Ý kiến của Thường trực Chính phủ về Dự án 50 tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines
Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp dưới 200 ghế (>160 ghế), tương đương cấu hình của dòng tàu bay A320Neo/ B737Max và 10 động cơ dự phòng của Vietnam Airlines có tổng mức đầu tư 3,587 tỷ USD.

Một tàu bay Airbus 320neo.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 236/TB - VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về Dự án đầu tư tàu bay thân hẹp của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN).
Cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Dự án đầu tư tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines được tổ chức hôm 14/5 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Theo đó, Thường trực Chính phủ đã đồng ý kiến nghị của Bộ Tài chính để thực hiện Dự án đầu tư tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines theo chủ trương đã được Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đồng ý tại văn bản số 3695/VPCPCN ngày 28/4/2025.
Cụ thể, Thường trực Chính phủ đồng ý Vietnam Airlines vừa xây dựng Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp vừa đàm phán với nhà sản xuất tàu bay theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 110/2011/NĐ-CP
về quản lý hoạt động thuê, mua tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư và dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, động cơ, phụ tùng vật tư tàu bay.
Thường trực Chính phủ cũng cho phép Vietnam Airlines được đặt cọc (có hoàn trả) để giữ lịch tàu bay và các ưu đãi khác trước khi lập dự án hoặc ký kết hợp đồng mua tàu bay theo quy định tại khoản 8 Điều 16 Nghị định số 110/2011/NĐ-CP.
“Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính làm việc với Vietnam Airlines để thống nhất việc bảo lãnh từ Chính phủ đối với các khoản vay của Vietnam Airlines từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, báo cáo lại Thường trực Chính phủ trước ngày 25/5/2025”, Thông báo số 236 nêu rõ.
Được biết, Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2025 của Vietnam Airlines vừa thông qua chủ trương Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp.
Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ mua mới 50 tàu bay thân hẹp dưới 200 ghế (>160 ghế) tương đương cấu hình của dòng tàu bay A320Neo/ Boeing737Max (bao gồm động cơ treo trên cánh, các thiết bị chọn thêm) và 10 động cơ dự phòng.
Dự án có tổng mức đầu tư 3,587 tỷ USD (tương đương 92.379,848 tỷ đồng) này sẽ có thời gian thực hiện là từ 2025 đến năm 2050, trong đó các tàu bay sẽ được các đơn vị cung cấp bàn giao cho Vietnam Airlines đưa vào khai thác trong giai đoạn từ 2030 – 2032.
Vietnam Airlines dự kiến sử dụng kết hợp nguồn vốn tự có và vốn huy động từ bên ngoài/ bán và thuê lại (Sale and Leaseback - SLB) tàu bay để tài trợ Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp.
Theo đó, hãng sẽ sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu khoảng 1,6 tỷ USD (tương đương 43.000 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 46,4% tổng mức đầu tư Dự án để đối ứng mua tàu bay, mua động cơ dự phòng và thanh toán các khoản chi phí khác.
Nguồn vốn vay với tổng giá trị 1,9 tỷ USD (tương đương 49.400 tỷ đồng) sẽ được Vietnam Airlines thanh toán các khoản thanh toán trả trước cho nhà sản xuất và thanh toán tiền mua tàu bay còn lại tại thời điểm nhận tàu.
Bên cạnh đó, để giảm áp lực tài chính và đảm bảo cân đối nguồn vốn, Vietnam Airlines sẽ áp dụng cấu trúc SLB cho 25 tàu bay, dự kiến thu về 1,6 tỷ USD (tương đương khoảng 42.000 tỷ đồng).
Hiện nhu cầu nhu cầu về tàu bay trên thế giới đang tăng cao. Các đơn hàng tồn đọng của Airbus và Boeing đã lên tới hàng ngàn chiếc. Trong trường hợp đặt cọc ngay từ đầu năm 2025 thì nhanh nhất phải sau 5 năm, nhà sản xuất mới có thể bàn giao tàu bay cho hãng hàng không.
Vì vậy, để đảm bảo tiến độ triển khai đáp ứng tính cấp bách của Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp, Vietnam Airlines từng kiến nghị cho phép Tổng công ty được áp dụng hình thức chị định thẩu thông qua đàm phán trực tiếp với nhà cung cấp là nhà sản xuất tàu bay.
Vietnam Airlines cũng đề xuất cho phép hãng vừa xây dựng Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp vừa đàm phán với 2 nhà sản xuất tàu bay là Airbus, Boeing và được phép tiến hành đặt cọc (có hoàn trả) đế giữ lịch tàu bay và các ưu đãi khác trước khi lập dự án hoặc ký kết hợp đồng mua tàu bay.