Y tế Thái Nguyên: Hiện thực mục tiêu Nghị quyết

Nâng cao sức khỏe người dân tỉnh Thái Nguyên cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống. Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và tàn tật do bệnh, dịch bệnh. Xây dựng hệ thống y tế phát triển đồng bộ, công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Ưu tiên phát triển một số trung tâm chuyên sâu chất lượng cao, bệnh viện chuyên khoa. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có phẩm chất đạo đức tốt, đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới... Đây là mục tiêu chung được đưa ra tại Nghị quyết số 156/NQ-HĐND ngày 12/8/2021 của HĐND tỉnh đã và đang được ngành Y tế tỉnh tích cực triển khai trong những năm qua.

Người bệnh được điều trị bằng oxy cao áp tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên.

Người bệnh được điều trị bằng oxy cao áp tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Nguyên.

Nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu

Cùng với mục tiêu chung, nhiều mục tiêu cụ thể cũng đã được chỉ rõ ở Nghị quyết này. Đáng chú ý đó là việc tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và sắp xếp tinh gọn hệ thống y tế. Phát triển hệ thống y tế gắn với quy hoạch phát triển chung của tỉnh. Hoàn thành đúng tiến độ các công trình y tế theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của ngành y tế. Đẩy mạnh đào tạo cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn, nhất là đội ngũ bác sỹ, kỹ thuật viên.

Nghị quyết số 156/NQ-HĐND (NQ156) cũng đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2025, như: Toàn tỉnh đạt ít nhất 17,5 bác sĩ/10.000 dân; đạt 55 giường bệnh/10.000 dân, trong đó tỷ lệ giường bệnh ngoài công lập đạt 10%; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm…

Hệ thống chụp cắt lớp vi tính 32 lát của Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên được tỉnh trang bị trong năm 2024 từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống chụp cắt lớp vi tính 32 lát của Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên được tỉnh trang bị trong năm 2024 từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết này, thời gian qua, ngành Y tế đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trên tất cả các lĩnh vực: Chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao năng lực dự báo, giám sát và phát hiện sớm, khống chế kịp thời, hiệu quả các dịch bệnh; thực hiện hiệu quả Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2021-2025… Đặc biệt, Sở Y tế đã và đang chú trọng thực hiện có hiệu quả hàng chục dự án đầu tư công được phê duyệt trong giai đoạn 2021-2025, với tổng nguồn vốn gần 1.300 tỷ đồng, nhằm thúc đẩy, tạo động lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của ngành.

Nội soi mũi cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Phú Lương.

Nội soi mũi cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Phú Lương.

Trong đó đáng chú ý là các dự án: Xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Pháp Y tỉnh Thái Nguyên với tổng mức đầu tư 69,5 tỷ đồng; Bệnh viện Y học cổ truyền giai đoạn 1 gần 267 tỷ đồng; Đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp Bệnh viện A Thái Nguyên 200 tỷ đồng; Nâng cấp Bệnh viện Tâm Thần Thái Nguyên 28 tỷ đồng; Đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh 30 tỷ đồng; Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cho 4 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế tuyến huyện 163 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 6 trạm y tế xã 25 tỷ đồng…

Nhiều kết quả tích cực

Ông Hoàng Công Vũ, tổ 5, phường Tân Lập (TP. Thái Nguyên) là cựu chiến binh, thường xuyên đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện trên địa bàn tỉnh cho biết: Những năm qua, các cơ sở y tế không chỉ được nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, mà trình độ tay nghề của các y bác sĩ cũng ngày càng được nâng cao, đặc biệt là thái độ phục vụ bệnh nhân cũng thân thiện, chu đáo hơn rất nhiều. Điều này giúp người già như chúng tôi đỡ cảm thấy ngại khi đến viện.

Kiểm tra việc bảo quản vắc-xin tại Trạm y tế xã Kim Phượng (Định Hóa).

Kiểm tra việc bảo quản vắc-xin tại Trạm y tế xã Kim Phượng (Định Hóa).

Bác sĩ Trần Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Định Hóa: Bảo hiểm y tế giờ thông tuyến, đường đi lối lại cũng rất thuận tiện, nếu các cơ sở y tế không tự nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, sẽ không có được bệnh nhân. Chính vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng phục vụ người bệnh một cách tốt nhất. Đây cũng là quan điểm chung của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Theo ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế: Với những nỗ lực mà toàn ngành thực hiện trong những năm qua, tính đến cuối năm 2024, các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện NQ156 cơ bản đạt được theo tiến độ. Chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công tăng qua các năm và đều đạt trên 90% (năm 2023 đạt 92,5%). Tính đến cuối năm 2024, tổng số giường bệnh toàn tỉnh đạt gần 7.000 giường, đạt 51,3 giường/10.000 dân (trung bình toàn quốc là 32,5 giường/10.000 dân).

Trong tổng số gần 7.500 cán bộ, người lao động toàn ngành trên địa bàn tỉnh, có 2.246 bác sĩ, đạt 17 bác sĩ/10.000 dân (trung bình toàn quốc 13,5 bác sĩ/10.000 dân). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi 12,1%, đạt chỉ tiêu đề ra năm 2024 (toàn quốc <18,5%). - ông Đặng Ngọc Huy

Phần lớn các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đều đã đầu tư cây Kios lấy số thứ tự, giúp nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Trong ảnh: Đoàn thẩm định bệnh án điện tử kiểm tra việc vận hành cây Kios tại Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình.

Phần lớn các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đều đã đầu tư cây Kios lấy số thứ tự, giúp nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Trong ảnh: Đoàn thẩm định bệnh án điện tử kiểm tra việc vận hành cây Kios tại Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình.

Đặc biệt, việc phát triển y tế chuyên sâu trên địa bàn tỉnh đang ngày càng được đẩy mạnh. Ngoài Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã thành lập được nhiều trung tâm chuyên sâu, triển khai kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đào tạo, chỉ đạo tuyến và hợp tác quốc tế, thì các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện cũng đã và đang được đầu tư, nâng cấp, đào tạo cán bộ và triển khai được một số kỹ thuật mới, cơ bản và chuyên sâu. Đáng chú ý là kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (IUI, IVF) tại Bệnh viện A; hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Gang Thép; phát triển kỹ thuật ngoại khoa, chấn thương tại Bệnh viện C; kỹ thuật Phaco tại bệnh viện Mắt; ứng dụng y học cổ truyền tại Bệnh viện Y học cổ truyền…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có một số chỉ tiêu đề ra tại NQ156 chưa đạt được tiến độ bình quân chung. Đó là các chỉ tiêu về 95% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% trạm y tế có bác sĩ công tác… Do đó, ngành Y tế đang tiếp tục nỗ lực để hiện thực hóa các mục tiêu này. Đồng thời định hướng phát triển các bệnh viện tuyến tỉnh theo hướng chuyên sâu, có bản sắc riêng để trở thành những mũi nhọn trong điều trị của tỉnh trong thời gian tới theo gợi ý của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng tại buổi làm việc với Sở hồi tháng 10-2024.

Hạ Liên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202501/y-te-thai-nguyen-hien-thuc-muc-tieu-nghi-quyet-93e1734/
Zalo