua kênh thương mại điện tử hoặc tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại.

Em mong muốn đưa những sản phẩm sạch, an toàn từ quê hương đến tay người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Thành lập Hợp tác xã với nhà xưởng quy mô lớn, em nhận được nhiều sự ủng hộ, hỗ trợ của gia đình và cả chính quyền. Vừa qua, em được nhận hỗ trợ 70 triệu đồng từ Đề án hỗ trợ hợp tác xã do nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ tỉnh Yên Bái”.

Câu chuyện của Mai Anh là một bài học quý giá về lòng kiên cường, quyết tâm vươn lên từ nghịch cảnh. Mai Anh không để khiếm khuyết của bản thân cản bước mình, ngược lại đã biến thành động lực để vươn tới những ước mơ lớn lao. Và với những gì đã làm, Mai Anh vừa xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân vừa góp phần vào công cuộc phát triển quê hương Yên Bái, mang đến hy vọng cho nhiều người yếu thế.

Những nỗ lực của Mai Anh bước đầu đã tạo ra cơ hội việc làm với thu nhập ổn định cho 7 người dân trên địa bàn thành phố, trong đó có 2 người khuyết tật. Mai Anh tin rằng, với những gì đã làm được, thời gian tới, Hợp tác xã Nhật Khuê sẽ tiếp tục phát triển, tạo ra nhiều việc làm hơn nữa cho những người khuyết tật Yên Bái.

Huyền Lê

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/342577/yen-bai-hanh-trinh-tro-thanh-giam-doc-cua-co-gai-khuyet-tat.aspx
Zalo