Ý nghĩa chính trị sâu sắc của chiến thắng 30/4 qua góc nhìn của chuyên gia Italy

Nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), phóng viên TTXVN tại Rome đã có cuộc phỏng vấn với ông Stefano Bonilauri, Giám đốc Nhà xuất bản Anteo Edizioni ở thành phố Reggio Emilia, miền Bắc Italy, đồng thời là tác giả đạt giải A Cuộc thi chính luận về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ tư năm 2024.

Ông Stefano Bonilauri, Giám đốc Nhà xuất bản Anteo Edizion ở thành phố Reggio Emilia, miền Bắc Italy, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh: Thanh Hải/PV TTXVN tại Italy

Ông Stefano Bonilauri, Giám đốc Nhà xuất bản Anteo Edizion ở thành phố Reggio Emilia, miền Bắc Italy, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh: Thanh Hải/PV TTXVN tại Italy

Trong cuộc trò chuyện, ông Bonilauri đã đưa ra những nhận định sâu sắc và nhấn mạnh ý nghĩa chính trị to lớn của chiến thắng lịch sử ngày 30/4 đối với vận mệnh của Việt Nam cũng như phong trào cách mạng trên thế giới. Ông Bonilauri cho rằng sự kiện 30/4/1975 đánh dấu mốc kết thúc những năm tháng chiến tranh gần như không ngừng nghỉ, trong đó người Việt Nam buộc phải đối mặt với 3 đội quân hùng mạnh nhất thế giới. Trước tiên là phát xít Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, sau đó là thực dân Pháp cho đến năm 1954 và cuối cùng là đế quốc Mỹ. Không chỉ toàn thể nhân dân Việt Nam mà cả nhân dân thế giới, thanh niên và những người phản đế, những lực lượng trong nhiều năm đã thổi bùng mạnh mẽ phong trào đoàn kết với cuộc đấu tranh giải phóng Việt Nam đã cùng bày tỏ niềm hân hoan trong niềm vui chiến thắng vào thời khắc trọng đại đó.

Trong 4 thập kỷ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngoài việc thống nhất đất nước, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn như phát triển lực lượng sản xuất và phổ cập giáo dục phổ thông trong toàn dân. Tuy nhiên, tiến lên chủ nghĩa xã hội cũng có nghĩa là phải biết đổi mới và thích nghi với thời đại, xóa bỏ mọi tư tưởng giáo điều và khi cần thiết phải tự phê bình. Với tinh thần đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã nêu bật những hạn chế, khuyết điểm, đồng thời chỉ ra những nguyên nhân còn tồn tại để mở đầu thời kỳ Đổi mới.

Khả năng tự phê bình và đổi mới này đã giúp Việt Nam vượt qua cuộc khủng hoảng những năm sau đó và phát triển thành công. Chủ nghĩa xã hội Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng nhưng con đường đi tới chủ nghĩa xã hội còn dài và nhiều khó khăn. Chỉ bằng cách duy trì tinh thần tự phê bình và quyết liệt đổi mới, coi nhân dân là mục đích chứ không phải phương tiện, Việt Nam mới có thể tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa mà nhân dân đã lựa chọn từ cách đây 80 năm.

Theo ông Bonilauri, tinh thần đoàn kết dân tộc không chỉ làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975 mà còn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Việt Nam. Ngày 10/5/1969, khoảng 4 tháng trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong di chúc của mình rằng: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Cho đến nay, nhờ chiến thắng 30/4/1975, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục vững bước trên con đường này.

Tương tự như vậy, sau chiến thắng 30/4, ví dụ nổi bật nhất về sự kết hợp giữa nghệ thuật quân sự và ngoại giao tài tình là hoạt động “ngoại giao cây tre”, tức là khả năng của Việt Nam trong việc duy trì quan hệ song phương tích cực với tất cả các cường quốc thế giới mà không phải chịu khuất phục trước họ. Việt Nam đã cân bằng các lực lượng địa chính trị cạnh tranh khác nhau, theo đuổi lợi ích quốc gia thông qua mối quan hệ cân bằng với tất cả các cường quốc mà không tạo ra bất kỳ hình thức phụ thuộc nào.

Cũng theo ông Bonilauri, để giải quyết những vấn đề hiện nay trong bối cảnh kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải luôn đặt lợi ích quốc gia, lợi ích của người dân vào trung tâm mọi hành động. Bằng cách đi theo con đường này, Việt Nam có thể vượt qua mọi khó khăn trong bối cảnh quốc tế phức tạp.

Về những bài học của chiến thắng 30/4, ông Bonilauri cho rằng trước hết là sự quyết tâm kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Mặc dù gặp bất lợi đáng kể về trang thiết bị và công nghệ nhưng người Việt Nam đã thể hiện quyết tâm kiên định để bảo vệ đất nước và nền độc lập dân tộc. Điều này đã chứng minh rằng ý chí của người dân có thể vượt qua cả những chênh lệch quyền lực lớn nhất, tạo nên niềm tin to lớn cho các dân tộc khác ở châu Á và châu Phi, lúc bấy giờ đang tham gia đấu tranh phi thực dân hóa và giành độc lập dân tộc.

Dương Hoa - Trường Dụy - Thanh Hải (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/y-nghia-chinh-tri-sau-sac-cua-chien-thang-304-qua-goc-nhin-cua-chuyen-gia-italy-20250331150845160.htm
Zalo