Xuyên Tết bảo vệ rừng xanh

Khi nhà nhà đang nao nức sum vầy đón Tết Cổ truyền của dân tộc thì tại Vườn quốc gia Sông Thanh (Quảng Nam), nhiều tốp bảo vệ rừng (BVR) chia nhau trực Tết.

Trạm Bảo vệ rừng Khe Ru nằm giữa những tán rừng già.

Trạm Bảo vệ rừng Khe Ru nằm giữa những tán rừng già.

Đón Tết giữa rừng

Vườn quốc gia Sông Thanh có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp quản lý hơn 76.000 ha, trải dài trên 12 xã thuộc 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn (Quảng Nam). Trước đây, Sông Thanh được xem là “thủ phủ” của “lâm tặc”, “vàng tặc” và chốn dung thân của các loại tội phạm bị truy nã. Thế nhưng từ tháng 6-2021, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã dùng hơn 6 tấn thuốc nổ đánh sập 75 hầm vàng tại các bãi vàng thuộc các tiểu khu 377, 378 xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, hàng trăm đối tượng phải tháo chạy khỏi rừng. Từ đây, sự bình yên và màu xanh của núi rừng đang dần được khôi phục.

Ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc Ban quản lý (BQL) Vườn quốc gia Sông Thanh cho biết, để bảo vệ những cánh rừng, BQL đã ký hợp đồng với hơn 200 lao động chuyên trách BVR đảm nhiệm công việc ở 2 đội cơ động và 16 trạm BVR. Các trạm BVR làm nhiệm vụ chốt chặn, tuần tra rừng tối thiểu 15 ngày/tháng và mỗi trạm được giao quản lý theo từng khu vực cụ thể. Từ đầu năm đến nay, các trạm quản lý BVR, đội BVR cơ động đã triển khai gần 400 đợt tuần tra, kiểm tra rừng, qua đó phát hiện và tháo gỡ gần 3.000 sợi dây bẫy các loại, phá hủy hơn 90 lán trại và đẩy đuổi gần 100 người vào rừng trái phép ra khỏi rừng...

Vườn có hệ thực vật đa dạng với 830 loài thực vật bậc cao, 38 loài có tên trong Sách Đỏ. Hệ động vật cũng rất phong phú với 23 loài thú, 12 loài chim, 16 loài bò sát và 3 loài lưỡng cư có tên trong Sách Đỏ. Nhằm góp phần duy trì và phát triển sự bình yên ở Vườn quốc gia Sông Thanh nói chung và lâm phận phía Tây Quảng Nam nói riêng, những ngày cuối năm 2024, từng tốp nhân viên chia nhau vào rừng trực tết; giữ rừng không cho các đối tượng vào khai thác gỗ, săn bắt động vật rừng, khai thác vàng trái phép.

Những ngày cuối năm, chúng tôi theo đoàn công tác của lãnh đạo Vườn quốc gia Sông Thanh đến thăm, động viên người lao động ở một số Trạm quản lý BVR. Từ trụ sở Vườn quốc gia Sông Thanh (xã Tà Bhing, huyện Nam Giang), một chiếc xe bán tải được nhân viên vận chuyển hàng trăm suất quà, đó là quà tết được trao tặng động viên những người bám núi giữ rừng. Xe đỗ xuống Trạm quản lý BVR Khe Vinh, từ đây quà tết tiếp tục được vận chuyển bằng đường thủy để vào sâu bên trong những cánh rừng già. Mùa này, nước sông Bung xanh ngắt, in bóng cây rừng, mưa phùn lất phất, lạnh như cắt.

Trạm BVR Khe Ru, thuộc Vườn quốc gia Sông Thanh nằm trên một ngọn đồi nhỏ, xung quanh bao phủ bởi những tán rừng già. Nơi đây có 2 căn nhà sàn, là nơi gần chục nhân viên của trạm ăn ở, sinh hoạt và giữ rừng. Mùa này, tiết trời lạnh ngắt, mưa rả rích cả ngày đêm, bếp lửa là thứ duy nhất để các nhân viên chống chọi với cái lạnh giá.

Sau những lời thăm hỏi, quà tết được đại diện lãnh đạo Vườn quốc gia Sông Thanh trao cho các nhân viên của trạm để góp phần chung vui, đón Tết. Các nhân viên cho biết, vào dịp tết này, họ đã góp tiền để mua một con heo thịt, thêm bánh chưng xanh, tổ chức một bữa tất niên nho nhỏ giữa rừng già. Anh Blup Chương – Tổ trưởng Tổ BVR Khe Ru chia sẻ, Tổ có 9 người, chủ yếu đi tuần tra, khảo sát đa dạng sinh học, trồng rừng, đặt bẫy ảnh; đồng thời ngăn chặn, đẩy đuổi các đối tượng vào rừng trái phép để săn bắt động vật, khai thác lâm, khoáng sản. “Thời điểm cuối năm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã tăng cao, vì vậy nhiều đối tượng có ý định vào rừng để đặt bẫy, săn bắt trái phép. Do đó dù Tết, nhưng anh em vẫn chia ca trực như ngày bình thường bất chấp thời tiết mưa gió lạnh”- anh Chương nói.

Tết đến với lực lượng bảo vệ rừng.

Tết đến với lực lượng bảo vệ rừng.

Theo chân những người giữ rừng

Sau thời gian nghỉ ngơi, chúng tôi theo chân các nhân viên của Trạm BVR Khe Ru trong một chuyến tuần tra trong rừng già. Mưa rừng khiến những lối mòn sơn cước đầy bùn lầy trơn trượt. Những con vắt rừng nghe tiếng chân người đua nhau bu bám theo để hút máu. Anh Hiên Kiều, nhân viên của trạm vội đưa cho chúng tôi bao muối để thoa lên chân, đồng thời giải thích khi vắt bám lên, gặp vị mặn của muối chúng sẽ nhả.

Tổ tuần tra gồm 6 người, thoăn thoắt đôi chân tiến vào rừng sâu. Việc xác định vị trí những khu rừng nay đơn giản hơn nhờ phần mềm xác định vị trí tiểu khu, khoảnh rừng bằng điện thoại thông minh. Ngoài tuần tra, kiểm soát các ngõ ngách khu rừng, các nhân viên còn kiểm tra các khu vực khả nghi xem có người dân nào vào rừng đặt bẫy thú không, nếu phát hiện sẽ gỡ bẫy, thu giữ. “Cách đây vài ngày, chúng tôi tuần tra phát hiện một giàn bẫy dây với hàng chục cái. Đối với loại bẫy này, chúng tôi sẽ chặt đứt cần bẫy, sau đó tháo rời các dây phanh đem về tiêu hủy. Trong dịp tết công việc tuần tra sẽ thường xuyên hơn, tập trung vào các điểm nghi vấn để kịp thời phát hiện, đẩy đuổi các đối tượng”, anh Hối Trân. nhân viên Trạm Khe Ru thông tin.

Nói về những khó khăn trong quá trình tuần tra, anh Trân cho biết thêm, địa bàn Vườn quốc gia Sông Thanh rất rộng, nên việc tuần tra mất nhiều thời gian. Có những chuyến đi phải ở lại trong rừng vài ngày. “Thời tiết mùa này trên núi cao thường xuyên mưa lớn, xuất hiện lũ quét. Có những chuyến tuần tra gặp mưa lớn, nước lũ về nên anh em đành móc võng ngủ giữa rừng. Thế nhưng, chúng tôi vẫn bám rừng, giữ vững địa bàn phụ trách”, anh Hối Trân chia sẻ thêm.

Tết đến xuân về, trong khi nhiều người đón tết cùng gia đình, thì họ, những nhân viên BVR ở Vườn quốc gia Sông Thanh vẫn tuần tra, bám từng khoảnh núi vì sự bình yên của rừng già xanh thẳm.

Trần Lê

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/xuyen-tet-bao-ve-rung-xanh-post307817.html
Zalo