Ý nghĩa trong lành của ngày Tết Thanh minh

Đa số các dân tộc trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam coi ngày Thanh minh là ngày Tết quan trọng trong năm. Ngày tết này được tổ chức từ gia đình, dòng họ, đến khắp cả làng xã, cả cộng đồng dân tộc. Gần đây, Tết thanh minh quy mô lớn dần do đời sống phát triển, tâm lý phú quý sinh lễ nghĩa.

Rất nhiều dân tộc coi ngày thanh minh tảo mộ là ngày tết, đặc biệt là đối với các dân tộc coi trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Ảnh: TTH

Rất nhiều dân tộc coi ngày thanh minh tảo mộ là ngày tết, đặc biệt là đối với các dân tộc coi trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Ảnh: TTH

Tết Thanh minh 2025 nhằm ngày 4/4 dương lịch (thứ Sáu ngày 7/3 âm lịch)

Tết Thanh minh nhằm ngày đầu tiên của tiết thanh minh, sau Tết Nguyên đán 60 ngày. Vì sau tiết Xuân phân 15 ngày, nên Thanh minh vẫn là một lễ hội mùa xuân mang ý nghĩa sum họp.

Thanh minh tạm dịch nghĩa là trong sáng, là những ngày đẹp trời để tảo mộ, chăm sóc phần mộ của người đã khuất. Là ngày duy nhất trong năm, sự kết nối giữa 2 thế giới dường như hiện hữu, thế giới bên kia và thế giới thực tại.

Đối với những dân tộc coi trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên như Nùng, Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ, Cao Lan, Hoa… Tết Thanh minh là lễ trọng trong năm. Ngày con cháu đi xa trở về và chỉ duy nhất ngày này, đồng bào cúng cơm trước mộ và được phép tu sửa, chỉnh trang phần mộ người thân đã khuất. Những ngày khác, họ không có tập quán thăm mộ vì quan niệm để người đã khuất yên nghỉ, những khu rừng ma (rừng dành riêng cho nghĩa trang) phải được hoang vu, tịnh vắng.

Những khu rừng mộ hoang vu tịnh vắng quanh năm, chỉ có ngày thanh minh được tu sửa, dọn dẹp. Ảnh: TTH

Những khu rừng mộ hoang vu tịnh vắng quanh năm, chỉ có ngày thanh minh được tu sửa, dọn dẹp. Ảnh: TTH

Mâm cơm cúng lục món (6 món) của người Sán Dìu trước mộ trong ngày Tết Thanh minh. Ảnh: TTH

Mâm cơm cúng lục món (6 món) của người Sán Dìu trước mộ trong ngày Tết Thanh minh. Ảnh: TTH

Vào ngày Tết Thanh minh, hầu hết các gia đình tỏa lên các nghĩa trang. Người già thì đi cúng bái, thanh niên thì cuốc xới, làm sạch cây cỏ và đắp lại mộ, phụ nữ gánh theo đồ cúng, con trẻ thì chuẩn bị nhang đèn, cờ phướn. Vì vậy ngày tết thanh minh còn là ngày hội cộng đồng, ngày các gia đình gặp gỡ, chuyện trò.

Ở đó, người trong dòng họ được gặp nhau đầy đủ, người già truyền dạy lại văn hóa, phụ nữ học cách thu vén gia đình, sắp xếp mâm cơm cúng. Trong đó, tất cả các lễ vật dâng cúng đều theo nguyên tắc 6 phần với ý nghĩa con cháu dâng cúng tổ tiên một mâm cơm đầy đặn, không thừa, không thiếu. Trải qua một năm, gia đình nào có điều kiện kinh tế khá giả, thì mâm lễ cúng đầy đủ, tươm tất hơn.

Mỗi ngôi mộ trang trí 6 miếng giấy xé khéo thành đuôi phướn, mộ mới phướn trắng, mộ đã lâu và người chết thọ thì phướn đỏ. Thế mới nói nhìn vào tết thanh minh là biết hoàn cảnh người chết, biết cả gia cảnh người sống. Người làng bản, dòng họ có dịp tương thân, tương ái, giao tiếp và phát triển, bảo tồn văn hóa gốc của dân tộc mình thông qua Tết Thanh minh.

Mâm xôi ngũ sắc cúng Thanh minh của người Tày. Ảnh: TTH

Mâm xôi ngũ sắc cúng Thanh minh của người Tày. Ảnh: TTH

Bánh dày ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành tương sinh dùng làm đồ cúng trong ngày Tết Thanh minh. Ảnh: TTH

Bánh dày ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành tương sinh dùng làm đồ cúng trong ngày Tết Thanh minh. Ảnh: TTH

Rất nhiều kỹ năng cơ bản riêng có của mỗi dân tộc đều được truyền dạy và lưu giữ từ những ngày Tết Thanh minh. Ngoài ý nghĩa là ngày tụ họp, tảo mộ, chạp mộ, người dân tộc thiểu số còn truyền dạy nhiều kỹ năng như nấu xôi ngũ sắc bằng nguyên liệu tự nhiên. Có những loại lá cây chắt lấy nước nấu xôi cho ra nhiều màu khác nhau. Kỹ năng cắt và xé giấy màu trang trí rất phức tạp và khó.

Người dân tộc Dao sở hữu nghệ thuật cắt giấy trong thờ cúng tín ngưỡng mà phần lớn bị thất truyền trong các cộng đồng người bị rơi rớt vốn văn hóa. Rất ít người giờ đây biết gấp và cắt giấy để khi mở ra, miếng giấy tạo thành hình cắt nghệ thuật. Muốn học kỹ năng này, người ta phải tìm tới người già, các thày mo, thày cúng và riêng việc học đã rất khó, cộng với bàn tay khéo léo mới làm được.

Một kỹ năng khác là cách buộc thắt dây rừng, leo núi, sử dụng dao đi rừng, cách chữa ong đốt, rắn cắn… Đây là vốn tri thức nhân loại mà bình thường trong các tài liệu đào tạo hướng đạo sinh, phải vất vả để dạy kỹ năng sống cần có nhưng trẻ nhỏ vẫn không nắm vững được hết.

Một số bài thuốc nam riêng là tri thức dân gian, chỉ có thể truyền dạy vào thời điểm thực tế, thì ngày Tết Thanh minh sẽ giải quyết các vấn đề này một cách tự nhiên.

Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian, ngày Tết Thanh minh là ngày tết đặc trưng của những dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng. Họ chôn cất người đã khuất trong những khu rừng sâu hoang vắng và chỉ duy trì cúng chạp mộ vào ngày này trong năm. Trong đó, đáng chú ý có tục con cháu đều tụ họp lại lên thăm mộ và cúng lễ rồi ăn uống tại rừng rồi mới về nhà cúng gia tiên.

Ngày tết này để con cháu dòng tộc tìm về nguồn gốc, dòng họ, quê cũ với ý nghĩa uống nước, nhớ nguồn. Tục lệ này cũng cho thấy sự liên quan mật thiết giữa quá khứ - hiện tại và tương lai vòng đời theo quan niệm của tín ngưỡng dân gian, là truyền thống lễ hiếu của con cháu đối với tổ tiên.

Trước đây, nếu trong gia đình có con cháu đi làm ăn xa, lấy chồng xa thì Tết Thanh minh ngoài việc chạp mộ còn là thời gian để cả họ tụ họp vào buổi tối, hát giao duyên, đối đáp, chơi với nhau nhiều trò chơi dân gian riêng của dân tộc mình. Người Tày, Nùng còn có các buổi hát si – lượn, người Sán Chỉ hát Soọng cô đánh cầu bằng lông gà, hay là dạy trẻ nhỏ chơi trò lày cỏ, thêu thổ cẩm, buộc dải yếm, thắt khăn tay... Phụ nữ học cách nấu ăn có món riêng có của dân tộc mình, học hát, múa dân vũ.

Một phần không thể thiếu của Tết Thanh minh là tục đốt mã trước mộ. Người Dao đốt mã khác hẳn với thói quen đốt mã của tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ. Họ đốt vừa phải, đốt mã ước lệ và không rùng rùng đốt mã nhiều thứ mô phỏng kiểu "trần sao âm vậy" như đối với các tín ngưỡng khác. Việc dọn dẹp lại các ngôi mộ và đốt mã cũng là cách giải trừ điều xui xẻo, làm sạch không khí, an ủi vong linh người đã khuất và mang lại điều may mắn, an lành cho người sống.

Dùng dao đi rừng dọc giấy thành các lá phướn trong ngày Tết Thanh minh chính là kỹ thuật đơn giản nhất trong nghệ thuật cắt giấy. Trong ảnh giấy màu gấp cắt thành hình cánh hạc bay. Ảnh: TTH

Dùng dao đi rừng dọc giấy thành các lá phướn trong ngày Tết Thanh minh chính là kỹ thuật đơn giản nhất trong nghệ thuật cắt giấy. Trong ảnh giấy màu gấp cắt thành hình cánh hạc bay. Ảnh: TTH

Một số dân tộc khác vốn có ngày tết thanh minh nhưng đã bị mai một đi hoặc không được truyền lại là do họ đã mất không gian văn hóa cộng đồng.

Những gia đình nhỏ chuyển dời chỗ ở, sinh sống đan xen với nhiều dân tộc khác, họ cũng bị đồng hóa văn hóa theo các dân tộc khác. Khi trong gia đình có người mất thì hỏa táng rồi mang tro cốt gửi lên chùa hoặc xây cất mộ theo phương thức lăng tẩm, đền thờ, nghĩa trang cộng đồng và cũng bỏ dần, không duy trì ngày Tết Thanh minh. Kéo theo đó là những món ăn đặc sắc riêng với cách chế biến độc đáo bị thất truyền.

Khi xa rừng, các kỹ năng sinh tồn với đô thị sẽ thay thế sinh tồn trong rừng núi và ngày tết thanh minh dần mất vai trò. Dần dà, mối liên kết dòng họ, sức mạnh cộng đồng cũng dần mất đi. Các hương ước lỏng lẻo và không còn được coi trọng, không còn giá trị khích lệ sự học tập, tu dưỡng đạo làm người.

Ngày tết thanh minh là vốn văn hóa quý của nhiều dân tộc thiểu số, nói cách khác, đây có thể coi là ngày tạo ra môi trường thuận lợi để bảo tồn văn hóa dân tộc theo cách tự nhiên.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/y-nghia-trong-lanh-cua-ngay-tet-thanh-minh-179250328144459071.htm
Zalo