Yên Bái đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững
Yên Bái - tỉnh miền núi Tây Bắc hướng tới triết lý phát triển 'Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc'. Yếu tố 'xanh' được đưa lên trước hết là một sự khẳng định vấn đề phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị được ưu tiên hàng đầu. Trong đó, kinh tế lâm nghiệp với 'chủ lực' trồng gỗ lớn trở thành hướng đi mới hứa hẹn tạo ra nhiều thay đổi tích cực về kinh tế, xã hội và môi trường.
Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khẳng định: Tỉnh Yên Bái ưu tiên phát triển kinh tế lâm nghiệp nhằm bảo đảm cân đối, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững; thay đổi từ tư duy truyền thống sang tư duy quản trị; phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị đa dụng của rừng trên nguyên tắc không đánh đổi sự tăng trưởng bằng sự hủy hoại rừng, suy thoái rừng; định hướng rõ nét, quan điểm lãnh chỉ đạo xuyên suốt cùng những cơ chế, chính sách phù hợp, sự đồng lòng chung sức đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển rừng.
Yên Bái hiện có khoảng trên 434.646ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 63% - là địa phương nằm trong tốp đầu về độ che phủ rừng của toàn quốc. Hằng năm, toàn tỉnh trồng mới khoảng trên dưới 15.000ha rừng các loại với sản lượng gỗ khai thác trên dưới 8.000m3.
Yên Bái trở thành tỉnh trọng điểm phát triển rừng trồng sản xuất và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy, diện tích rừng trồng tăng nhanh hằng năm nhưng năng suất, chất lượng rừng còn thấp, thu nhập từ rừng mang lại chưa cao. Điều đó đặt ra phải có giải pháp để phát triển kinh tế lâm nghiệp mang lại hiệu quả cao, phù hợp xu thế của thời đại.
Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn, đem lại lợi ích kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển rừng gỗ lớn giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu trồng mới 10.000ha rừng gỗ lớn, lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt trên 500.000m3, hình thành vùng trồng rừng gỗ lớn trên 40.000ha, đưa tỷ lệ gỗ xẻ từ 30% hiện nay lên 60%...
Đó được xác định là hướng đi mới giải quyết sinh kế, nâng cao đời sống của người dân, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Phát triển rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tiết kiệm cây giống, giảm chi phí trồng, chăm sóc mà còn giảm sâu bệnh, hạn chế suy thoái đất và bảo vệ môi trường rừng.
Để nâng cao chất lượng gỗ, tỉnh Yên Bái tập trung vào việc nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng bằng việc chuyển hóa rừng cây gỗ lớn. Trong đó quy định cụ thể với keo lai có quy mô trồng tập trung và cam kết khai thác sau 10 năm tuổi.
Gia đình ông Nguyễn Thành ở xã Bảo Ái, huyện Yên Bình đã có bước đột phá trong phát triển kinh tế nhờ tiên phong trồng rừng gỗ lớn. Với suy nghĩ “cây càng to thì càng giá trị, được địa phương hỗ trợ, ông Thành đã đầu tư trồng 7ha rừng và dồn mọi nguồn lực để chăm sóc cây lớn đủ tiêu chuẩn thì mới thu hoạch chứ không “ăn non”.
Ông Thành phân tích: “Nếu trồng rừng gỗ nhỏ thì chỉ dùng làm gỗ dăm hoặc nguyên liệu giấy, giá bán trên mỗi mét khối được trên dưới 1 triệu đồng, tầm 5 năm lại phải đầu tư cho một chu kỳ trồng mới. Trong khi đó, nếu trồng cây gỗ lớn để lấy gỗ xẻ phục vụ chế biến thì mình nuôi càng lâu, đường kính thân cây càng lớn càng được giá. Với cây có đường kính từ 25-30cm thì cứ 1ha rừng, sản lượng gỗ đạt trên 200m3 bán với giá trên dưới 2 triệu đồng/m3 gỗ cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng, chưa kể chỉ đầu tư vốn, giống để trồng 1 lần nên giá trị kinh tế vừa cao. Trồng rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích, tiết kiệm cây giống, giảm chi phí trồng, chăm sóc mà còn giảm sâu bệnh, hạn chế suy thoái đất và bảo vệ môi trường rừng”.
Vượt khó để trồng rừng gỗ lớn
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu hết năm 2025, toàn huyện có hơn 12.000ha rừng gỗ lớn; trong đó, diện tích trồng mới hơn 2.000ha, diện tích chuyển hóa sang rừng gỗ lớn hơn 9.000ha.
Đó là mục tiêu không dễ đạt được, trên thực tế việc trồng cây gỗ lớn đang phải đối mặt nhiều khó khăn. Trong đó, rừng gỗ lớn có chu kỳ sinh trưởng dài, người dân chưa đủ tiềm lực kinh tế nên cần quay vòng vốn nhanh để có chi phí trang trải cuộc sống.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, xã Phú Thịnh huyện Yên Bình chia sẻ: “Nhà tôi có 5ha rừng trồng keo và cũng muốn trồng rừng gỗ lớn lâu năm để khai thác sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, cái khó bó cái khôn, nếu trồng cây giữ tới 10 năm thì không có nguồn thu để trang trải cuộc sống và thiếu vốn để tái sản xuất. Bên cạnh đó, chu kỳ trồng và chăm sóc kéo dài, nguy cơ về thiên tai, sâu bệnh hại cây là rất lớn. Đơn cử như năm ngoái gần 1ha keo 3 năm tuổi bị bão đổ khiến gia đình phải khai thác rừng non để trồng mới”.
Ông Vũ Đức Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình cho biết: Địa phương đang phối hợp với các sở, ngành cùng các phòng, ban của huyện tiếp tục vận động bà con nhân dân xây dựng một số mô hình điểm, từ đó, phát triển dần cho các hộ khác trên địa bàn xã. Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của trồng rừng gỗ lớn, giá trị của rừng gỗ lớn gắn với bảo vệ rừng, gắn với việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng như chứng chỉ rừng, nâng cao năng suất, chất lượng giống cây trồng, xây dựng các mô hình trồng rừng gỗ lớn để người dân học tập…
Thông qua Chương trình Hỗ trợ rừng và Trang trại giai đoạn II trên địa bàn tỉnh Yên Bái, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp hỗ trợ 16.390 cây giống như: vù hương, dổi, tếch cho các hộ hội viên nông dân trên địa bàn huyện Trấn Yên, Yên Bình và Mù Cang Chải tham gia xây dựng các mô hình trồng rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh. Nhiều hộ dân ở Yên Bái đã vượt khó để trồng rừng gỗ lớn với tư duy vì “lợi ích 10 năm”.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, tỉnh Yên Bái đã chủ động xây dựng chương trình quản lý rừng bền vững để cấp Chứng chỉ rừng FSC nhằm hỗ trợ cho người trồng rừng có phương án kinh doanh hiệu quả hơn, mang lại thu nhập cao hơn, bảo vệ được môi trường sinh thái, tạo sự phát triển bền vững về lâm nghiệp. Chứng chỉ FSC cho phép các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm gỗ và sản phẩm từ rừng tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và tăng cường cạnh tranh trên thị trường.
Cùng với sự phát triển của các rừng gỗ lớn, công nghiệp chế biến gỗ của Yên Bái cũng đang phát triển khá nhanh cả về số lượng, lẫn quy mô, công nghệ. Hiện, trên địa bàn tỉnh có khoảng 520 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có 44 doanh nghiệp, công ty và 476 hộ cá thể, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái.
Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án sản xuất gỗ quy mô và chất lượng cao như Công ty cổ phần Junma Yên Bái; Công ty TNHH 1 thành viên An Việt Phát; Công ty TNHH YiFan Hồng Kông; Công ty TNHH ngành gỗ Thiên An, Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái, Công ty TNHH Kim Gia, Công ty TNHH Good Industry; Công ty TNHH Trường Minh.
Ông Nguyễn Hữu Long, Trường phòng Quản lý công nghiệp năng lượng, Sở Công thương Yên Bái cho biết: Với nguồn nguyên liệu dồi dào, sản lượng gỗ có thể khai thác hàng năm gần 700.000m3, ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển.
Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khẳng định: “Yên Bái sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư phát triển trồng rừng gỗ lớn, sản xuất theo chuỗi sản phẩm là tiền đề để lâm nghiệp phát triển và đưa Yên Bái trở thành trung tâm sản xuất lâm nghiệp công nghệ cao ở khu vực miền núi phía bắc vào năm 2025” .