Ý thức tham gia giao thông chuyển biến tích cực

Sau 1 tuần thực hiện Nghị định 168/2024/ NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 168) quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, theo đánh giá và ghi nhận từ lực lượng chức năng, hiện người dân chấp hành tốt quy định khi tham gia giao thông.

Nâng mức phạt, nâng cao ý thức

Qua ghi nhận của P.V, sáng 7-1, tại giao lộ Trần Quang Diệu và Mỹ Phước - Tân Vạn (TP.Thuận An), một số nút giao trên Quốc lộ 13, đường Huỳnh Văn Lũy (TP.Thủ Dầu Một) và nhiều tuyến đường khác, người tham gia giao thông nghiêm túc chấp hành tín hiệu đèn giao thông dù không có lực lượng Cảnh sát giao thông -trật tự (CSGT-TT).

Trung tá Vũ Hải Hậu, Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an (CA) TP.Thuận An, cho biết đầu năm 2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ năm 2024 được áp dụng, cùng với đó là Nghị định 168 của Chính phủ có hiệu lực, mức xử phạt tăng cao với nhiều lỗi vi phạm, việc chấp hành của người tham gia giao thông cũng chuyển biến tích cực. Trước đây, tại nút giao Trần Quang Diệu và Mỹ Phước - Tân Vạn, người tham gia giao thông thường vượt đèn đỏ khiến giao thông luôn trong tình trạng lộn xộn, hiện nay người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành luật lệ giao thông. Qua 7 ngày thực hiện áp dụng mức xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168, Đội CSGT-TT CA thành phố ra quân tuần tra kiểm soát 3.272 phương tiện, lập biên bản 399 trường hợp vi phạm và tiến hành trừ điểm trên giấy phép lái xe (GPLX) 36 trường hợp.

Người điều khiển phương tiện chấp hành tốt quy định về đèn tín hiệu, phần đường, làn đường tại giao lộ ĐT743 - Trần Quang Diệu (phường An Phú, TP.Thuận An). Ảnh: QUỲNH ANH

Trong khi đó, Thiếu tá Phan Minh Thảo, Phó trưởng CA TP.Tân Uyên, cho biết qua 1 tuần thực hiện Nghị định 168, người dân trên địa bàn tuân thủ quy định về đèn tín hiệu, dừng đúng làn, đúng vạch tạo nên sự ngay ngắn trật tự ngay cả khi vắng bóng lực lượng CSGT. Song song đó, lực lượng CSGT-TT phối hợp với các lực lượng liên quan và CA các xã, phường tuần tra kiểm soát lưu động khép kín địa bàn, nhắc nhở và tuyên truyền trực tiếp đến người dân chấp hành quy định. Theo thống kê, từ ngày 1 đến 7-1, Đội CSGT-TT CA thành phố đã thực hiện 84 ca tuần tra kiểm soát với 840 cán bộ, chiến sĩ tham gia, kiểm tra hơn 6.700 phương tiện, lập biên bản hơn 700 trường hợp, tạm giữ giấy tờ trên môi trường điện tử VNeID 34 trường hợp, trừ điểm 5 trường hợp trên GPLX, xử lý phạt nguội các trường hợp vi phạm trật tự, ATGT từ hình ảnh do người dân cung cấp.

Xây dựng văn hóa giao thông

Trung tá Trần Minh Tuấn, Phó trưởng phòng CSGT CA tỉnh nhấn mạnh, trong tuần qua, cánh tài xế lo lắng về mức xử phạt tăng mạnh nhiều lần so với quy định cũ và việc trừ điểm trên GPLX sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và công việc. Với chủ trương giảm thiểu tai nạn giao thông, chung tay xây dựng văn hóa giao thông từ việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định khi tham gia giao thông, việc tăng mức phạt nhằm tạo sự răn đe đối với những người vi phạm cũng như tạo ra sự công bằng cho tất cả mọi người khi tham gia giao thông.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, từ ngày 1 đến 7-1, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã thực hiện 411 ca tuần tra kiểm soát với gần 2.600 cán bộ, chiến sĩ tham gia; qua đó lập hơn 3.900 biên bản vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 11,5 tỷ đồng; tạm giữ có thời hạn gần 700 giấy phép lái xe, trừ điểm trên giấy phép lái xe 215 trường hợp.

Theo Điều 58, Luật Trật tự, ATGT đường bộ 2024 quy định điểm của GPLX gồm 12 điểm được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ của người lái xe. Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ và sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm GPLX biết. Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm thì người có GPLX không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo GPLX đó. Sau thời hạn ít nhất là 6 tháng, kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ do lực lượng CSGT tổ chức, khi kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm. GPLX chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng, từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Dù không có Cảnh sát giao thông nhưng người điều khiển phương tiện chấp hành tốt quy định an toàn giao thông (ảnh chụp tại ngã ba đường Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Đức Thuận, TP.Thủ Dầu Một)

Ngoài ra, mức phạt rất cao đối với một số hành vi thuộc về lỗi cố ý vi phạm pháp luật giao thông như phạt tiền từ 18- 20 triệu đồng đối với ô tô vượt đèn đỏ, phạt từ 4-6 triệu đồng đối với xe máy. Các hành vi đi xe máy lạng lách, đánh võng sẽ bị phạt từ 8-10 triệu đồng và có thể bị tịch thu phương tiện nếu vi phạm nghiêm trọng. Đáng chú ý là hành vi mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông bị phạt lên tới 20-22 triệu đồng, tăng gấp 36-50 lần; hành vi sử dụng biển số giả cũng tăng mức phạt từ 20-26 triệu đồng.

Theo PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông - vận tải, Trường Đại học Việt Đức, Luật Trật tự, ATGT đường bộ năm 2024 với mục đích điều chỉnh hành vi vi phạm của người tham gia giao thông, từ đó xây dựng ý thức chấp hành và tinh thần thượng tôn pháp luật. Nghị định 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ là sự mạnh tay, quyết liệt từ Chính phủ để đưa quy định mới đi vào cuộc sống, bảo đảm tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông và thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.

QUỲNH ANH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/sau-1-tuan-thuc-hien-nghi-dinh-168-2024-nd-cp-y-thuc-tham-gia-giao-thong-chuyen-bien-tich-cuc-a339370.html
Zalo