Ý nghĩa của thời gian

Thời gian công việc khác thời gian giải lao, giải lao lại khác giải trí, giải trí không giống giải khuây, giải khuây cũng khác giải sầu.

Cho thời gian ý nghĩa mình muốn. Thời gian trước mặt tất nhiên không có cùng một ý nghĩa đối với tất cả mọi người. Và tùy theo tâm trạng và tình huống nên hiện tại lại càng mang nội dung khác nhau. Thời gian công việc khác thời gian giải lao, giải lao lại khác giải trí, giải trí không giống giải khuây, giải khuây cũng khác giải sầu.

Thời gian lại khác hẳn thời điểm: ngày hôm nay là thời gian hiện tại, nhưng cái ngày hiện tại đó lại có ít nhất là ba thời điểm khác nhau: sáng, chiều, tối. Tóm gọn: nội dung và ý nghĩa của thời gian hiện tại hoàn toàn khác nhau vì tùy thuộc vào con người và hoàn cảnh! Đó là điều cơ bản mà doanh nghiệp phải nắm để biết lựa chọn những giá trị gia tăng khác biệt dành phục vụ riêng cho loại khách hàng mình muốn có!

 Ảnh minh họa. Nguồn: Rahul Shah/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: Rahul Shah/Pexels.

“Buổi sáng nơi ấy bắt đầu từ lúc chưa đến năm giờ. Trời vẫn tối nhập nhòe. Những chiếc bàn kê ở cửa sổ nhìn ra góc hồ đầy sương trắng đã có mấy người già ngồi. Cà phê rang thơm thật dịu. Vòm quán kiểu xưa, cao nên hơi lạnh. Có ông già đứng dậy cưa thanh củi trong lò. Một bà già ngẩng đầu cảm ơn rồi lại cúi xuống tập giấy trước mặt. Khói lãng đãng. Chủ quán ngồi sau quầy hút tẩu. Thời gian ở đây chứa sự tĩnh lặng đầy chất văn và thơ (...).

Đến trưa, có thêm một số người khách, khá đông. Phần lớn quen nhau nhưng ít ai nói chuyện nhiều. Mà có trò chuyện thì họ cũng nói rất khẽ. Làm như là nói lớn sợ con chữ gặp gió mà bay. Chỉ bà chủ quán là giọng nói vang mà lại rất ấm (...) Rồi đến tối và nhất là lúc đã hơi khuya, thời gian ở quán ấy có ồn ào lên một chút. Đó là lúc của những nhà thơ nhà văn trẻ và mấy ông giáo đại học trong vùng đến tán gẫu về thế gian (...). Quán ấy, khi hỏi các văn hào hay mấy tay trí thức hơi gàn dở một tí, ai đã đến thì cũng đều đâm ra 'nghiện' cái 'chất thời gian' ở đấy.”

Đó là trích đoạn trong một tập ký sự về những hàng quán “có chất văn” ở các thành phố châu Âu. Nhưng hơn ba năm sau, trong tập ký sự thứ hai của cùng tác giả và cùng chủ đề, khi đề cập đến cái “quán ngày xưa” ấy, chỉ còn vỏn vẹn mấy dòng: “Nơi ấy bây giờ sao khác hẳn. Nó trở thành cái quán bình thường như mọi cái quán bình thường ở cái thành phố vẫn là cổ xưa ấy. Nó không còn mở cửa khi chưa đến năm giờ sáng. Và khách thì chỉ có vẻ hơi đông được tí chút lúc trưa. Cả ngày và tối thì lại rất vắng. Vòm quán vốn cao nên không khí càng thêm lạnh!” Điều gì đã xảy ra?

Đoạn “giới thiệu” về quán ấy trong tập ký sự đầu tiên của tác giả nói trên được trích đăng trong một cuốn sách hướng dẫn du lịch. Khách thập phương kéo đến với mục đích không phải vì quán mà vì muốn nhìn tận mặt một số nhà thơ nhà văn tên tuổi vẫn lui tới thường xuyên nơi ấy.

Chủ quán thấy khách lạ đến đông, bày ra thêm một số thực đơn mới và cách tiếp đãi mới. Khách cũ thấy hàng quán không còn chứa khoảng thời gian của riêng mình nên dần dần bỏ đi. Và khi khách du lịch đến không còn nhìn thấy được nhà văn nhà thơ nào như mình mong, rốt cuộc cũng không đến nữa. Quán đâm ra vắng và càng vắng thì lại càng thêm ế khách!

Trong trường hợp này, chủ doanh nghiệp đã tự phá cơ ngơi của mình vì không nhận thức được thực chất giá trị gia tăng mình đang có: “thời gian mang ý nghĩa đầy chất thơ” của quán ấy không phải tự thân quán có được mà chủ yếu là nhờ cá tính của khách (khách loại nào thì sẽ mang đến cho quán cái “chất” của loại ấy!).

Chủ doanh nghiệp, thoạt thấy khách lạ đến đông, đâm ra muốn chiều lòng mọi người, và vì muốn chiều lòng mọi người nên rốt cuộc không còn ai được hài lòng vì chẳng khách nào cảm nhận là có được giá trị gia tăng đặc thù như mình muốn: “chất thơ” không còn, “người thơ” cũng không, ý nghĩa của thời gian mà khách muốn có khi đến đấy đâm ra cũng không còn. Quán vắng khách vì đã đánh mất giá trị gia tăng cơ bản của nó!

Tôn Thất Nguyễn Thiêm/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/y-nghia-cua-thoi-gian-post1491863.html
Zalo